Ông Trump đang quên những lời hứa về chủ nghĩa bảo hộ khi tranh cử
Quốc tế - Ngày đăng : 09:17, 10/04/2017
Bộ trưởng Kinh tế Mexico, Ildefonso Guajardo, trong một bài phát biểu mới nhất đã gửi đi một tín hiệu tích cực cho toàn bộ nền kinh tế thế giới, khi cho biết ông rất vui trước những dấu hiệu rõ rệt cho thấy chính phủ Mỹ đang giảm nhẹ một cách đáng kể những tuyên bố về chủ nghĩa bảo hộ nói chung, và với quá trình đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico nói riêng.
Ngoài việc chấp nhận đàm phán lại NAFTA thay vì bãi bỏ như những tuyên bốtrước đó, thì các quan chức chính phủ Mỹ cũng thống nhất sẽ rút ngắn thời gian đàm phán hiệp định thương mại này một cách đáng kể. Chưa kể đến cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối tuần qua cũng cho kết quả rằng 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục duy trì quan hệ thương mại hiện nay. Một chính phủ Mỹ ngày càng giảm nhẹ những tuyên bố về chủ nghĩa bảo hộ, đồng thời tỏ dấu hiệu sẵn sàng hơn trong việc chấp nhận những cơ chế thương mại toàn cầu hiện nay, rõ ràng là một dấu hiệu vui cho nền kinh tế thế giới.
Theo đó, vị Bộ trưởng Kinh tế đồng thời là nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mexico cho biết, phía Mỹ đã đồng ý rằng quá trình đàm phán lại NAFTA có thể sẽ kết thúc vào tháng 1.2018 -sớm hơn rất nhiều so với dự kiến trước đó. Theo dự kiến, chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ đề xuất lên Quốc hội cho phép các cuộc đàm phán lại về NAFTA sẽ được bắt đầu vào cuối tháng 7.2017. Ông Guajardo cho biết: “Nếu không có gì thay đổi từ phía chính phủ và Quốc hội Mỹ, thì cuộc đàm phán có thể được bắt đầu vào cuối tháng 7. Nó sẽ diễn ra trong khoảng 6 tháng và kết thúc vào tháng 1 năm sau, trước khi thỏa thuận được gửi lại cho Quốc hội Mỹ để được thông qua”.
Những gì đang diễn ra có thể coi như một giấc mơ với chính phủ Mexico, khi trước đó họ vẫn chỉ dám hy vọng về việc Mỹ chấp nhận đàm phán lại NAFTA dù với những điều kiện ngặt nghèo hơn rất nhiều so với trước mà thôi. Nhưng giờ đây, viễn cảnh tồi tệ này đã được thay thế bằng một kịch bản trong mơ: các quan chức Nhà Trắng liên tục nhắc đến việc cả Mỹ và Mexico đều có lợi từ hiệp định NAFTA thời gian gần đây.
Tỷ giá đồng nội tệ của Mexico, peso, đã ngay lập tức hồi phục sau khi đã xuống đến mức thấp kỷ lục trong tháng 1.2017 do viễn cảnh NAFTA sẽ bị hủy bỏ hoặc đình trệ. Ở thời điểm hiện tại, đồng peso của Mexico đang có mức tăng tỷ giá cao nhất trong số các đồng tiền chủ chốt trên thế giới, báo hiệu sự tích cực về tương lai kinh tế của nước này sau khi những triển vọng về NAFTA được hồi sinh.
Ông Ildefonso Guajardo cũng cho biết, Mexico sẵn sàng có những nhượng bộ đáng kể cho Mỹ trong các vấn đề thương mại, chẳng hạn như tăng tỷ lệ linh kiện lắp ráp ô tô được sản xuất tại khu vực Bắc Mỹ từ mức 62,5% hiện nay lên mức 70% - một việc sẽ thúc đẩy phát triển của các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô của Mỹ. Ông Guajardo nói: “Mexicosẵn sàng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ nhiều hơn so với trước. Chúng tôi sẽnhập khẩu các linh kiện và thiết bị của Mỹ miễn là vẫn trong giới hạn cho phép hàng hóa sản xuất của chúng tôi vẫn duy trì được tính cạnh tranh”.
Đây được xem là một dấu hiệu đáng kể cho thấy chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang làm giảm nhẹ những tuyên bố về bảo hộ thương mại trước đó, đồng thời sẵn sàng chấp nhận cơ chế thương mại khu vực và thế giới hiện nay. Trước đó, ông Trump từng tuyên bố trong quá trình tranh cử rằng sẽ đánh thuế nặng những công ty Mỹ chuyển nhà xưởng sang Mexico. Còn giờ đây, hầu hết các quan chức chủ chốt nhất trong lĩnh vực kinh tế - thương mại của chính quyền Tổng thống Trump đều tuyên bố ủng hộ quan hệ thương mại song phương Mỹ - Mexico và trong khu vực (NAFTA). Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết việc tái đàm phán NAFTA đem lại lợi ích cho cả Mỹ và Mexico. Còn Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross thì nói ông ủng hộ một thỏa thuận miễn là hợp lý hơn; trong khi Chủ tịch hội đồng Thương mại quốc gia Peter Navarro thì cho biết ông muốn 3 nước trong khu vực là Mỹ, Canada và Mexico trở thành trung tâm sản xuất lớn nhất toàn cầu.
Lý do chủ yếu cho sự thay đổi tích cực này là vì những kết quả không thành công mới đây của chính quyền Tổng thống Donald Trump, điển hình như thất bại trong việc thuyết phục Quốc hội thông qua dự luật chăm sóc sức khỏe mới thay thế cho chương trình Obamacare, cùng với đó là việc tòa án Mỹ 2 lần phủ quyết những đề xuất về hạn chế visa và thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài của Tổng thống Trump.
Những điều này cùng với việc các dấu hiệu không mấy tích cực trong nền kinh tế bắt đầu xuất hiện đang có xu hướng ngăn cản chính quyền Tổng thống Trump đưa ra các thay đổi về chính sách cũng như buộc Nhà Trắng tập trung hơn vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà một trong số đó là duy trì hệ thống thương mại hiện nay thay vì việc điều chỉnh có thể kéo theo nhiều nguy cơ bất ổn.
Có lẽ đó cũng là lý do vì sao cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida cuối tuần qua đã kết thúc mà không có bất ngờ nào xảy ra, đặc biệt là về vấn đề mâu thuẫn thương mại giữa hai nền kinh tế. Cả ông Trump lẫn ông Tập đều cam kết duy trì quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước hiện nay, thậm chí các doanh nghiệp Mỹ còn đang thành lập một liên doanh để đầu tư vào các tập đoàn sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc như một thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo.
Tất cả những điều này đang cho thấy, xu hướng của chính phủ Mỹ đang có sự chuyển dịch đáng kể từ những tuyên bố về chủ nghĩa bảo hộ sang chấp nhận những nguyên tắc và cơ chế thương mại chủ chốt trong khu vực và trên thế giới hiện nay, ít nhất là trong tương lai gần. Trước khi nền kinh tế Mỹ chứng tỏ rằng nó đã thực sự ổn định, đủ để Tổng thống Trump có được sự ủng hộ từ người dân và Quốc hội, thì thế giới vẫn có thể hy vọng vào việc nền kinh tế lớn nhất toàn cầu sẽ tiếp tục tôn trọng và duy trì hệ thống thương mại quốc tế hiện nay.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)