Cảm nhận về quyền tư pháp
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:15, 11/04/2017
Khi tôi bước vào khuôn viên Đài truyền hình Việt Nam (VTV) thì Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khánh Vinh cũng vừa tới. Nắm chặt bàn tay của người thầy, người anh lâu lắm mới gặp lại, tôi thấy ở vào tuổi 63 với mái tóc bạc đậm chất nghệ sĩ, sau khi nghỉ chức danh quản lý, có vẻ như ông khoẻ ra, giọng nói miền Trung vẫn ấm áp và đầy năng lượng. Trong khi ngồi đợi Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoà Bình - Chánh án Toà án nhân dân tối cao đến tham gia buổi ghi hình chương trình “Đối thoại và chính sách”cùng MC Ngọc Quang, Giáo sư tâm sự với tôi về gia đình và công việc bận rộn hiện nay. Ánh mắt ông thể hiện niềm vui khi cả hai người con trai đều đã trưởng thành với học vị tiến sĩ luật, đang theo đuổi nghiệp đèn sách…
Cả đêm qua tôi gần như thức trắng để rà soát bản bông cho ba tập cuốn “Sổ Tay Luật Sư” do Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với dự án JICA chuẩn bị xuất bản. Định chợp mắt một chút lấy sức cho phiên toà buổi sáng trước khi ra sân bay đi Hà Nội, nhưng nghĩ đến chủ đề chương trình đối thoại “Toà án với sứ mệnh bảo vệ quyền con người”, tôi lại không ngủ được. Suy nghĩ, lo lắng không biết mình sẽ nói gì đây, trong khi chủ đề hàm chứa nhiều vấn đề lớn lao, đụng chạm đến sứ mệnh bảo vệ quyền con người của Toà án.
Mặc dù đã tham gia nhiều chương trình đối thoại trên VTV, nhưng câu chuyện “bếp núc” của những người tham gia phối hợp, tổ chức sản xuất là những điều gây ngạc nhiên cho tôi. Thường thì phải có kịch bản chi tiết cho từng câu hỏi, thứ tự người trả lời, nhưng lần này, đến khi từ sân bay Nội Bài về thẳng trường quay, tôi mới nhận được gợi ý những nội dung chính của chủ đề. Đi lòng vòng qua các tầng lầu còn ngổn ngang sửa chữa, chúng tôi bước vào trường quay S9 để chuẩn bị. Ngọc Quang quả thật là một MC chuyên nghiệp, cứ nhìn cách anh nhả lời khi dẫn chương trình, ngữ nghĩa từng câu liên quan các vấn đề tư pháp chuẩn xác đáng kinh ngạc, tôi bắt đầu cảm nhận chỉ có cách hợp lý nhất là diễn giải một cách giản dị, xuất phát từ thực tiễn đời sống tố tụng…
Khi Hiến pháp 2013 lần đầu tiên quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, điều này đồng nghĩa với việc khẳng định cơ quan thực hiện quyền tư pháp chính là Tòa án và chỉ Tòa án mới là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Quan niệm chung của các nhà nghiên cứu thì quyền tư pháp là quyền xét xử các tranh chấp pháp lý dựa trên các quy định của pháp luật. Thông qua việc thực hiện quyền tư pháp, pháp luật được áp dụng, tôn trọng và chấp hành bởi các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Quyền tư pháp cùng với quyền lập pháp, quyền hành pháp hợp thành quyền lực Nhà nước. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 2 Luật tổ chức TAND 2014, có thể hiểu quyền tư pháp không chỉ là quyền xét xử các hành vi vi phạm pháp luật, tranh chấp của công dân, tổ chức không mang quyền lực nhà nước, mà còn bao gồm quyền xét xử các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan công quyền. Đó còn là cách thức để kiểm soát các hành vi thực thi quyền lực Nhà nước và người dân thực hiện quyền giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền.
Tôi càng bất ngờ hơn với sự điều chỉnh uyển chuyển của MC Ngọc Quang, ông Nguyễn Hoà Bình- Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã trải lòng về những thách thức của ngành Toà án, làm thế nào thông qua việc thực hiện quyền tư pháp, hệ thống Toà án các cấp đảm bảo thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội, làm tròn được sứ mệnh bảo vệ quyền con người thông qua việc tạo lập các điều kiện về thể chế, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là đội ngũ Thẩm phán. Về phần mình, có lẽ do không gian cởi mở của cuộc đối thoại, Giáo sư Võ Khánh Vinh có cơ hội nói lên được những suy nghĩ và cơ sở nhận thức rất sâu sắc về những điều kiện bảo đảm mang tầm chiến lược trong thực thi quyền tư pháp của hệ thống Toà án. Trong bối cảnh đó, việc lần đầu tiên Hiến pháp quy định Toà án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, cũng như minh định nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, những người được thụ hưởng nhiều nhất cho sự phát triển nghề nghiệp của mình chính là đội ngũ luật sư.
Bởi lẽ, tôi nhận thức trong điều kiện mô hình tố tụng ở nước ta xác định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, có quan hệ mật thiết, phối hợp chặt chẽ với nhau và đặt những người tham gia tố tụng, đặc biệt là bị can, bị cáo ở phía bên đối lập thì chủ trương tăng cường tranh tụng chính là tư tưởng mang tính đột phá, xuyên suốt nội dung đổi mới và hoàn thiện mô hình TTHS Việt Nam hiện nay. Nó được xác định là một trong những vấn đề quan trọng nhất của cải cách tư pháp, được thể hiện rõ nét trong các Nghị quyết 08 và 49/NQ-TW của Bộ Chính trị, xem đây là giải pháp quan trọng, tạo ra những bước cải cách có tính đột phá trong hoạt động tư pháp hình sự. Việc thực thi nguyên tắc này đã và sẽ tạo cơ hội mở rộng và tăng cường hơn nữa môi trường dân chủ, tính công khai, công bằng của quá trình giải quyết vụ án hình sự, thiết lập các cơ chế để bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền con người, mở ra các khả năng và điều kiện tốt nhất để luật sư tham gia vào quá trình giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể xã hội...
Rời khỏi trường quay, trên đường ra sân bay quay trở lại TP Hồ Chí Minh ngay trong đêm, tôi chạm vào những hạt mưa nhỏ rơi thấm đẫm mặt đường phản chiếu ánh đèn cao áp trên cầu Nhật Tân, mà thấy vấn đề tưởng chừng lớn lao đã được nhìn nhận theo một cách giản dị nhất có thể...
LS Phan Trung Hoài (theo báo Lao Động)