Ba Lan lo lắng vì ông Macron làm tổng thống Pháp
Quốc tế - Ngày đăng : 14:04, 15/05/2017
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thắng cử vì lý do ông muốn ổn định và gia tăng hợp tác hơn nữa giữa Paris và EU. Pháp với sức mạnh kinh tế của mình sẽ là đầu tàu thứ hai của khối liên minh chính trị - kinh tế này sau Đức.
Tuy nhiên, viễn cảnh này lại khiến những nước Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan và Hungary lo ngại. Warsaw lo ngại rằng những nước đồng minh phương Tây giàu có tăng cường hợp tác với nhau sẽ làm xói mòn thị trường chung vốn là lợi ích của các nước Đông Âu và các quốc gia nghèo trong khối EU.
Sự xuất hiện của ông Macron và ủng hộ của Đức cho một châu Âu liên kết hơn, nhất là sau khi Anh rời khỏi khối, khiến cho Budapest và Warsaw lo lắng tiếng nói của họ trong liên minh sẽ bị suy giảm.
Ba Lan cũng đã có những nỗ lực để ngăn chặn Brussels áp đặt quyền lực của mình lên các nước thành viên của khối. Các quan chức Ba Lan thậm chí còn tố cáo ông Macron đang sử dụng "tiêu chuẩn kép" khi kêu gọi khối EU cải cách quy chế về việc tự do di chuyển của các lao động trong khối EU.
"Các nhà chính trị, nhà tư tưởng đang tìm kiếm giải pháp", ông Konrad Szymanski, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan nói trong một diễn đàn kinh tế ở Katowice hôm 10.5. Ông Szymanski cho rằng tự do di chuyển các lao động trong khối EU là một định chế lâu đời, trụ cột của khối. Vì vậy, yêu cầu cải cách quy chế này của ông Macron sẽ có "nạn nhân đầu tiên là thị trường chung".
Tuyên bố của các quan chức Ba Lan cũng nhắm đến việc công ty Whirlpool quyết định chuyển một nhà máy chế tạo máy giặt từ Pháp sang Ba Lan. Trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, đây là một chiến trường giữa hai ứng viên Marine Le Pen và ông Emmanuel Macron. Bà Le Pen tuyên bố sẽ quốc hữu hóa nhà máy này nếu bà thắng cử để tránh việc di dời. Trong khi đó, ông Macron, một người bảo vệ toàn cầu hóa và hợp tác chặt chẽ trong khối EU, đã làm đúng theo nguyên tắc của mình khi không hứa hẹn với các công nhân rằng ông sẽ ngăn vụ chuyển nhà máy này.
Tuy nhiên, ông Macron đã cáo buộc rằng Warsaw đang dùng sự khác biệt về chi phí nhân công để cạnh tranh không công bằng và điều này thì "không thể dung thứ". Tuyên bố của ông Macron ám chỉ đến việc "bán phá giá xã hội", một chủ đề nóng bỏng trong đời sống Pháp. Đó là việc các công ty tại Pháp đang sử dụng các lao động giá rẻ từ các nước khác trong khối EU hoặc di chuyển nhà máy sang các nước có mức lương thấp hơn.
Bộ trưởng Tài chính Ba Lan Mateusz Morawiecki nói với Đài phát thanh Ba Lan rằng tuyên bố của ông Macron là "một sự kỳ thị" và những viên chức chính phủ khác của Ba Lan thì nói rằng ông Macron đang làm suy yếu thị trường chung của EU.
"Không thể có chuyện khi Ba Lan là một thị trường xuất khẩu thì là điều tốt, còn khi chúng tôi thu hút đầu tư nước ngoài, như từ Pháp, thì lại trở thành điều xấu", ông Morawiecki chỉ trích.
Dù vậy, ông Morawiecki nói rằng chiến thắng của ông Macron có thể là một tin tốt cho Ba Lan nhưng Warsaw đang tự hỏi rằng "liệu chúng ta có bị loại khỏi cuộc tranh luận về chủ nghĩa bảo hộ và thị trường chung hay không".
"Chúng tôi muốn thay đổi thị trường chung nhưng chúng tôi không muốn bãi bỏ nó", ông Morawiecki khẳng định.
Ái Vi (theo Reuters)