Hội đồng quản trị đóng cửa BV Phúc An Khang là trái quy định
Sự kiện - Ngày đăng : 05:28, 08/04/2017
Chiều 7.4 luật sư Nguyễn Văn Hậu- Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia TP.HCM đã khẳng định như thế với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới xung quanh việc chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang ký công văn số 01/CV ngày 30.3.2017ngưng hoạt động Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang từ ngày 28.4.2017.
Theo ông Hậu tại điểm b Khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định một trong những trường hợp dẫn đến việc giải thể doanh nghiệp là theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần. Điểm i Khoản 2 Điều 135 Luật này cũng quy định thẩm quyền quyết định tổ chức lại, giải thể công ty cổ phần thuộc về Đại hội đồng cổ đông chứ không phải thẩm quyền của Hội đồng quản trị. Nếu điều lệ công ty không có quy định khác thì nghị quyết về việc quyết định giải thể công ty phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiện tại Công văn số 01/CV ngày 30.3.2017 của Công ty cổ phần Bệnh viện quốc tế Phúc An Khang do ông Dịp Văn Phát – Chủ tịch Hội đồng quản trị ký thể hiện: “Hội đồng quản trị quyết định đến ngày 28.4.2017,bệnh viện sẽ chính thức ngừng hoạt động và công ty sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để giải thể theo quy định của pháp luật”.
“Như vậy,nếu quyết định giải thể doanh nghiệp không phải do Đại hội đồng cổ đông thông qua mà do Hội đồng quản trị công ty thông qua là không đúng với quy định của pháp luật. Do đó công văn trên là trái với quy định của pháp luật”, ông Hậu nhấn mạnh.
-Hiện nay người lao động ở Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang đang bị nợ lương và các chế độ khác. Nếu trong trường hợp sau này, cổ đông quyết định cho đóng cửa bệnh viện thì người lao động sẽ kêu ai để giải quyết các khoản nợ này?
Ngay cả trường hợp cổ đông có quyết định cho đóng cửa Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang trong lúc này cũng không thể đóng cửa.
Theo Luật Doanh nghiệp 2014 quy định tại Khoản 2 Điều 201, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Như vậy, khi bệnh viện này tiến hành giải thể thì phải thanh toán lương và các khoản nợ khác cho người lao động từ việc thanh lý tài sản doanh nghiệp. Khi muốn giải thể doanh nghiệp phải tiến hành trình tự theo 5 bước như quy định.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
-Nếu trong trường hợp sau này bệnh viện trả hết các khoản nợ lương, chế độ khác cho người lao động và đóng cửa bệnh viện thì coi như sẽ hết trách nhiệm với người lao động đang còn hợp đồng lao động, thưa ông?
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 36 Bộ luật Lao động 2012, một trong những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động là người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động. Hiện nay, bệnh viện này vẫn chưa làm thủ tục giải thể theo quy định của pháp luật, nên trong thời gian này vẫn phải tiếp tục trả lương và các chế độ khác cho người lao động do hợp đồng lao động chưa chấm dứt.
-Hội đồng Quản trị công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang cho rằng, những hợp đồng mà người lao động ký với giám đốc Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang đều không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều người lao động tại bệnh viện này do giám đốc bệnh viện ký, không biết số phận của họ sẽ ra sao khi bệnh viện giải thể?
Về nguyên tắc thì nghĩa vụ đối với cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện thuộc về pháp nhân là Công ty cổ phần Bệnh viện Phúc An Khang chứ không phải thuộc về cá nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, khi giải thể doanh nghiệp, theo quy định tại Khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014 thì doanh nghiệp và người quản lý có liên quan (bao gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty) sẽ phải liên đới cùng chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp. Trong đó có các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết.
-Mới đây, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang đã không thừa nhận hợp đồng do giám đốc Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang ký và đã bị Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty ra quyết định đuổi việc khỏi bệnh viện. Vậy trong trường hợp này người lao động phải làm gì?
Theo quy định của pháp luật lao động, người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp là người trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Trường hợp người này không trực tiếp giao kết thì phải ủy quyền hợp pháp bằng văn bản cho người khác giao kết hợp đồng lao động. Pháp luật doanh nghiệp cũng quy định một trong những quyền và nghĩa vụ của giám đốc công ty là tuyển dụng lao động. Như vậy, nếu giám đốc bệnh viện đã được ủy quyền để giao kết hợp đồng lao động và thực hiện đúng theo phạm vi ủy quyền thì hợp đồng lao động giữa Công ty cổ phần bệnh viện quốc tế Phúc An Khang và bác sĩ có hiệu lực pháp luật. Việc Công ty tự ý hủy hợp đồng (do người đại diện theo pháp luật thực hiện) là trái với quy định của pháp luật, người lao động có thể khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Xin cảm ơn luật sư!
Hồ Quang (thực hiện)