DN ‘than’ phải tiếp quá nhiều đoàn kiểm tra, Thủ tướng vào cuộc chấn chỉnh
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 14:56, 16/05/2017
Theo Báo cáo sơ kết về kết quả thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN sẽ diễn ra vào 17.5, nhiều doanh nghiệp cho biết phải chịu áp lực lớn từ chi phí “lót tay” cũng như tần suất thanh tra, kiểm tra hàng năm.
Báo cáo cho biết, sau một năm Nghị quyết 35 đi vào cuộc sống, hoạt động hỗ trợ DN tuy đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, thủ tục hành chính chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho DN.
“Nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Có DN một năm phải tiếp 6-7 đoàn thanh tra, kiểm toán, thậm chí trên 10 đoàn chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức”, báo cáo nêu.
Bên cạnh đó, VCCI cũng dẫn ra kết quả điều tra 11.000 doanh nghiệp trong báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 và cho biết, cứ 3 doanh nghiệp được hỏi thì có 2 doanh nghiệp xác nhận trả loại phí lót tay, không chính thức này.
“Tình hình không có mấy cải thiện khi từ 9-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014-2016 cho biết các khoản chi phí cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước”, báo cáo nêu.
Cơ quan này nhận định, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN vẫn phổ biến, chỉ tiêu này dù được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% năm 2013-2014 xuống còn 58% năm 2016) nhưng vẫn cao so với kết quả điều tra các năm trước đó.
Ngoài ra, báo cáo của VCCI cũng phản ánh, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Singapore hay Malaysia. Đặc biệt là, chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore. Tương tự, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines.
Dù thừa nhận Nghị quyết 35 đã nhận được đánh giá cao của DN nhưng VCCI cũng cảnh báo, có nhiều tín hiệu cho thấy tính không bền vững trong phát triển doanh nghiệp trong những năm qua.
Cụ thể, hiệu quả sử dụng lao động trong giai đoạn 2007-2015 đã giảm đi, từ 17,3 lần năm 2007 xuống còn 14,2 lần năm 2015. Hiệu quả sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp cũng ngày càng giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đã tăng cao trở lại trong giai đoạn 2011 - 2015 với mức trung bình khoảng 40,9%. Hiệu suất sinh lợi trên tài sản của các doanh nghiệp giảm từ 6,6% năm 2012 xuống còn 3,2% năm 2015…
Liên quan đến việc DN than phiền về tần suất thanh tra, ngày 16.5, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và giải quyết trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về việc vẫn còn có quá nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra trong cùng một năm; tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp; báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 17.5.2017.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước rà soát để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm toán.
“Không để xảy ra sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý 2/2017”, văn bản nêu.
Hoài Phong