TP.HCM mạnh tay ‘xử’ các dự án trùm mền, sử dụng sai mục đích

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 07:30, 23/04/2017

TP.HCM sẽ cho thu hồi đối với các dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng quá thời hạn quy định không triển khai thực hiện theo cam kết hoặc theo giấy phép. Đồng thời, các dự án sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch, lãng phí, kém hiệu quả, bỏ hoang hóa và lấn chiếm đất trái quy định cũng sẽ bị xử lý.

Đây là một trong những nội dung của kế hoạch chống lãng phí mà UBND TP.HCM ban hành ngày 17.4.

TP.HCM thu hồi đất đai sử dụng lãng phí

Cụ thể, trong lĩnh vực đất đai, UBND TP.HCM đã yêu cầu xử lý, thu hồi các diện tích đất đai, mặt nước sử dụng không đúng quy định của pháp luật, sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng lãng phí, kém hiệu quả, bỏ hoang hóa và lấn chiếm đất trái quy định.

TP.HCM cũng thực hiện tiết kiệm từ khâu quy hoạch, chủ trương đầu tư; tiến hành rà soát cắt giảm 100% các dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. TP sẽ cho thu hồi đối với các dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng quá thời hạn quy định không triển khai thực hiện theo cam kết hoặc theo giấy phép.

TP.HCM còn rà soát các dự án kéo dài nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp để có hướng xử lý cũng như có biện pháp hoàn tạm ứng đối với các khoản tạm ứng quá hạn, có phương án xử lý dứt điểm các khoản tạm ứng của các dự án kéo dài nhiều năm, đơn vị quản lý đã giải thể. Quan điểm của TP.HCM là thực hiện đúng quy định về hoàn trả tạm ứng đối với các dự án mới thực hiện.

Đối với các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp, TP.HCM sẽ cho tạm dừng hoặc cắt giảm. TP tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình giải ngân, thực hiện điều chuyển vốn giữa các dự án, công trình phù hợp với tiến độ và khả năng hoàn thành.

Đáng chú ý, TP.HCM sẽ cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia; công trình dự án nhóm A; công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội của địa phương...

Ngoài ra, TP còn hạn chế các nội dung phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế trong quá trình thi công xây dựng công trình; phấn đấu thực hiện tiết kiệm từ 10% đến 15% tổng mức đầu tư.

Việc thu hồi đất còn chậm

Trước tình trạng nhiều diện tích đất công bị đem cho thuê trái phép, UBND TP.HCM đã nhiều lần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chấm dứt việc cho thuê đất công. Đây là chủ trương quyết liệt, đúng đắn, được nhiều người dân ủng hộ, tuy nhiên việc thực thi còn khá chậm.

Đơn cử, trong năm 2016, Sở Tài nguyên - Môi trường đã trình TP.HCM thu hồi 491 dự án với diện tích gần 3.300ha. Trong số này có 298 dự án chuyển tiếp của năm 2015 sang với tổng diện tích gần 1.360ha và 198 dự án đăng ký mới với diện tích 1.932ha. Thế nhưng, trên thực tế, việc thu hồi, tạo quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP vẫn còn khiêm tốn khi tổng diện tích thu hồi được chỉ vài trăm héc ta.

Theo Sở Tài chính TP.HCM, việc thu hồi đất tại TP còn gặp rất nhiều khó khăn do việc thu hồi đất của các bộ ngành trung ương còn gặp nhiều vướng mắt. Cụ thể, để có lệnh thu hồi với những phần đất này phải có sự qua của Bộ chủ quản và Bộ Tài chính. Đó là chưa kể nhiều trường hợp đã có quyết định thu hồi, nhưng các cơ quan vẫn có văn bản đề nghị xem xét lại.

Trong năm 2017, TP.HCM còn dự kiến sẽ thu hồi đất 880 dự án với tổng diện tích hơn 8.000ha, trong đó diện tích thu hồi khoảng 7.000ha. Trong số này, có 498 dự án chuyển tiếp từ kế hoạch sử dụng đất năm 2015 và 2016 với tổng diện tích thu hồi đất là 3.609ha và 382 dự án đăng ký mới từ năm 2017 với tổng diện tích đất cần thu hồi 3.480ha.

Đáng chú ý, mới đầu tháng 2.2017, nhằm tạo quỹ đất cho phát triển giáo dục, UBND quận 1 đã đề xuất được giao quyền rà soát và thu hồi phần diện tích sử dụng sai mục đích của các cơ quan đang đóng tại địa bàn.

Chính quyền quận 1 cho rằng tổng diện tích đất dành cho giáo dục trên địa bàn quận này hiện nay là 86.805 m2. Nếu xét theo quy chuẩn 4-5 m2/học sinh như hiện nay, quận còn thiếu khoảng 82.000 m2 đất cho giáo dục.

Với đặc thù của quận, địa phương này không dễ tạo được quỹ đất sạch để xây dựng thêm trường lớp cho các em. Do đó, quận này đã đề xuất UBND TP.HCM được chủ động rà soát – thu hồi các phần đất sử dụng không hiệu quả, để phát triển quỹ đất giáo dục.

Phan Diệu

Phan Diệu