Hợp đồng đóng tàu bằng thép Nhật, Hàn nhưng dùng thép Trung Quốc
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:00, 11/05/2017
Chiều 10.5, UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp giữa các ngư dân có tàu vỏ thép đóng theo chương trình của Chính phủ nhưng nhanh hư hỏng với các nhà máy cùng các sở ngành, địa phương liên quan.
Công ty hứa sửa tàu, dân không chịu...
Tại cuộc họp, đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Định báo cáo qua đợt kiểm tra mới nhất ngày 9.5 cho thấy năm chiếc tàu vỏ thép mà ngư dân đặt đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (tỉnh Nam Định) bị hư hỏng nặng ở phần thân tàu, cabin, boong tàu khi các bộ phận bằng thép bị gỉ sét, xuống cấp nghiêm trọng.
12 tàu vỏ thép đóng tại Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Nam Triệu (Hải Phòng) hầu hết bị hỏng máy chính, máy phát điện, hầm lạnh không đảm bảo…
Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Nam Triệu đề nghị trả chi phí sửa chữa, khắc phục sự cố của toàn bộ các tàu vỏ thép bị hư hỏng, hỗ trợ một phần thiệt hại của chủ tàu do sự cố hỏng máy gây ra, hỗ trợ 100% chi phí thiết kể chuyển đổi nghề khai thác từ lưới vây sang lưới chụp.
Trong khi đó, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thống nhất chịu chi phí kéo tàu lên đà tại Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) để sơn lại, khắc phục các sự cố, hỗ trợ mỗi chủ tàu 14 triệu đồng để mua dầu chạy tàu vào Cam Ranh…
Tuy nhiên, tại cuộc họp, nhiều ngư dân không đồng tình với phương án mà hai công ty này nêu ra.
Thép TQ chất lượng ngang ngửa thép Hàn, Nhật Bản?
Các ngư dân đóng tàu vỏ thép tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cho biết họ hợp đồng đóng tàu bằng thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản nhưng nhà máy lại làm thép Trung Quốc.
Ông Trương Văn Đài . phó giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương thừa nhận công ty dùng thép Trung Quốc nhưng là loại thép có chất lượng tương đương với thép Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời cũng cho biết nhà máy không hỏi ý kiến chủ tàu khi thay loại thép vì nghĩ cơ quan đăng kiểm cho phép thì làm.
Còn Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Nam Triệu không thực hiện đúng hợp đồng khi lắp máy một hãng, nhưng hộp số của hãng khác dẫn đến thiếu đồng bộ trong vận hành làm máy gặp sự cố liên tục; hộp số chỉ có ba cấp trong khi hợp đồng là năm cấp, không đủ sức để chạy tàu thép có tải trọng lớn.
Ngoài ra, quy định của Nghị định 67 là hỗ trợ 100% thiết kế mẫu tàu cho ngư dân, nhưng Công ty Đại Nguyên Dương thu 130 triệu đồng thiết kế/tàu, còn Công ty Nam Triệu thu 240 triệu đồng thiết kế/tàu.
Phải sửa tàu theo đúng hợp đồng
Kết luận cuộc họp, ông Trần Châu . phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói ngư dân không có kiến thức nên không giám sát được việc đóng tàu, khoán trắng cho nhà máy, trong khi hai công ty đóng tàu chưa thực sự vì tính đa mục tiêu của Nghị định 67 mà chỉ nghĩ làm ăn kinh tế, kiếm lời, dẫn đến sự cố của hàng loạt tàu vỏ thép mới đóng.
Ông Châu yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định thuê ngay một đơn vị độc lập kiểm định chất lượng tất cả các tàu vỏ thép có vấn đề do hai công ty trên thi công, báo cáo đầy đủ tình hình thất thu của ngư dân do việc hư hỏng tàu gây nên để tỉnh có hướng xử lý.
Ông cũng yêu cầu hai công ty đóng tàu, sau khi có kết quả thẩm định độc lập, cần nhanh chóng sửa chữa toàn bộ những hư hỏng về thân tàu, máy tàu, ngư cụ, thiết bị của ngư dân theo đúng hợp đồng đã ký kết.
“Dân hợp đồng đóng thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản mà nhà máy đóng thép Trung Quốc thì khắc phục là phải làm cho đúng hợp đồng. Nghị định 67 yêu cầu máy tàu là mới nguyên đai nguyên kiện thì phải đúng như vậy, đồng thời hai công ty không được thu tiền thiết kế tàu của ngư dân vì trái với nghị định” . ông Châu nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương ven biển phải hỗ trợ ngư dân về mặt thủ tục nếu phát sinh việc dân khởi kiện các nhà máy đóng tàu ra tòa án.
Phú Yên: 2 tàu vỏ thép mới đóng bị hỏng
Đó là tàu của ngư dân Phan Thanh Trị (P.Phú Đông, TP Tuy Hòa) và Đỗ Ngọc Tín (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa)đều do liên danh Công ty Cổ phầnĐầu tư phát triển thủy sản Đông Á và Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng (Hải Phòng) đóng theo chương trình Nghị định 67.
Ông Trị cho biết máy phát điện tàu ông hay hỏng, phải sửa chữa liên tục, cần chụp lưới bị gãy, đứt dây cần cẩu khiến ông bị thương nặng và hỏng một mắt.
Còn ông Tín phản ánh tàu ông được thiết kế có tải trọng hơn 120 tấn, nhưng hai chuyến biển đầu tiên cho thấy mới đạt trọng tải khoảng 50 tấn thì tàu đã chìm dưới mớn nước cho phép.
Anh Ngọc