Người đàn ông Singapore thoát chết sau khi được bác sĩ 'kích hoạt' trái tim
Thông tin Y học - Ngày đăng : 21:26, 20/03/2017
Sinh mạng chỉ còn tính bằng giờ
Theo người thân của bệnh nhân B.H.B.(59 tuổi, quốc tịch Singapore) trước khi nhập viện 2 giờ, ông B. cùng với những người bạn của mình dùng bữa cơm chiều, sau đó bỗng lên cơn đau ngực dữ dội sau xương ức. Cơn đau kéo dài hơn 30 phút, ông B. được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện An Bình trong tình trạng hôn mê, mạch và huyết áp không đo được và có dấu hiệu ngưng tim.
Ngay lập tức các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí cấp cứu bằng sốc điện, đặt nội khí quản để thở máy, dùng các thuốc điều trị rối loạn nhịp, các thuốc vận mạch để nâng huyết áp. Sau 15 phút hồi sức tích cực, tim bệnh nhân đập lại, huyết áp có nhưng rất thấp, đo điện tâm đồ thấy có dấu hiệu nhồi máu cơ tim tối cấp thành dưới.
Các bác sĩ ở đây nhận định, tình trạng của bệnh rất nguy kịch, nếu không được can thiệp cấp cứu để tái thông mạch máu bị tắc thìkhả năng tử vong rất cao. Chính vì vậy, các bác sĩ Bệnh viện An Bình ngay lập tức điện thoại thông báo với bác sĩ can thiệp nội mạch, Bệnh viện Đại học Y dược. Sau khi được thông báo về tình hình sức khỏe của bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược đã yêu cầu chuyển khẩn cấp bệnh nhân đến bệnh viện mình để kịp thời can thiệp mạch vành cấp cứu.
Ngày 20.3, Bệnh viện Đại học Y dược cho biết sau 60 phút "vật lộn"với bệnh nhân, ê kíp phẫu thuật của Trung tâm tim mạch đã giành lại sự sống cho bệnh nhân.
"Hiện sức khỏecủa bệnh nhân đã ổn định, tiếp xúc tốt, nhưng các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi xem có những dấu hiệu bất thường nào khác hay không", PGS.TS.BS Trương Quang Bình – Giám đốc Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược cho hay.
Theo ông Bình với tình trạng trên của bệnh nhân B. phải xử lý nong bóng khẩn cấp trong vòng 2 tiếng đồng hồ, nếu quá thời gian trên thì rất khó cứu sống bệnh nhân.
Do đó, ngay khi bệnh nhân được chuyển đến, mọi công tác chuẩn bị để điều trị đã được bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng. Bệnh nhân được chuyển khẩn cấp lên phòng thông tim can thiệp để các bác sĩ thực hiện ngay việc nong bóng.
Tại đây, các bác sĩ vừa làm thủ tục nhập viện vừa thực hiện thủ thuật nong bóng. Các thủ tục được thực hiện một cách nhanh gọn, 17 giờ 10 bệnh nhân chuyển đến khoa cấp cứu, 17h25 người bệnh được chuyển lên phòng DSA (kỹ thuật chụp mạch máu số hóa xóa nền) để can thiệp đặt stent cấp cứu mạch vành qua da, 17h45 bắt đầu thủ thuật, đến 18h10 người bệnh được nong bóng thành công.
Hiện sức khỏe bệnh nhân B. đã ổn định nhưngcác bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi.
“Như vậy với thời gian cửa bóng chỉ có 60 phút. Đây là khoảng thời gian từ lúc người bệnh đến cửa bệnh viện đến khi được can thiệp bằng cách nong bằng bóng. Thời gian cửa bóng được các hiệp hội Hoa Kỳ chấp nhận là dưới 90 phút. Nếu người bệnh đến trễ quá 12 tiếng thì cơ hội can thiệp thành công sẽ không còn nữa”, bác sĩ Bình nói.
Bác sĩ Trần Hòa – Trưởng đơn vị can thiệp nội mạch, Bệnh viện Đại học Y dược chia sẻ: “Trong tình huống này, bệnh nhân rất may mắn vì đã đến Bệnh viện An Bình sớm để được xử trí ban đầu tốt, cũng như được chuyển viện kịp thời đến Bệnh viện Đại học Y dược”.
Bệnh ngày càng trẻ hóa
Theo bác sĩ Trần Hòa hiện nay bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ngày càng trẻ hóa. Nếu như trước đây, phụ nữ bị nhồi máu cơ tim đều là những người đã mãn kinh, không còn estrogen chống lại xơ vữa động mạch nên có khả năng bị nhồi máu cơ tim. Trong khi đó, hiện nay nhiều phụ nữ còn trong độ tuổi kinh nguyệt, thậm chí có phụ nữ chỉ mới hơn 30 tuổi, có estrogen để chống lại xơ vữa động mạch nhưng vẫn bị nhồi máu cơ tim.
Cũng theo bác sĩ Hòa không chỉ có những người trẻ tuổi, chỉ mới hơn 20 tuổi mắc bệnh nhồi máu cơ tim mà cả những người có thể hình nhỏ nhắn, rất gầy cũng bị nhồi máu cơ tim.
“Trước đây chúng tôi học không thể nào nghĩ, một người phụ nữ nhỏ nhắn, khoảng 20 tuổi lại có thểmắc bệnh nhồi máu cơ tim. Điều này cho thấy bệnh nhân nhồi máu cơ tim đang có sự thay đổi mô hình”, bác sĩ Hòa chia sẻ.
Phân tích của bác sĩ Hòa về nguyên nhân trẻ hóa bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cho thấy tình trạng người dân bị rối loạn mỡtrong máu ngày càng nhiều. Đây là yếu tố gây ra xơ vữa động mạch dẫn đến nhồi máu cơ tim.
“Những người nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim như: lớn tuổi, giới nam, gia đình có người mắc bệnh, hút thuốc lá, lối sống thiếu vận động thể lực, yếu tố tâm lý (căng thẳng, stress), béo phì hay thừa cân, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, đái tháo đường…”, bác sĩ Hòa cho biết
Theo bác sĩ Hòa những biểu hiện lâm sàng của nhồi máu cơ tim cấp là cơn đau thắt ngực cấp tính. Thường những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim có các triệu chứng: đau ngực sau xương ức hay ngực trái, có thể lan lên cằm – vai hoặc tay trái thường xuất hiện khi nghỉ ngơi hoặc gắng sức rất nhẹ; cảm giác nghẹn – thắt chặt hay đè ép; đau ngực dữ dội; cơn đau kéo dài hơn 30 phút…
Bên cạnh đó còn kèm theo các triệu chứng khác như: vã mồ hôi, khó thở, có thể ngất. Những trường hợp nặngbịtụt huyết áp, choáng tim và đột tử.
“Khi người bệnh có các triệu chứng trên, đặc biệt là cơn đau ngực xuất hiện cấp tính dữ dội kéo dài hơn 10 – 20 phút không đỡ thì nên đến trung tâm y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra”, bác sĩ Hòa khuyến cáo.
Hồ Quang