Đề thi thử Ngữ văn 2017 quá dài so với thí sinh
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:37, 20/03/2017
Đa phần học sinh đều làm được bài, tuy nhiênnăm nay theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, thời gian thi rút ngắn còn 120 phút thay vì180 phút như những năm trước, khiến nhiều học sinh lúng túng trong việc phân bổ thời gian vì đề quá dài so với số lượng thời gian được quy định.
Đề thi môn Ngữ văn gồm 2 phần. Phần I (3 điểm) gồm 4 câu nhỏ. Phần II (7 điểm) gồm 2 câu nhỏ. Trong đó, câu 1 yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về việc thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay cần làm gì để đáp lại tiếng gọi của non sông đất nước trong thời kỳ mới.
Chia sẻ với phóng viên, học sinh trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay đề thi thử năm nay khá vừa sức, mặc dù khá dài nên buộc các em phải tóm gọn ý lại, không trình bày rườm rà. Đề thi gồm 3 phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Trong đóbài nghị luận văn học với câu hỏi trong tác phẩm "Người lái đò sông Đà" là khó nhất. Phần còn lại có thể nói là tương đối dễ.
"Đề thi năm nay hoàn toàn nằm trong sách giáo khoa, nhưng câu nghị luận văn học khá khó với học sinh định hướng thi bài thi Khoa học tự nhiên vì phải nhớ nhiều dẫn chứng và học rất chắc mới có thể làm tốt. Các câu hỏi ở phần Đọc hiểu tương đối dễ, không phát huy nhiều khả năng tư duy sáng tạo khi chúng em làm đề thi." - em Thu Trà - học sinh lớp 12 trường THPT Cầu Giấy chia sẻ.
Đề thi Ngữ văn sáng 20.3 tại Hà Nội
Tiến sĩTrịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên trường THPT Chu Văn An, đánh giá đề Ngữ văn trong kỳ thi khảo sát của Sở GD-ĐT Hà Nội bám sát mô hình để minh họa của Bộ GD-ĐT, không làm khó học trò từ kiến thức tới kỹ năng, tạo thuận lợi cho giáo viên khi chấm.
Với câu nghị luận văn học, nếu học sinh được cung cấp đầy đủ kiến thức về phong cách của tác giả, đặc sắc nghệ thuật, cảm hứng lãng mạn của tác phẩm, đây sẽ là phần tạo hứng thú cho học trò có học lực khá trở lên. Tuy nhiên, cô Tuyết vẫn còn một số băn khoăn về đề thi khi câu đọc hiểu đặt ra yêu cầu hơi thấp, khó tạo thử thách để học sinh ôn luyện cho kỳ thi THPT quốc gia.
"Ví dụ, câu hỏi về thể loại (0,5 điểm) yêu cầu tìm biện pháp tu từ trong câu "Bốn bức tường im nghe / Bác lật từng trang sách gấp" mà không đề cập giá trị của biện pháp tu từ thì quá rộng so với quỹ điểm 0,5", cô Tuyếtnhận xét.
Tiến sĩTuyết cho rằng đề vẫn còn chưa chuẩn xác trong diễn đạt câu lệnh ở câu 3 phần I, phải yêu cầu học trò "Xác định cặp từ trái nghĩa..." thay vì " Xác định từ trái nghĩa...". Ở câu 4, người ra đề hoàn toàn có thể đặt ra vấn đề về vai trò "tìm đường / mở đường" hơn là nêu suy nghĩ về "công lao của Bác với đất nước".
Ngoài ra, phần đề và phần lệnh của câu nghị luận xã hội hơi dài dòng so với đoạn văn 200 chữ. Với câu nghị luận văn học, cụm từ "để thấy được" trong câu lệnh hơi dễ dãi, chưa định hướng được vấn đề bàn luận, hướng tới khẳng định một trong những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐTHà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Sở đã chỉ đạo các Hội đồng thi, phân công giáo viên coi thi, chấm thi, tổ chức thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định. Bên cạnh đó, việc tổ chức kiểm tra, chấm bài thi khảo sát sẽ đảm bảo nghiêm túc, theo đúng quy chế của Kỳ thi THPT quốc gia.
Đợt khảo sát này là dịp để học sinh tập dượt, làm quen trước khi chính thức bước vào Kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Kết quả khảo sát là kênh thông tin để các trường, cha mẹ học sinh, thầy cô giáo thấy được chất lượng đào tạo thực chất, từ đó có hướng điều chỉnh, bổ sung và giúp đỡ học sinh với mục tiêu có kết quả tốt nhất trong Kỳ thi THPT quốc gia 2017 sắp tới. Đồng thời, qua đợt thi khảo sát này, nhà trường và thầy cô giáo sẽ làm quen dần với công tác tổ chức thi tại các kỳ thi lớn như Kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Dạ Thảo