Trung Quốc muốn lãnh đạo thương mại thế giới thì cần tự xem lại tư cách
Quốc tế - Ngày đăng : 05:56, 30/03/2017
Có vẻ như Trung Quốc đang có một sự trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết kể từ khi tân tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức nhậm chức vào tháng 1.2017. Đối mặt với tình trạng gia tăng bảo hộ thương mại và kinh tế ngày càng rõ ràng hơn của chính phủ mới ở Washington, Bắc Kinh đang có xu hướng tự coi mình là quốc gia có thể dẫn dắt và lãnh đạo của quá trình toàn cầu hóa cũng như tự do thương mại một cách cởi mở trên khắp thế giới thay thế cho Mỹ. Tuy nhiên, một thói quen ưa thích của nhà tân lãnh đạo tự do thương mại toàn cầu mới này lại đang là mặc cả một cách thiếu công bằng với các đối tác của mình. Liệu Trung Quốc có đủ tư cách lãnh đạo tự do thương mại toàn cầu hay không, khi Bắc Kinh đang tự cho mình cái quyền nhận được nhiều ưu đãi hơn so với các đối tác như một cái giá mà thế giới phải trả cho viễn cảnh trong tương lai nơi Trung Quốc sẽ đứng ra dẫn dắt hệ thống thương mại toàn cầu?
Trong bài phát biểu mới nhất, Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đưa ra cảnh báo, rằng nước này sẽ chỉ thực hiện mở rộng tự do hóa nền kinh tế của mình cho các nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn tùy thuộc vào việc các doanh nghiệp Trung Quốc được ưu đãi nhiều hơn tại các nền kinh tế khác trên thế giới hay không.Điều đáng chú ý, động thái được xem như một sự mặc cả này theo ý Trung Quốc sẽ không diễn ra một cách đồng thời như một sự trao đổi có đi có lại, mà là các đối tác của Trung Quốc sẽ phải thực hiện trước và sau đó nước này sẽ xem xét việc có đưa ra sự đáp trả hay không. Nói cách khác, là một sự mặc cả theo kiểu bề trên.
Tuy nhiên, một thực tế là các công ty Trung Quốc hiện nay khi đầu tư ra nước ngoài đang nhận được sự đối xử tốt hơn rất nhiều so với cái cách mà chính phủ Trung Quốc đang làm với các nhà đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế của mình. Và thực trạng thiếu bình đẳng này đã diễn ra trong nhiều năm nay với sự thủ lợi một cách rõ ràng về phía Trung Quốc.
Theo thống kê, chỉ có một số rất ít các vụ đầu tư và giao dịch liên quan đến các công ty Trung Quốc bị chặn trên khắp thế giới. Năm 2012, chính quyền của tổng thống Mỹ Barack Obama đã bác bỏ việc thông qua một dự án đầu tư điện gió do một công ty Trung Quốc đề xuất do nằm quá gần căn cứ huấn luyện hải quân Mỹ ở bang Oregon. Tháng 12.2016, vì lý do an ninh quốc gia, tổng thống Obama cũng đã bác bỏ việc cho phép Trung Quốc mua lại một công ty sản xuất chip ở Đức vốn đã được Mỹ đầu tư từ trước đó khá lâu. Thực tế là các dự án đầu tư nằm trong diện khó có khả năng được thông qua của các doanh nghiệp Trung Quốc đều được Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ đưa ra cảnh báo từ trước, và các nhà đầu tư Trung Quốc hoàn toàn có thể tránh được ngay từ đầu.
So với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại thị trường Trung Quốc, thì các doanh nghiệp TQhoạt động ở nước ngoài đang nhận được nhiều điều kiện thuận lợi hơn hẳn. Số lĩnh vực mà các công ty Trung Quốc được phép đầu tư ở nước ngoài là rất nhiều, kể cả một số lĩnh vực được xem là nhạy cảm. Trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp TQđã mua hàng loạt các công ty công nghệ quan trọng tại châu Âu và Mỹ và đã làm dấy lên sự lo ngại của khá nhiều các chính trị gia bản địa về sự xâm nhập của Trung Quốc vào nền kinh tế nội địa, nhưng thực tế là gần như không có một thương vụ thâu tóm nào của TQbị ngăn cản. Theo thống kê của Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ đưa ra, thì hiện tại Trung Quốc đang nằm trong top 5 các nước đứng đầu về số lượng các thương vụ mua những công ty công nghệ chủ chốt tại nước này, thậm chí còn vượt qua các đồng minh quan trọng của Mỹ như Đức, Nhật Bản hay Israel. Ngoài ra, thống kê của Ủy ban này cũng cho biết, các giao dịch liên quan đến những công ty Trung Quốc chiếm khoảng 20% số lượng các vụ mua bán nằm trong diện cần xem xét trong giai đoạn 2012-2014, và phần lớn đều được Ủy ban thông qua.
Điều tương tự cũng diễn ra ở châu Âu, khi các vụ đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc nhận được sự chào đón đầy thiện chí. Mùa thu năm ngoái, chính phủ Anh đã chấp thuận dự án đầu tư trị giá 23 tỉ USD cho việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân sẽ cung cấp điện cho phần lớn miền Nam nước này. Điều tương tự cũng diễn ra ở Đức, khi mặc dù các chính trị gia nước này đã lớn tiếng phàn nàn về các thương vụ thâu tóm các công ty công nghệ quan trọng ở Đức của các doanh nghiệp TQ, nhưng thực tế là chính phủ Đức đã gần như không can thiệp để ngăn cản các phi vụ này, mà điển hình là việc hãng sản xuất thiết bị gia dụng Trung Quốc Midea mua lại công ty sản xuất Robot Kuka.
Trong khi đó, ở Trung Quốc lại diễn ra điều ngược lại. Ngày càng có nhiều lời chỉ trích hơn về việc chính phủ TQđưa ra quá nhiều rào cản ngăn chặn các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại thị trường nước này, thậm chí các cơ quan quản lý Trung Quốc còn ngăn chặn và bãi bỏ rất nhiều các thỏa thuận đầu tư ra nước ngoài của chính các doanh nghiệp TQ. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, khi chính phủ Trung Quốc xiết chặt các quy định đầu tư ra nước ngoài để tránh tình trạng chảy máu dòng vốn, thì theo thống kê đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp TQđã giảm khoảng 55% so với cùng kỳ 2016. Theo thống kê, có khoảng 30 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng số vốn lên đến 75 tỉ USD của các doanh nghiệp TQđã bị Bắc Kinh bãi bỏ vào năm ngoái.
Các rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi xâm nhập thị trường Trung Quốc cũng lớn hơn nhiều lần so với chiều ngược lại. Số lượng các lĩnh vực cấm nhà đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế TQhiện cũng rất lớn, trong một số lĩnh vực khác cho phép đầu tư thì vẫn buộc phải thực hiện qua một liên doanh trong nước với các điều kiện khắt khe về chuyển giao công nghệ. Lý do được chính phủ Trung Quốc đưa ra để bào chữa cho sự thiếu công bằng về tiếp cận thị trường này, là vì TQhiện vẫn là một nền kinh tế quy mô nhỏ và lạc hậu, vì thế cần các biện pháp bảo vệ để hỗ trợ các công ty trong nước. Sự dối trá này đang ngày càng gây ra những phản ứng dữ dội từ phía các chính phủ phương Tây, khi lần lượt chính phủ Anh, Đức và Mỹ đều lên tiếng yêu cầu Trung Quốc thực hiện các quy định về đầu tư một cách công bằng hơn.
Tất cả những điều này đang khiến cho những tuyên bố về sự cần thiết của việc Trung Quốc nên trở thành nước dẫn dắt thương mại toàn cầu thay thế cho Mỹ của Bắc Kinh đang trở nên khá lố bịch. Hơn ai hết, chính Trung Quốc đã thiết lập các biện pháp bảo hộ một cách dày đặc và phức tạp trước khi tổng thống Mỹ Donald Trump dự định thực hiện điều tương tự từ rất lâu. Sẽ thật khó tin được rằng quốc gia đang dẫn đầu thế giới về mức độ bảo hộ nền kinh tế của mình lại có thể trở thành người dẫn dắt thương mại tự do toàn cầu trong tương lai.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)