Chủ đầu tư không giao phí bảo trì chung cư là thiếu đạo đức kinh doanh
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 11:43, 09/04/2017
Cố tình “ỉm” phí bảo trì
Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư sẽ thu mức phí 2% giá trị căn hộ của người mua nhà dành cho quỹ bảo trì chung cư. Số tiền này sẽ được chuyển giao đầy đủ cho Ban quản trị chung cư sau thời hạn 7 ngày kể từ khi ban quản trị hoạt động. Tuy nhiên, quy định là một chuyện, trong thực tế, để yêu cầu chủ đầu tư bàn giao đầy đủ số tiền này, cư dân nhiều phen “trầy vi tróc vẩy”.
Gần 10 ngày nay, cư dân chung cư Hồ Gươm Plaza (Mộ Lao, Hà Đông) biểu tình rầm rộ về nhiều sai phạm của chủ đầu tư, trong đó có việc chủ đầu tư “ỉm” 20 tỉ đồng tiền quỹ bảo trì chung cư, không bàn giao theo quyđịnh.
Cụ thể, sau khi được thành lập vào tháng 5.2016 và mở tài khoản đồng sở hữu tại ngân hàng Techcombank Văn Quán, Ban quản trị chung cư yêu cầu hoàn trả số tiền này nhưng không được thực hiện.
Sau nhiều hứa hẹn, chủ đầu cho biết sẽ chuyển kinh phí bảo trì làm 3 đợt (đợt 1 chuyển 10 tỉ đồng vào ngày 1.8.2016, đợt 2 với số tiền không nhỏ hơn 4 tỉ đồng vào ngày 15.8.2016, đợt 3 chuyển toàn bộ số còn lại sau khi có kiểm toán làm việc và kết luận dự kiến vào cuối tháng 11.2016). Thỏa thuận rõ ràng vậy nhưng chủ đầu tư vẫn không thực hiện đúng như cam kết, chỉ chuyển 2 tỉ đồng vào ngày 1.8.2016.
Hay mới đây, BQT đơn nguyên 1 và 3 tòa nhà CT3, Khu đô thị mới Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã chính thức đệ đơn lên Tòa án nhân dân quận Tây Hồ kiện chủ đầu tư là Công ty cổ phần Xây dựng số 1 Sông Hồng khi cố tình chây ì bàn giao hơn 6 tỉ đồng phí bảo trì. Cư dân yêu cầu cơ quan chức năng áp dụng chế tài đối với chủ đầu tư về việc cố tình chây ìbàn giao.
Đây cũng là tình trạng chung của hàng loạt chung cư trên địa bàn Hà Nội, điển hình như Keangnam (Cầu Giấy), Sky City (Láng Hạ), Tổ hợp chung cư NO5 Trung Hòa - Nhân Chính, Thăng Long Garden (250 Minh Khai), tòanhà BMM (phường Phúc La, quận Hà Đông)…Tuy nhiên, trong nhiều vụ việc, cơ quan chức năng đã nhiều lần chỉ đạo nhưng chủ đầu tư vẫn “phớt lờ”, người dân vẫn phải trầy trật đòi trong sự mỏi mệt.
Sự việc ngày càng trầm trọng khi nhiều hạng mục của chung cư đã xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của cư dân nhưng không có tiền sửa chữa.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, có rất nhiều nguyên dân dẫn đến chủ đầu tư chây ì trong việc bàn giao phí bảo trì chung cư như: UBND cấp tỉnh không xử lý nghiêm vi phạm hoặc có sự chạy chọt từ người vi phạm; chủ sở hữu các chung cư chưa thấy được quyền lợi của mình, Ban Quản trị chung cư chưa làm hết trách nhiệm; chủ đầu tư thiếu đạo đức kinh doanh…
Chính quyền phải vào cuộc mạnh mẽ
Theo luật sư Hùng, việc chủ đầu tư trì hoãn, không chỉ trả kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị chung cư là vi phạm Luật nhà ở và vi phạm hợp đồng với các chủ sở hữu chung cư (người dân) theo như hợp đồng mà các bên đã ký kết khi mua bán. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày Ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì bao gồm cả lãi suất tiền gửi cho Ban quản trị để thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định của Luật này và có thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh biết.
“Đây là hành vi không những vi phạm pháp luật, vi phạm hợp đồng mà còn vi phạm đạo đức kinh doanh, kinh doanh thiếu trách nhiệm. Việc không chuyển kinh phí bảo chỉ cho Ban quản trị khi chung cư đã xuống cấp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân nơi đây”, ông Hùng nói.
Căn cứ theo quy định trên, ông Hùng cho rằng Ban quản trị nhà chung cư có quyền yêu cầu UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế,buộc chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao theo quy định của Chính phủđể bảo đảm quyền lợi cho dân.
Trước tình trạng tranh chấp quỹ bảo trì, tranh chấp diện tích sử dụng chung xảy ra liên tiếp, Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản đề nghị tổng rà soát các chung cư để có biện pháp chấn chỉnh.
Theo đó, Sở Xây dựng yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiến hành kiểm tra, rà soát và tổng hợp tình hình quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư. Thống kê hàng loạt các chỉ số cụ thể, như: Tổng diện tích căn hộ để ở, diện tích văn phòng; số lượng căn hộ; số lượng người đến ở, số lượng căn hộ được cấp sổ đỏ…
Sở Xây dựng đề nghị các quận, huyện, thị xã phải cung cấp thông tin về thời điểm xây dựng, thời điểm đưa vào vận hành dự án, số lần tổ chức hội nghị nhà chung cư, số lần bảo trì nhà chung cư, đến kinh phí bảo trì của từng đợt bảo trì.
Phải bàn giao trong 7 ngày
Điều 109 Luật nhà ở quy định: Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày thu kinh phí của người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm mở tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để quản lý kinh phí này và thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà chung cư biết.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày Ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì bao gồm cả lãi suất tiền gửi cho Ban quản trị để thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định của Luật này và có thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh biết; trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí này thì Ban quản trị nhà chung cư có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao theo quy định của Chính phủ.