Trịnh Công Sơn - 37 năm gửi sương mù mây mưa cho người tình

Văn hóa - Ngày đăng : 07:16, 05/04/2017

Trong 62 năm “ở trọ” trần gian, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có nhiều mối tình đẹp.

Dù vậy, sau khi ông mất đi (1.4.2001), ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – em gái của ông chỉ công nhận duy nhất một mối tình của ông với Dao Ánh, các mối tình còn lại, theo cô chỉ là cảm xúc của trái tim người nghệ sĩ.

37 năm không quên một bóng hình

16 năm Trịnh Công Sơn rời bước khỏi cõi tạm. Việc khẳng định điều Trịnh Vĩnh Trinh nói là không thể. Tuy nhiên, nếu ai đã từng cầm trên tay tập Thư tình gửi một người hẳn sẽ có được câu trả lời xác thực nhất, Trịnh Công Sơn chỉ có duy nhất một tình yêu sâu đậm với Dao Ánh.

Trịnh Công Sơn gặp Dao Ánh năm 1963, khi ấy ông chỉ là chàng sinh viên 24 tuổi, vừa mới tốt nghiệp đại học và về dạy học tại vùng đất B’lao. Lá thư đầu tiên của ông viết cho Dao Ánh là vào ngày 2.9.1964. Đến lá thư cuối cùng qua e-mail vào ngày 17.1.2001, trước khi ông mất chưa đầy 3 tháng. Khi đó, ông đang nằm trên giường bệnh, không còn khả năng cầm viết, nhưng vẫn nhớ tới Dao Ánh nên nhờ bạn đánh máy và gửi hộ.

Kể từ ngày gặp Dao Ánh cho đến tận cuối cuộc đời, trong 37 năm, ông đã viết 300 lá thư cho Dao Ánh. Mà nhiều nhất là khoảng thời gian từ năm 1964 đến 1967, khi ông đang ở vùng đất B’lao. Cũng trong khoảng thời gian này, ông đã sáng tác rất nhiều ca khúc hay cho Dao Ánh. Mỗi lần sáng tác xong, ông đều gửi kèm trong thư tặng Dao Ánh. Có thể kể đến là Mưa hồng, Còn tuổi nào cho em, Ru em từng ngón xuân nồng, Lời buồn thánh…

Theo họa sĩ Đinh Cường, người bạn thân thiết nhất của Trịnh Công Sơn thời đó thì niềm vui duy nhất của Trịnh Công Sơn trong những năm tháng ấy là lúc ông nhận được thư Dao Ánh. Ông cũng không giấu cảm xúc đó trong một lần chia sẻ với Dao Ánh qua thư: “Như một phép lạ thật màu nhiệm, bức thư Ánh đến ngay lúc này ném anh về một đỉnh cao ở đó, anh bàng hoàng nghe loài chim lạ hót. Anh xúc động như vừa tìm lại được một vẻ kỳ bí nào đã đánh mất… Nếu đời sống này còn cho anh có Ánh dài lâu thì anh nghĩ rằng đó đã là hạnh phúc của đời sống mình rồi. Một thứ hạnh phúc quý giá nhất của con người và anh không còn muốn đòi hỏi gì hơn nữa”.

Ngôn từ của Trịnh Công Sơn luôn phảng phất nỗi buồn qua từng cánh thư gửi cho Dao Ánh.

“Ngày nào mình còn có nhau xin cho dài lâu…”

Có một điều dễ dàng nhận thấy, dù tình yêu của Trịnh Công Sơn với Dao Ánh đang ở thời kỳ đẹp đẽ nhất, ông vẫn luôn hoài nghi về một cái kết tốt đẹp giữa hai người. Ông mặc niệm cho sự tan vỡ, đau khổ là sẽ xảy ra. Vì thế mà những lá thư luôn phảng phất nét u buồn. Buồn cả khi ông kể với Ánh về niềm vui.

Một lần đặt chân đến Bảo Lộc (Đơn Dương, Đà Lạt), trước kia có tên gọi là B’lao. Tôi hình dung ra hình ảnh một anh chàng thư sinh ôm trọn nỗi nhớ về một bóng hình giữa cái nơi mịt mù sương phủ quanh năm. Và từng giai điệu của Trịnh dẫn tôi bước vào vùng cô đơn đến tận cùng của tâm hồn người nhạc sĩ vốn quá nhiều cảm xúc.

