Dùng điện thoại thông minh điều trị bệnh tiểu đường

Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:27, 29/04/2017

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa thành công trong việc sử dụng điện thoại thông minh để kiểm soát lượng đường trong máu của những con chuột mắc bệnh tiểu đường.

Các nhà khoa học đã thành công trong việc sử dụng điện thoại thông minh để kiểm soát hoạt động của các tế bào sống trong cơ thể động vật.

Ngành sinh học và công nghệ đã hợp tác để kiểm soát lượng đường trong máu của những con chuột mắc bệnh tiểu đường. Ý tưởng được trình bày trong tạp chí Science Translational Medicine này có thể được áp dụng cho nhiều loại bệnh và phương pháp điều trị bằng thuốc.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng nói rằng cách tiếp cận này có thể mở đường cho một "kỷ nguyên mới" trong y học.

Bước đầu tiên là biến những tế bào lành mạnh thành những nhà máy. Chúng được lập trình trên cơ sở di truyền học để sản xuất thuốc kiểm soát được lượng đường trong máu như insulin - nhưng chỉ có phản ứng với ánh sáng.

Kỹ thuật này được gọi là quang sinh học và các tế bào này sẽ hoạt động khi tiếp xúc với bước sóng cụ thể của ánh sáng màu đỏ.

Tiếp theo là phần việc của công nghệ - một bộ đèn LED không dây và một ứng dụng điện thoại thông minh để điều khiển chúng.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thử nghiệm thành công kỹ thuật dùng ứng dụng trên điện thoại thông minh để ra lệnh cho tế bào trong cơ thể chuột sản xuất lượng insulin cần thiết để điều trị bệnh tiểu đường - ẢNH: BBC

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải, Trung Quốc đã cấy ghép hệ thống này vào chuột và có thể kiểm soát được bệnh tiểu đường bằng cách chạm vào màn hình cảm ứng.

Nhóm nghiên cứu cho biết những phát hiện này "có thể mở đường cho một kỷ nguyên mới của cá nhân hóa, số hóa và toàn cầu hóa y học ".

Qua phân tích máu của mẫu bệnh để biết lượng đường trong máu cao như thế nào, các nhà nghiên cứu có thể tính được lượng thuốc đưa vào cơ thể con vật.

Mục tiêu cuối cùng của họ là một hệ thống hoàn toàn tự động, vừa phát hiện ra mức đường vừa truyền đúng lượng thuốc điều trị cần thiết.

Ý tưởng này đang ở trong giai đoạn đầu thử nghiệm, nhưng nó không chỉ giới hạn ở bệnh tiểu đường. Ngoài insulin, các tế bào có thể được lập trình để sản xuất nhiều loại kháng thể khác nhau giúp cơ thể chống lại bệnh tật.

Giáo sư Mark Gomelsky, một nhà sinh học phân tử thuộc Đại học Wyoming, Mỹ đánh giá nghiên cứu là một "thành tựu thú vị".

Ông nói thêm: "Chừng nào thì chúng ta có thể bắt gặp trên đường phố những người đeo dây đeo tay LED thời trang có tác dụng chiếu sáng các tế bào cấy ghép được lập trình để sản xuất các loại thuốc mã hoá di truyền dưới sự kiểm soát của điện thoại thông minh?

"Vẫn chưa phải thời điểm này, nhưng công trình nghiên cứu này cung cấp cho chúng ta một cái viễn cảnh thú vị của liệu pháp chữa bệnh bằng điện thoại thông minh."

HOÀNG ANH

Tố Loan