Rút giấy phép, Thiên Ngọc Minh Uy vẫn có thể bị xử lý hình sự

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 19:15, 27/04/2017

“Khi cơ quan chức năng điều tra nếu thấy có dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố vụ án để điều tra theo quy định. Nếu cứ thấy có sai phạm thì tự rút giấy phép sẽ là tiền lệ xấu cho hoạt động kinh doanh, gây hoang mang cho xã hội. Do đó cần xử lý nghiêm”, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM nói.

Trên fanpage "Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy" trưa 25.4 đăng tải thông tin cho biết Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy sẽ táchkinh doanh đa cấp ra một mảng riêng theo nghị định 42.Mảng này do công ty con của Thiên Ngọc Minh Uy là Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm điều hành. Do đó, doanh nghiệp lập luận rằng xin trả giấy phép kinh doanh chứ không phải bị rút giấy phép.

Theo đó, doanh nghiệp này sẽ phát triển theo mô hình tập đoàn. Tập đoàn Thiên Ngọc sẽ mở ra các công ty con bao gồm: Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm chuyên mảng kinh doanh đa cấp, Công ty Thái Nhã chuyên về kinh doanh đá quý, phong thủy, Công ty Thiên Bảo chuyên bán hàng trực tuyến, Công ty Trung Thịnh chuyên đầu tư phát triển dự án bất động sản, Phòng khám đa khoa Vân Hải chuyên khám đa khoa tây y - đông y hiện đại, hệ thống công ty HB (Health - Beautiful) 200 chi nhánh spa dưỡng sinh sức khoẻ và làm đẹp, Công ty IE chuỗi các chi nhánh thực phẩm chức năng.

Trong một cuộc trao đổi với Zing mới đây, ông Trịnh Anh Tuấn,Phó cục trưởngCục Quản lý cạnh tranh -Bộ Công Thươngcho biết, hiện tạiCục chưa có thông tin về việc “biến hình” này của Thiên Ngọc Minh Uy và chưa nhận được hồ sơ của công ty nào mang tên “Nhã Khắc Lâm” xin hoạt động trong lĩnh vực bán hàng đa cấp. Cục sẽ cho xác minh và kiểm tra thông tin ngay. Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh khuyên người dân nên rút khỏi hệ thống đa cấp và đừng nghe chiêu trò của đơn vị này để tránh thiệt hại.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, nếu sai phạm của doanh nghiệp này có dấu hiệu hình sự thì kể cả tự rút giấy phép vẫn bị xử lý hình sự bình thường. Tự rút không có nghĩa là được miễn trách nhiệm hình sự.

“Khi cơ quan chức năng điều tra nếu thấy có dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố vụ án để điều tra theo quy định. Nếu cứ thấy có sai phạm thì tự rút giấy phép sẽ là tiền lệ xấu cho hoạt động kinh doanh, gây hoang mang cho xã hội. Do đó cần xử lý nghiêm”, ông Hùng nói.

Cùng góc nhìn, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty luật Hợp Danh - Thiên Thanh cho rằng căn cứ vào kết luận thanh tra, với những sai phạm của Thiên Ngọc Minh Uy đã đủ điều kiện để cơ quan chức năng ra quyết định rút giấy phép.

“Việc xin chấm dứt hoạt động là quyền hợp pháp của doanh nghiệp, tuy nhiên, trong trường hợp của Thiên Ngọc Minh Uy thì cơ quan chức năng cần phải xét lại bởi doanh nghiệp này có hàng loạt vi phạm, đứng đầu về mức xử phạt. Đến khi bị thanh tra lại chủ động xin rút giấy phép, chuyển sang hoạt động kinh doanh khác thì khác gì “bình mới rượu cũ?”, ông Truyền nói.

Trả lời báo Giao thông về vấn đề này, PGS-TSPhạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại nhấn mạnh: “Bán hàng đa cấp đánh vào lòng tham của người tiêu dùng, tổ chức hội thảo, lớp học, tuyên truyền không cần làm gì, từ tay trắng thành tỷ phú, giàu có… Đó làsự lừa bịp trắng trợn nhưng không được ngăn chặn kịp thời. Nhiều trường hợp chính quyền địa phương phát hiện ra dấu hiệu bất thường nhưng khi thanh tra lại thấy có đầy đủ các giấy phép của cơ quan chức năng nên các địa phương không làm gì được. Qua đó mới thấy các cơ quan chức năng cũng chưa làm đến nơi đến chốn”, ông Thắng nói.

Hiện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã chuyển hồ sơ vụ việc sang C46 (Bộ Công an) tiếp tục điều tra làm rõ.

Trang Nguyễn

Trí Lâm