Úc chống Trung Quốc thâu tóm công ty

Quốc tế - Ngày đăng : 13:36, 09/04/2017

Bằng cách cử cựu chỉ huy tình báo David Irvine làm lãnh đạo Hội đồng phê duyệt đầu tư (FIRB) hôm 8.4, Úc muốn chống Trung Quốc thâu tóm các công ty.
          

Trong tuyên bố bổ nhiệm ông Irvine, Bộ trưởng Tài chính Úc Scott Morrison không hề đề cập việc Trung Quốc muốn đầu tư vào Úc, nhưng ông Irvine từng là giám đốc Cơ quan tình báo nội địa và lãnh đạo Cơ quan bí mật tình báo quốc gia (chuyên theo dõi nước ngoài).

Ông cũng có quan hệ với Bắc Kinh vì ông từng làm Đại sứ ở Trung Quốc, theo báo The Wall Street Journal.  Bộ trưởng Morrison nói: chính phủ Úc luôn ủng hộ nước ngoài đầu tư nhưng không đi ngược quyền lợi quốc gia, đồng thời không bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của an ninh quốc gia.

Sự bổ nhiệm ông Irvine cho thấy Canberra chú trọng vấn đề an ninh liên quan những thỏa thuận đầu tư từ nước ngoài.

Việc nước ngoài thâu tóm các công ty là một vấn đề nhạy cảm ở Úc, nơi mà các chính khách theo chủ nghĩa dân tộc kịch liệt phản đối những thỏa thuận được cho là đe dọa an ninh quốc gia. Nhất là những ý đồ đầu tư của người Trung Quốc thường gây tranh cãi, vì nhiều công ty Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với chính quyền.

Nhiều nghị sĩ Úc rất cảnh giác về những nguy cơ mất an ninh quốc gia từ việc Úc ngày càng có quan hệ thân cận với Trung Quốc, điều phản ánh những chính sách và tuyên bố bảo vệ quyền lợi quốc gia của chính phủ nhiều nước (gồm Mỹ) mà phần nào từ việc Trung Quốc đầu tư ồ ạt ra nước ngoài.  

Hồi năm 2016, các công ty Trung Quốc đã đầu tư ra nước ngoài khoảng 225 tỉ USD, tăng cao so với chỉ đầu tư 102 tỉ USD hồi năm 2015,theo Dealogic.

Cũng trong năm 2016, Bộ trưởng Tài chính Úc Morrison chặn việc kiểm soát cổ phần Ausgrid- công ty điện lực  lớn nhất Úc- sau khi nhận những quả thầu của Tập đoàn điện lực Trung Quốc và một công ty do “ông trùm” Li Ka sing người Hồng Kông kiểm soát.

Vị Bộ trưởng cũng bác việc bán S Kidman & Co-công ty nuôi bò lớn nhất Úc-cho người Trung Quốc muốn mua.

Năm 2015, ông Irvine từng được chỉ định làm cố vấn FIRB, sau khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khi gặp Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ở Manila (Philippines) vào tháng 11.2015, đã tỏ ý không hài lòng vì không được thông báo về việc Úc cho một tập đoàn Trung Quốc thuê cảng chiến lược ở thành phố Darwin tại miền bắc Úc.

Mỹ lo ngại việc Úc cho tập đoàn Landbridge thuê cảng Darwin trong 99 năm với giá cực rẻ chỉ hơn 500 triệu AUD (khoảng 360 triệu USD), có nghĩa tập đoàn Landbridge chỉ phải  bỏ ra hơn 5 triệu USD/năm để thuê một cảng thuộc diện chiến lược của Úc.

Darwin là một cảng nhỏ, nhưng có giá trị chiến lược rất lớn trong chính sách xoay trục của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương.

Giờ đây nó lại nằm trong kiểm soát của một công ty tư nhân có quan hệ rất gần gũi với Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ tháng 10.2015, theo báo New York Times.

Trên trang web, tập đoàn Landbridge trụ sở tại tỉnh Sơn Đông không thèm che giấu quan hệ chặt chẽ của họ với chính quyền Trung Quốc.

Chủ doanh nghiệp này là ông Hiệp Thành, đã được chính quyền tỉnh Sơn Đông vinh danh là một trong "10 cá nhân quan tâm đến sự phát triển của nền quốc phòng" vào năm 2013.

Chính vì mối quan hệ thân thiết với chính quyền Trung Quốc như vậy nên việc chính quyền bang Lãnh thổ Bắc Úc cho Landbridge thuê cảng Darwin được giới chức Mỹ xem là một động thái chiến lược được Bắc Kinh bảo trợ.

Các quan chức Quốc phòng Mỹ cực kỳ quan ngại trước tình cảnh, nhờ quản lý cảng Darwin Trung Quốc "có thể thu thập thông tin tình báo về các lực lượng Mỹ và Úc đóng quân gần đó".

Hiện tại, gần cảng Darwin đang có một căn cứ hải quân và có 2.500 lính thủy quân lục chiến Mỹ đóng quân, huấn luyện

Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), ông Peter Jennings khẳng định:

"Trung Quốc đặc biệt chú ý đến việc tìm hiểu xem các lực lượng quân sự phương Tây hoạt động như thế nào, ngay cả trong những chi tiết nhỏ nhất như cho một con tàu hoạt động ra sao, chất hàng và bốc dỡ hàng như thế nào, các loại tín hiệu mà tàu sẽ phát ra thông qua một loạt thiết bị cảm biến và hệ thống là gì".

Vì vậy, việc thuê cảng Darwin là một cơ hội "không thể tuyệt vời hơn" để Trung Quốc có thể tìm kiếm thông tin tình báo về lực lượng Mỹ, đặc biệt là lực lượng thủy quân lục chiến.

Vấn đề là Úc có chính sách ngoại giao cân bằng, vừa đào sâu quan hệ chiến lược với Mỹ trong khi nền kinh tế lại dựa nhiều vào Bắc Kinh. Thương mại hai chiều của Úc với Trung Quốc năm 2016 được ước tính 105 tỉ USD.

Kim Hương (theo The Wall Street Journal)

   

Trần Trí