Cha mẹ cần làm gì khi phát hiện con bị thương hoặc kẻ xấu tấn công?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:03, 14/03/2017
Một điển hình nhé:
- Khi thấy vết trầy đầu gối, chảy máu thì đừng mất bình tĩnh, dù bạn có xót con biết bao nhiêu. Và “điên tiết” với bảo mẫu đến thế nào, đừng bao giờ hỏi: “Bạn nào xô con té?”. Hãy ôm con vào lòng, ở tư thể thoải mái và được che chở nhất rồi khẽ khàng: “Bé cưng, vì sao vết thương này chảy máu được nhỉ?”. Rồi băng vết thương, giải thích cho con việc giữ vệ sinh chăm sóc vết thương. Không nói gì thêm.
- Đến tối, khi một thành viên người lớn thứ hai về nhà, người ấy sẽ có trách nhiệm khai thác thông tin theo hướng rộng hơn. Ví dụ: “Bé ơi, hôm nay con đi học vui không, kể ba nghe…”. Lần theo đường dây của câu truyện mang tính tuần tự. Con ăn cơm xong làm gì, con ngủ trưa có mơ thấy ba không? Cô giáo phạt bạn A vì tội gì? Con mèo leo lên bàn cô giáo lúc ông mặt trời ở bên cửa số bạn C ngồi hay cửa sổ bạn H? Lúc đó chân bé bị vết thương sao bé nhảy lên reo hò được, không đau à?”.
- Khi có nguyên do chính xác về nguyên nhân vết thương thì lí do ấy được gián tiếp truyền thông cho những đối tượng liên quan biết. Vì khuynh hướng điều chỉnh thông tin một cách tự nhiên sẽ có thể gợi ra những sự thật khác. Ví dụ, dặn anh hai: “Con đi học thỉnh thoảng phải ghé qua lớp em gái nhé, hôm qua em bị bạn H xô té mà anh hai không hay biết gì cả” (quan sát phản ứng của anh hai). Dắt con gái đi học, gặp bạn H, thật nhẹ nhàng: “Hôm nay bạn H cắt tóc mới dễ thương quá nhỉ, hôm qua bạn H vô tình đụng phải bạn K nhà chú, chú mới dán băng cá nhân hình Mickey cho ban K, nên hôm nay bạn H phải hết sức cẩn thận nhé!” (quan sát phản ứng của bạn H). Nói với cô giáo rằng hôm nay bé con nhà bạn có một vết thương ở đầu gối, do bạn H vô tình đụng phải (quan sát cô giáo).
Tôi biết, khi bạn làm cha mẹ, bạn đã hiểu rất rõ những điều này. Tuy nhiên, chúng ta hay bị tâm lýbuồn bực, xót con, hay quá lo lắng; hoặc đang bận rộn việc gì và muốn giải quyết cho xong. Nhưng trẻ con đang sống trong thế giới của những điều tưởng tượng, nếu bạn cột trí tưởng của con trẻ vào một quả bóng bay, nó sẽ ngay lập tức rời khỏi thế giới nhàm chán này. Trí tưởng của con trẻ đưa con đến những câu truyện được kể, hay vô tình xem thấy trên ti vi, iPad, nhìn qua khe cửa nhà hàng xóm, hay trên đường đi học, thậm chí iPhone của bảo mẫu, hay những mẫu quảng cáo tưởng là vô hại… lúc đó, bạn không còn tìm được sự thật nữa, vì ngay cả những đứa trẻ liên quan cũng không ghi nhận và lưu trữ sự kiện theo nguyên mẫu; chúng mau chóng đóng gói trong trí nhớ; chúng đã thêm vào ít nhiều sự tưởng tượng! Cũng theo cách đó, dòng thời gian của chúng ta không tương thích với con trẻ; ví dụ sự việc mới hôm qua, nhưng nếu không thích, bé sẽ tự qui định là tuần trước hay lâu rồi… vậy cũng được luôn!
