Chưa thanh tra đã đề nghị đình chỉ thi công dự án là không nên
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 14:33, 12/05/2017
Văn phòng Chính phủ mới đây đãphát đi công văn số 4393/VPCP-ĐMDN ngày 28.4.2017, truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đối với đề nghị của Bộ Tài chính về việc quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính (Công văn số 2000/BTC-TTr ngày 15.2.2017) và ý kiến của các Bộ: Tư pháp, Xây dựng, Tài Nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ về việc quản lý sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có ý kiến: Bộ Tài chính chuyển danh sách gồm 60 các cơ sở nhà, đất chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư cho Thanh tra Chính phủ tham khảo, phục vụ công tác thanh tra về việc quản lý đất đai theo kế hoạch thanh tra năm 2017.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định Luật Đất đai năm 2013 về bán đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với quy định về thu hồi đất.
Công văn này của Bộ Tài chính lập tức gây xôn xao ngành bất động sản.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới xung quanh vấn đề này,Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật SB Law nhận định trong quá trình cổ phần hóa DNNN, bên bán là Nhà nước, bên mua là doanh nghiệp, giá bán đất sẽ được tính theo các quy định của Nhà nước tại thời điểm đó và doanh nghiệp không thể can thiệp vào được. Do đó, nếu thanh tra về phần giá đất thì chưa hợp lý lắm, sẽ ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa DNNN và hoạt động của doanh nghiệp.
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), nguyên nhân của tình trạng này một phần do cơ chế, quy định pháp luật thời điểm đó. Vì muốn đẩy mạnh cổ phần hóa nên nhiều khi, giá trị tài sản cũng như giá trị quyền sử dụng đất của DNNN gần như không được tính đến. Có rất nhiều tài sản không được mang ra định giá ở các cơ quan định giá mang tính chất khách quan, không được mang ra đấu giá trên các thị trường tài sản.
“Đất đai là tài sản nhà nước và được định giá trên sổ sách thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế trên thị trường. Tuy nhiên, vì căn cứ vào giá trị sổ sách nên trong quá trình cổ phần hóa, chi phí quyền sử dụng đất rất thấp, gần như bằng 0. Đây rõ ràng là sai sót từ cơ chế trong cổ phần hóa và cần phải khắc phục”, ông Thịnh nói.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng lo ngại việc Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành đình chỉ thi công và chuyển Thanh tra Chính phủ thanh tra 60 dự án bất động sản có dấu hiệu sử dụng đất trái quy định. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và tiến độ nhận nhà của khách hàng.
Nói về điều này, luật sư Hà cũng cho rằng, cơ quan chức năng chưa thanh tra mà đã đề nghị đình chỉ thi công dự án là không nên, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, lao động và nhà thầu thi công. Hơnnữa, hầu hết các dự án đều vay vốn ngân hàng để xây dựng, khách hàng cũng vay tiền của ngân hàng để mua nhà nên cũng sẽ ảnh hưởng đến các khách hàng và ngân hàng. Việc thanh tra nên được thực hiện song song với việc thi công và cần thanh tra một cách minh bạch.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp cho biết những ngày gần đây có nhiều khách hàng gọi đến công ty bày tỏ sự lo lắng quyền lợi bị ảnh hưởng như phải trả thêm giá nhà, chậm tiến độ bàn giao, không được cấp quyền sở hữu…
Luật sư Hà cho rằng, các dự án thuộc dạng thanh tra, nếu phát hiện ra sai phạm thì cơ quan chức năng sẽ đề nghị doanh nghiệp phải khắc phục sai phạm, thậm chí có thể đình chỉ dự án. Điều này cũng có ảnh hưởng nhất định đến tiến độ bàn giao nhà và quyền lợi khách hàng. Người dân lo lắng quyền lợi của mình bị ảnh hưởng là đương nhiên. Tuy nhiên, nếu sai phạm thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm chứ không phải khách hàng.
Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ có kế hoạch thanh tra đối với dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật Đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ vào báo cáo rà soát của Tổng cục Thuế tính từ ngày 1.7.2014 đến ngày 30.11.2016 có 60 trường hợp DNNN, DNNN cổ phần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Khi cổ phần hoá DNNN, nhất là những DNNN đang được Nhà nước cho thuê đất ở những vị trí có giá trị thương mại ở trung tâm thành phố, tuy nhiên việc xác định giá trị doanh nghiệp không tính giá trị quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp để cổ phần hóanhưng không thực hiện đấu giá khi cổ phần hóa.
Bộ Tài chính cũng chỉ ra rằng, việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả của doanh nghiệp tư vấn nhưng không đầy đủ và chưa sát với giá thị trường. Bên cạnh đó, việc xác định giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định.
Cổ phần hóa phải theo nguyên tắc thị trường
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 vừa diễn ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong quá trình cổ phần hóa DNNN phải thực hiện công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, chủ yếu thông qua thị trường chứng khoán. Việc thoái vốn được thực hiện tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn nhà nước hoặc không cần tham gia đầu tư để tập trung vốn cho đầu tư phát triển các công trình, dự án quan trọng khác thuộc những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Đặc biệt, Tổng Bí thư yêu cầu kiên quyết đấu tranh và có biện pháp phòng ngừa, khắc phục tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp Nhà nước móc ngoặc với cán bộ, công chức Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành"nhóm lợi ích", "sân sau"thao túng hoạt động của DNNN, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp.