Thu phí tác quyền âm nhạc 2.000 đồng tại các quán karaoke từ tháng 7

Văn hóa - Ngày đăng : 19:16, 28/03/2017

Bà Trương Thị Thùy Dung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội công nghiệp âm nhạc Việt Nam cho biết bắt đầu từ tháng 7.2017, Hiệp hội sẽ tiến hành thu phí bản quyền liên quan đến bản ghi gồm quyền sản xuất bản ghi và quyền ca sỹ tại các quán karaoke.

Mức phí được ấn định là 2.000 đồng/bài hát/đầu máy karaoke với thời gian sử dụng là 1 năm kể từ ngày được cấp phép. Theo bà Dung, các đơn vị kinh doanh dịch vụ karaoke đang sử dụng các sản phẩm bản ghi (ghi âm, ghi hình) âm nhạc thuộc quyền sở hữu, quyền quản lý của Hiệp hội công nghiệp âm nhạc Việt Nam (RIAV) vào mục đích kinh doanh nhằm thu lợi nhuận khi chưa có sự thỏa thuận và được phép của các chủ sở hữu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Hiệp hội và hội viên Hiệp hội.

Để hoạt động này được hiệu quả, Hiệp hội đang thực hiện một lộ trình cụ thể để các chủ cơ sở kinh doanh karaoke hiểu, thực hiện đúng pháp luật gồm gửi công văn thông báo kèm bảng giá thu phí bản quyền quyền liên quan của bản ghi; trực tiếp xuống cơ sở giải thích, tư vấn; ký hợp đồng.

Hiện nay, trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ có sử dụng âm nhạc như quán bar, phòng trà, quán café, phòng karaoke… những lĩnh vực mang lại nguồn thu cao nhất nhưng cũng là lĩnh vực có mức “thất thu” lớn nhất vì chưa có thống kê cụ thể về số lượng đơn vị sử dụng âm nhạc để kinh doanh trong cả nước. Chính vì khó thống kê nên các đơn vị kinh doanh đã ngang nhiên "xài chùa" các ca khúc đã có bản quyền khiến việc thu phí tác quyền âm nhạc còn gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng theo bà Dung việc thu phí này khá gian nan và đụng chạm đến lợi ích của nhiều nơi. Nhưng RIAV vẫn quyết làm để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các chủ sở hữu là các hội viên và các chủ thể đã ủy thác tác phẩm của mình cho hiệp hội. "Mong rằng với việc siết chặt thu phí bản quyền các tụ điểm, trung tâm kinh doanh karaoke cũng là một bước đệm cho các đơn vị kinh doanh karaoke thay đổi cách nghĩ về bản quyền và chi trả tiền bản quyền vốn đang rất phức tạp và khó khăn. Mô hình kinh doanh karaoke hiện nay rất đa dạng, số lượng các ca khúc được sử dụng tại các địa điểm này cũng khó kiểm soát.Mức phí 2.000 đồng/bài/đầu máy karaoke trong thời hạn 1 năm tuy không nhiều nhưng với hàng ngàn ca khúc được sử dụng, trung bình mỗi đầu máy sẽ phải trả khoảng 20 triệu đồng/năm".

Bà Dung cũng cho biết dự tính đơn vị sẽ thu hơn 10.000 tác phẩm âm nhạc thuộc quyền sở hữu và quản lý của mình tại các tụ điểm ca nhạc trên cả nước.Trước khi triển khai hoạt động thu phí, RIAV sẽ tiến hành khảo sát các hoạt động kinh doanh karaoke ở 3 tỉnh gồm: Quảng Ninh, Trà Vinh và Bến Tre.Trước khi triển khai hoạt động thu phí, RIAV sẽ tiến hành khảo sát các hoạt động kinh doanh karaoke ở 3 tỉnh gồm: Quảng Ninh, Trà Vinh và Bến Tre.

Dạ Thảo

Hải Yến