Ở nơi này, sương mù, hương hoa, mây, mưa, những buổi chiều ảm đạm… được Trịnh Công Sơn nhắc đến nhiều nhất trong những bức thư gửi Dao Ánh. Đó cũng là những món quà mà nhạc sĩ gửi cho Dao Ánh qua những cánh thư rất dễ thương.

“Anh ngắt một đóa hồng tặng cho Ánh. Về đến nơi chắc nó đã úa rồi nhỉ? (Trích Trịnh Công Sơn, Thư tình gửi một người, trang 23).

“Anh gửi về cho Ánh sương mù, mây mưa, chút buồn và sự nhớ nhung ở đây (trang 28).

“Ngày sắp tàn rồi, anh tạm dừng bút và gửi những hương hoa ở đây về cho Ánh (trang 34).

“Tháng 10 và mùa đông sẽ khởi. Anh nghĩ đến những ngày rét mướt, ở đó anh sẽ đi qua nhiều con đường xơ xác và gió lạnh. Anh cũng gửi một ít sương mù về chất thêm cho đầy trũng mắt sâu” (trang 44).

“Sương bay từ cửa sổ những chấm nhỏ li ti như bụi phấn. Anh rất muốn đóng thùng sương gửi về cho Ánh (trang 57).

“Anh không có quà gì quý báu để cho Ánh ngoài những bụi bặm, mùi cỏ hoang dại suốt những miền anh đã đi qua. Ánh ơi, Ánh có nhận lấy không?” (trang 68).

“Bông cỏ ở đây đã nở tím ngắt trên những bãi rộng. Anh có hái tặng Ánh đấy, cả hoa mặt trời gửi về cho Ánh nhưng lớn quá nên để anh giữ hộ Ánh vậy” (trang 92).

“Hoa cỏ mùa này đã sắp tàn. Bây giờ màu tím không còn màu nhiệm như đầu mùa. Anh đành gửi về cho Ánh màu tím đã nhạt nhòa đi rồi (trang 106),

“Ánh hãy nhận lấy món quà mọn mọt này của anh là vòng hoa kết bằng từng bóng đêm trên vùng xanh cao khiết của trời. Vòng hoa cuối năm anh kết trên vầng tóc em cho thơm ngát lời thánh thiện) (trang 117).
Tình yêu cũng chính là thứ màu nhiệm trong cuộc sống. Với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một người “giàu có” ngôn từ nhưng có lẽ 300 lá thư ấy không chỉ để bày tỏ tình yêu thương vô hạn dành cho một người con gái mà còn là biểu tượng vĩnh hằng của tình yêu. Cũng chính qua những lá thư, người nghe nhạc Trịnh như được “giải mã” rất nhiều ca từ và tâm tư trong từng ca khúc tình ca của ông.

Đêm nhạc Thư tình gửi một người

Đêm nhạc Thư tình gửi một người sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 8.4.2017 tại Quảng trường Lâm Viên, phường 10, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Chủ đềThư tình gửi một ngườiđược BTC chương trình lấy từ quyển sách tổng hợp 300 bức thư mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi cho bà Dao Ánh. Bởi ít ai biết được Dao Ánh chính là người đã gợi lên cảm xúc cho rất nhiều ca khúc nổi tiếng của Trịnh công Sơn:Tuổi đá buồn; Mưa hồng; Còn tuổi nào cho em; Như cánh vạc bay; Lời buồn thánh; Chiều một mình qua phố; Ru em từng ngón xuân nồng...

Thư tình gửi một người được dàn dựng gồm 3 phần:Tình muôn thuở, Thư tình gửi một người, Ca khúc da vàngvới sự tham gia của các ca sĩ:Cẩm Vân, Ánh Tuyết, Hồng Nhung, saxophone Trần Mạnh Tuấn, Mỹ Hạnh, Hồng Hạnh, Thái Hòa, Trọng Bắc,Hiền Thục, Nguyên Hà, Pha Lê...

Chương trình do Công ty cổ phần Dịch vụ và Giải trí Thanh Niên (thuộc Tập đoàn truyền thông Thanh Niên) phối hợp với Sở VHTT và DL tỉnh Lâm Đồng cùng gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thực hiện.

Như Mây

Bài Cào