Vay OFID hơn 500 tỉ đồng làm cầu Đầm Vạc, Vĩnh Phúc
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:20, 23/05/2017
Chiều 22.5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và ông Suleiman Jasir Al-Herbish -Tổng giám đốc Quỹ Phát triển Quốc tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ (OFID) đã ký kết bản Hiệp định vay tài trợ cho Dự án cầu Đầm Vạc tỉnh Vĩnh Phúc.
Dự án xây dựng cầu Đầm Vạc có tổng vốn đầu tư khoảng 25,5 triệu USD(tương đương 546,6 tỉ đồng). Trong đó, vốn vay ODA 500,6 tỉ đồng, vốn đối ứng 46 tỉ đồng, dự kiến được hoàn thành vào cuối năm 2021, có vai trò kết nối bờ phía Bắc và bờ phía Nam của thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu hạ tầng giao thông vận tải cho các dự án đô thị trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, góp phần làm giảm ách tắc giao thông trong đô thị.
Trướcchủ trương của Chính phủ về tăng cường quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững thông qua việc cho vay lại đến chính quyền địa phương, UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ nhận vay lại toàn bộ nguồn vốn vay của OFID để thực hiện dự án cầu Đầm Vạc.
Trong năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt danh mục dự án cầu Đầm Vạc sử dụng vốn vay Quỹ OFID giai đoạn 2015 - 2016.
Về chương trình hợp tác giữa Việt Nam và OFID giai đoạn tới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị OFID tiếp tục ưu tiên tài trợ cho các dự án, vùng có khả năng vay lại phần vốn vay OFID của Chính phủ. Phía Việt Nam sẽ phối hợp với OFID cho vay các dự án/chương trình nằm trong chương trình đầu tư công trung hạn 2016-2020 đã được Chính phủ phê duyệt phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Về phía OFID, ông Suleiman Jasir Al-Herbish - Tổng giám đốc OFID nhận định Việt Nam là quốc gia thực hiện tốt các dự án trong số các quốc gia vay vốn OFID. Phần lớn các dự án của Việt Nam đều đảm bảo thời gian thực hiện dự án đúng theo hiệp định vay đã ký kết và ít phải gia hạn thời gian thực hiện dự án.
Tính đến thời điểm hiện nay, OFID đã cho Việt Nam vay 19 dự án và chương trình và đang tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển tại Việt Nam. Các dự án của OFID bao gồm nhiều lĩnh vực như: giao thông, thuỷ lợi, xoá đói giảm nghèo, y tế và giáo dục, phát triển đô thị. Các dự án triển khai chủ yếu trên địa bàn các tỉnh và phù hợp với các tỉnh ở vùng sâu, vùng xa.
Quỹ Phát triển Quốc tế của OFID là một định chế tài chính phát triển đa phương, do các nước thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thành lập vào đầu năm 1976 với mục đích tăng cường sự hợp tác giữa các nước thành viên OPEC và với các nước đang phát triển khác. Ngoài ra, Quỹ còn có trợ giúp đặc biệt để phát triển kinh tế xã hội đối với các nước nghèo, có thu nhập thấp.
Tuyết Nhung