Hôm nay, Thủ tướng sẽ đối thoại trực tiếp với 10.000 doanh nghiệp
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:12, 17/05/2017
96% thủ tục được đơn giản hóa sau hội nghị lần 1
Trong lần đối thoạinày, khoảng 2.000 đại biểu sẽ trực tiếp tham dự hội nghị - gấp 4 lần năm ngoai. Trong số này, khối doanh nghiệp tư nhân sẽ có khoảng 1.500 đại biểu, 200 đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, 100 đại biểu từ các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa.
Hội nghị năm nay cũng có sự tham gia theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố. Mỗi địa phương sẽ có lãnh đạo cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50 - 100 người mỗi điểm cầu. Như vậy, tổng cộng gần 10.000 đại biểu sẽ dự hội nghị.
Đáng chú ý, sau cuộcđối thoại với doanh nghiệplần thứ nhất diễn ra vào tháng 4.2016 tại TP.HCM, các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã nhanh chóng được thể chế hóa tại Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là điểm đáng ghi nhận trong thời gian qua. Với 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành, 4.527 trên tổng số 4.723 thủ tục hành chính (chiếm gần 96%)đã được đơn giản hóa.
30% doanh nghiệp nói chưa chuyển biến tích cực
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một năm sau hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2016, 75% doanh nghiệp đánh giá các cơ quan chính quyền có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, gần 30% doanh nghiệp đánh giá chuyển biến còn chưa đạt yêu cầu.
Trong số 320 kiến nghị doanh nghiệp nêu tại hội nghị năm 2016 và 100 kiến nghị gửi bổ sung sau đó, phần lớn đã được giải quyết. Số còn lại đang được nghiên cứu giải quyết, nhất là những kiến nghị liên quan tới quy định của pháp luật cần sửa đổi.
Hiện tại, VCCI đã nhận được khoảng 200 kiến nghị của các doanh nghiệp gửi tới hội nghị năm nay, liên quan tới nhiều vấn đề. Đơn cử như việc nhiều ngân hàng giảm lãi suất, nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn tín dụng; vấn đề thủ tục phá sản doanh nghiệp; giải quyết tranh chấp; thanh tra, kiểm tra...
VCCI cho rằng nhiều khó khăn của doanh nghiệp đã được tháo gỡ, nhưng để thực sự trở thành động lực cho nền kinh tế, khối doanh nghiệp vẫn gặp nhiều rào cản cần tiếp tục tháo gỡ. Nhiều doanh nghiệp vẫn lo lắng khi môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều bất cấp như khó tiếp cận nguồn vốn, chi phí ngầm, rào cản thủ tục hành chính và nhiều vấn đề khác.
Hàng loạt kiến nghị trước thềm hội nghị
Theo ông Lê Hoàng Châu,Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), sau hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp lần thứ nhất, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tiêu biểu trong lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững, HoREAđã có nhiều văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.
Trong lần đối thoại này, HoREA kiến nghị một số nội dung cấp bách. Đơn cử như việc cho phép thực hiện hạch toán bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thu nhập khác của doanh nghiệp.
Ông Châu cho biết tại hội nghị năm 2016, HoREA đã kiến nghị và được Chính phủ đưa vào Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16.5.2016, trong đó, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất để thực hiện bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh (bù trừ hai chiều). Tuy nhiên, đến nay chủ trương này vẫn chưa được thực hiện.
Hay HoREA kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh trong năm 2017. Theo lãnh đạo HoREA, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản rất mong chờ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh được Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2017, để tạo hành lang pháp lý minh bạch và thông thoáng hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thân,Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Namcũng cho rằng mặc dù Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tuy nhiên khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất.
Điều này thể hiện ở sự thờ ơ của những người thừa hành công vụ, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không đầy đủ cho doanh nghiệp, tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, quan liêu, chưa coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Để khắc phục hiện tượng này phải xuất phát từ cả hai phía là cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, như vậy mới tạo nên một môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn và bền vững.
Đồng thời, Chính phủ và Thủ tướng cần tiếp tục có giải pháp tăng cường kỷ luật và trách nhiệm hướng dẫn của công chức khi tiếp xúc với doanh nghiệp, nêu cao tinh thần lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ.
Đặc biệt, 3 Hiệp hội taxi TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng lại cùng kiến nghị Chính phủ xem xét lại việc “mở cửa” cho Uber, Grab vào kinh doanh vận tải hành khách tại Việt Nam. Các hiệp hội này đánh giá việc hoạt động của loại hình này gần như phá vỡ toàn bộ quy hoạch vận tải taxi, gây áp lực cho hạ tầng giao thông, gây khó khăn cho việc quản lý, phát sinh sự cạnh tranh không công bằng, không lành mạnh giữa taxi truyền thống.
Do đó, các hiệp hội taxi đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá toàn diện việc cho thí điểm ứng dụng công nghệ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng (Uber và Grab), có sự tham gia ý kiến của các cơ quan ban ngành cũng như hiệp hội các đơn vị cùng ngành nghề.
Trước mắt, có thể chỉ đạo các địa phương tạm thời chưa cấp phép thêm cho loại hình kinh doanh này, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với Công ty TNHH Grab (Uber) nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh với taxi truyền thống.
Phan Diệu