Khoảng trống đáng lo ngại trong hệ thống bệnh viện phụ sản ở TP.HCM
Thông tin Y học - Ngày đăng : 05:49, 22/04/2017
Tồn tại một khoảng cách lớn
Trong thời gian qua, các thai phụ mắc phải những biến chứng trong thai kỳ ngày càng nhiều, chủ yếu là tiền sản giật, song thai một bánh nhau, băng huyết sau sinh… Đây là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các thai phụ.
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang- Trưởng khoa sản, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) cho hay hiện nay tình trạng thai phụ bị tiền sản giật rất cao. Phần lớn nguyên nhân chủ yếu là do thai phụ bị tăng huyết áp, mang thai bị bệnh thận mạn, mang thai trên 40 tuổi, khoảng cách giữa 2 lần mang thai trên10 năm…Trong đó nguy cơ cao nhất của bị tiền sản giật là thai phụ bị huyết áp cao.
“Trong những biến chứng của thai kỳ thì tiền sản giật có tỷ lệ tử vong đứng thứ 2, chỉ sau băng huyết sau sinh”, ông Trang nói.
Tuy nhiên thực tế hiện nay do thiếu phương tiện, cơ sở vật chất, trình độ tay nên có rất ít cơ sở y tế chẩn đoán, phát hiện nguy cơ biến chứng thai kỳ. Tại Hội nghị khoa học:“Thai kỳ nguy cơ cao và chẩn đoán trước sinh” do Bệnh viện Hùng Vương tổ chức hôm nay (21.4) PSG.TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã thừa nhận một thực tế rằng, phần lớn các trường hợp bị biến chứng trong thai kỳ chỉ được phát hiện, xử lý ở những bệnh viện chuyên khoa phụ sản; còn hầu như các bác sĩ ở bệnh viện đa khoa ở tuyến dưới vẫn còn quá khó.
Ông Thượng đưa dẫn chứng về trường hợp thai phụ Thảo (20 tuổi, ngụ ở huyện Hóc Môn, TP.HCM) đang mang thai ở tháng thứ 9 bị sản giật nặng và thai nhi dọa tử vong. Thai phụ này được chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) trong tình trạng co giật toàn thân, hôn mê, sùi bọt mép, bệnh viện phải “báo động đỏ” đến Bệnh viện Hùng Vương. Ngay lập tức, các bác sĩ của Bệnh viện Hùng Vương đã có mặt ở Bệnh viện Thống Nhất, chỉ sau hơn 1 giờ, các bác sĩ của 2 bệnh viện này đã phối hợp hồi sức cấp cứu, phẫu thuật lấy thai nhi, mẹ con sản phụ này đã qua cơn nguy kịch.
Hay mới đây nhất, vào ngày 20.2.2017, một sản phụ 28 tuổi (quê Lâm Đồng) mang thai tuần thứ 27 được Bệnh viện Từ Dũ phát hiện thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp: tắc nghẽn dẫn truyền nhĩ thất độ 3, tim to, hở van 3 lá; thai nhỏ. Bệnh viện xác định thai nhi có nguy cơ mất trong bụng mẹ hoặc khi vừa sinh ra. Ê kíp bác sĩ sản Bệnh viện Từ Dũ đã thực hiện mổ bắt con, bé trai cân nặng 2,3 kg cho sản phụ.
“Điều này cho thấy đang tồn tại một khoảng trống khá lớn giữa các bệnh viện đầu ngành về sản phụ khoa của TP với các bệnh viện đa khoa tuyến dưới trong thực hành liên quan đến thai kỳ nguy cơ cao. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp bị tai biến sản khoa diễn ra trong thời gian qua ở TP.HCM”, ông Thượng nhấn mạnh.
Làm gì để không xảy ra tình trạng đau lòng?
Trước thực tế trên, TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương đề nghị các cặp vợ chồng có ý định sinh nên tham vấn ý kiến của chuyên gia về sức khỏe sinh sản, khám thai đúng định kỳ cũng như các chỉ định của bác sĩ trong dự phòng, tầm soát các yếu tố nguy cơ ở cả mẹ và bé. Điều này không chỉ giúp thai phụ và thai nhi có được sức khỏe tốt nhất mà còn giúp bác sĩ kịp thời can thiệp cho những trường hợp không may xảy ra rủi ro, tai biến.
Ông Thượng cho rằng hiện nay các thai phụ có biến chứng trong thai kỳ ở khu vực phía Nam gần như chỉ có 2 bệnh viện là: Từ Dũ và Hùng Vương xử lý; còn các bệnh viện đa khoa tuyến dưới thì hạn chế về chuyên môn, trang thiết bị nên nhiều thai phụ phải đối mặt với nguy hiểm tính mạng.
Theo ông Thượng để tăng khả năng cứu sống các sản phụ không may bị biến chứng của thai kỳ nguy cơ cao, ngoài việc nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ thuộc khoa sản của các bệnh tuyến dưới cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các bệnh viện với nhau, ngay cả những bệnh viện không có khoa sản.
Đặc biệt 2 bệnh viện đầu ngành về sản khoa ở TP.HCM và phía Nam là Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Hùng Vương quan tâm triển khai nhiều hoạt động khoa học để nghiên cứu, cập nhật thông tin trên thế giới về lĩnh vực thai kỳ nguy cơ cao nhằm không ngừng đầu tư phát triển các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các bác sĩ đang công tác trong lĩnh vực chuyên khoa mà mình phụ trách, với mục tiêu cuối cùng là cải thiện hơn nữa tử vong mẹ, con.
Bên cạnh đó, cả 2 bệnh viện: Từ Dũvà Hùng Vương đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo tuyến, công tác đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới để lấp đầy khoảng trống này giữa 2 bệnh viện này với các bệnh viện đa khoa tuyến dưới.
Ông Thượng tin tưởng với cách làm trên tỷ lệ tử vong ở mẹ và con sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới, không riêng người dân trên địa bàn TP.HCM mà cả khu vực phía Nam. Tỷ lệ tử vong mẹ ở Việt Nam không dừng lại ở 65/100.000 ca sinh sống mà sẽ tiếp tục giảm thấp hơn nữa.
Hồ Quang