Không tin, bạn cứ thử làm điều này:
- Bé ơi, hôm qua con cò đã chở con về trên đôi cánh của nó, ba ước gì ba cũng có con cò đưa về như bé?
- Dạ không, ba đón con về mà!
- Thì đúng rồi, ba đón con, con leo lên xe ba, nhớ không? Rồi con hỏi ba ơi giá có con cò chở con bay về thì thích, rồi ba nói con tưởng tưởng nhìn từ trên cao xuống như thế nào đó!
- Dạ, sẽ thấy nón bảo hiểm như những trái bóng đủ màu…
- Đúng rồi, còn gì nữa…
- Và… và… và…
- Mùa hè năm trước con cò cũng chở con trên biển ở Nha trang đó. Con cò chở cả nhà mình luôn!
- Không, cáp treo ba ơi.
- Cáp treo, xong con đứng sát vào cửa kính, lúc ba ôm con và bảo mình đang bay trên cánh con cò nhớ không?
- Dạ nhớ….
Bé không quan tâm đến sự thật nữa, vì nếu chỉ cần 2 người đồng ý về việc ấy trong trí tưởng tượng, bé sẽ tự ghi nhận đó là sự thật. Cho nên trẻ con không chán chơi đồ hàng và đóng vai mẹ con là vậy!
Con bạn càng thông minh, càng nhạy cảm, càng nhận nhiều sự quan tâm thì khả năng tưởng tượng càng cao.
Một điều vô cùng quan trọng khác là tính thời điểm. Ngay khi bạn biết có điều bất thường là phải siết chặt quan tâm 24 giờ/ ngày. Bạn phải tách trái tim và lí trí ra nhìn sự việc. Trái tim của người làm cha mẹ sẽ biết cách xâu chuỗi sự việc của một cú té ngã tự nhiên, do vô tình hay gây hấn, và mức độ bất hòa thông qua cách bé tự chăm sóc vết thương, tiếng khóc của con, và giấc ngủ đầu tiên sau tai nạn của con, và việc ghi nhớ nó. Lí trí của bạn bóc tách sự việc và đặt các đối tượng liên quan ở mức trung lập không thiên kiến.
Bạn có 1.000 nguyên tắc ứng xử và kỹ năng phòng chống tội phạm; bạn vẫn thua trí tưởng của trẻ con. Bạn cũng đừng gieo vào đầu con về ý thức tự vệ lớn hơn nhu cầu sử dụng kẻo cô lập cháu, và triệt tiêu các cơ hội tự bảo vệ vốn dĩ phức tạp và không thể diễn giải hết khi tuổi lớn hơn cho đến trưởng thành.
Bạn đừng bất ngờ nếu sau mùa hè, bạn chỉ vết sẹo mờ như một sợi chỉ hồng nhạt trên đầu gối con và bảo: “Bạn Hạ đã vô tình xô con té và để lại môt vết sẹo thật đáng yêu”.
- Không phải bạn Hạ ba ạ, là bạn Mi!
- Con nhớ nhầm à, bạn Hạ chứ!
- Không, là bạn Mi. Lúc đó chỉ có 3 tụi con. Nhưng bạn Hạ lúc đó là mẹ của bạn Mi nên bạn Hạ nói là bạn ấy sẽ “tự chịu trách nhiệm”! Nhưng bạn Hạ chỉ làm mẹ bạn Mi cho đến Giáng sinh. Sau đó, bạn Mi không có mẹ Hạ nữa, nên bạn ấy phải tự chịu trách nhiệm rồi ba ạ. Nhưng nghỉ hè… là con đã xuống ký luôn vì hè này không ai nộp phạt một hớp sữa cho con… giờ con chỉ lo năm sau bạn Mi không cùng lớp con thì chả ai chịu nộp phạt cho con nữa!
Bạn thân mến, bạn nghĩ điều gì bảo vệ các thiên thần?Thưa, sự trong sáng!
Chương Đặng