Sở Y tế TP.HCM nhận khuyết điểm vụ tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc Tasigna
Sự kiện - Ngày đăng : 18:20, 10/05/2017
Sở Y tế chậm chạp xử lý hồ sơ
Sau khi Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) có công văn yêu cầu Sở Y tế TP.HCM giải trình về việc tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc Tasigna 200mg do hết hạn sử dụng, chiều tối 9.5 Sở Y tế TP.HCM đã có công văn khẩn gửi Bộ Y tế và Cục quản lý dược giải trình về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng thuốc viện trợ Tasigna 200mg.
Theo Sở Y tế TP.HCM, từ khi thuốc Tasigna 200mg được Công ty Novartis hiến tặng đến hoàn tất thủ tục chương trình hiến tặng kéo dài13 tháng 8 ngày trải qua 6 giai đoạn gồm: giai đoạn đàm phán và chuẩn bị hồ sơ của bệnh viện; giai đoạn xử lý hồ sơ của Cục quản lý dược (lần 1); giai đoạn xử lý hồ sơ của Sở y tế TP; giai đoạn xử lý hồ sơ của Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị và UBND TP; giai đoạn xử lý hồ sơ của Cục quản lý dược (lần 2) và giai đoạn bệnh viện làm thủ tục nhận hàng.
Như vậy từ khi tiếp nhận thư tặng thuốc Tasigna 200mg theo chương trình Tasigna 2 Copay (chương trình đồng chi trả) cho bệnh nhân bệnh bạch cầu kinh dòng tủy (CML) đã kháng với Glivec đang điều trị tại Bệnh viện Truyền máu huyết học (TP.HCM) vào ngày 15.7.2013 đến ngày 28.8.2014 Cục quản lý dược mới có văn chấp thuận cho nhập 34.608 viên thuốc Tasigna 200mg trên.
Trong 6 giai đoạn trên, theo Sở Y tế TP giai đoạn xử lý hồ sơ của Sở Y tế và giai đoạn xử lý hồ sơ của Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị và UBND TP bị “ngâm” dài nhất, mỗi đơn vị này kéo dài đến hơn 3 tháng.
Cụ thể hồ sơ này “ngâm” ở Sở Y tế TP kéo dài 3 tháng 10 ngày. Ngày 30.12.2013, Bệnh viện Truyền máu huyết học có công văn 1829TMHH-KHTH gửi Sở Y tế TP xin phê duyệt chương trình thuốc đến ngày 10.3.2014 Sở Y tế TP mới có công văn số 1187/SYT-KHTH gửi UBND TP và liên hiệp các tổ chức hữu nghị đề nghị xem xét cho bệnh việntiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ nói trên.
Khi đến Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thì tiếp tục “ngâm” thêm 3 tháng 2 ngày, đến ngày 12.6.2014 đơn vị này mới có công văn số 344 LH-PCPNN gửi UBND TP đề nghị xem xét tiếp nhận khoản viện trợ phi dự án do Công ty Novartis Pharma Services AG, Thụy Sĩ tài trợ trên.
Sở Y tế TP.HCM cho rằng, việc số thuốc trên hết hạn sử dụng phải tiêu hủy ngoài thời gian hoàn tất các thủ tịc kéo dài còn do hạn sử dụng thuốc Tasigna 200mg quá ngắn chỉ có 23 tháng (NSX: 6.2013; HSD:5.2015).
Tuy nhiên GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng thừa nhận sự lúng túng chậm chạp của Sở Y tế TP trong quá trình xử lý hồ sơ khi có công văn của Bệnh viện Truyền máu huyết học gửi đến khiến cho thời gian “ngâm” ở đây kéo dài nên thuốc đến tay người bệnh còn thời hạn sử dụng quá ngắn.
“Lần đầu tiên Sở giải quyết hồ sơ tiếp nhận thuốc viện trợ có điều kiện, nên các chuyên viên của các phòng chức năng thuộc Sở còn lúng túng trong việc trao đổi ý kiến qua lại giữa các phòng và tham mưu cho lãnh đạo Sở dẫn đến chậm xử lý hồ sơ nhận thuốc viện trợ. Sở Y tế TP rút kinh nghiệm về vấn đề này”, ông Bỉnh nói.
Bệnh viện không dự trù thuốc chính xác
Đối với Bệnh viện Truyền máu huyết học, Sở Y tế cũng chỉ ra sai sót lớn của bệnh viện này là dự trù số lượng thuốc không chính xác, dẫn đến thuốc tiêu thụ đến hết thời hạn vẫn còn, phải tiêu hủy.
Theo Sở Y tế TP Bệnh viện Truyền máu huyết học đã dự trù số thuốc hiến tặng không sát với thực tế. Mặc dù bệnh viện này dự trù số lượng thuốc dùng trong 6 tháng, nhưng đến 10 tháng bệnh viện vẫn không sử dụng được ½ số thuốc đã nhận (tiếp nhận 34.608 viên nhưng sử dụng chỉ có 14.611 viên, còn tồn 19.997 viên). Điều này bệnh viện phải rút kinh nghiệm trong việc dựtrù số lượng thuốc.
Tuy nhiên ông Bỉnh cho rằng, bệnh viện cũng gặp một số khó khăn trong việc xử lý số thuốc tồn trên, nhất là bệnh viện không có quyền tự quyết. Ngay từ khi nhập số thuốc trên, bệnh viện đã biết chắc chắn không sử dụng kịp số thuốc trước thời gian hết hạn nên đã chủ động đề nghị Công ty Novartis cho phép mở rộng chương trình đến các bệnh viện khác, hoặc thông báo cho các nơi khác chuyển bệnh đến nhưng nhưng công ty này không chấp nhận.
“Công ty Novartis không đồng ýchuyển số thuốc này đến các đơn vị khác là theo luật của công ty mẹ. Công ty chấp nhận phương án hủy thuốc nếu hết hạn dùng, thiệt hại công ty chịu. Sau đó công ty lập tức chuẩn bị lô thuốc mới theo yêu cầu của bệnh viện để đảm bảo các bệnh nhân đã dùng thuốc không bị thiếu thuốc”, ông Bỉnh cho biết.
Cũng theo ông Bỉnh, trị giá lô thuốc Tasigna 200mg hết hạn phải tiêu hủy tại thời điểm tiêu hủy vào năm 2015 chỉ là 3.864.973.830 đồng (gần 4 tỉđồng), chứ không phải tính theo giá trị thời điểm thanh tra năm vào 2017 là 13.998.639.889 (gần 14 tỉđồng). Bệnh viện đã thiếu sót không xem lại kết luận thanh tra để báo chí thông tin con số gần 14 tỉđồng.
Hồ Quang