Những điều bố mẹ nên biết để giúp con thành công

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:49, 08/03/2017

Con cái thành đạt và hạnh phúc luôn là mong mỏi của các bậc cha mẹ. Dưới đây là những bí kíp giúp con thành công mà các bậc cha mẹ nên lưu ý.

Dạy con kỹ năng xã hội

Các nhà nghiên cứu tới từ ĐH Bang Pennsylvania và ĐH Duke đã theo dõi hơn 700 trẻ trên khắp nước Mỹ từ độ tuổi mầm non tới lúc 25 tuổi và phát hiện ra mối tương quan đáng kể giữa kỹ năng xã hội của trẻ mầm non với sự thành công của chúng khi trưởng thành sau 2 thập kỷ.

Nghiên cứu kéo dài 20 năm này cho thấy những đứa trẻ có các kỹ năng xã hội như: hợp tác tốt với bạn bè mà không cần nhắc nhở, hữu ích với người khác, hiểu cảm giác của bản thân, khả năng tự giải quyết vấn đề tốt… sẽ có khả năng có bằng đại học và có việc làm trước 25 tuổi nhiều hơn những đứa trẻ có kỹ năng xã hội kém hơn.

Làm chủ bản thân

Làm chủ bản thân cũng có nghĩa là trẻ biết tự chịu trách nhiệm với những hành động, cảm xúc của mình. Kết quả của thói quen này là bé tự tin và luôn cố gắng hết sức trong những việc mình làm. Bé biết làm chủ hành vi, cảm xúc và thái độ của mình, không đổ lỗi cho hoàn cảnh. Bé biết vâng lời và làm việc tốt, ngay cả khi không có ai giám sát.

Cha mẹ có thể giúp con rèn thói quen này bằng những việc làm cụ thể như dạy con biết xin lỗi khi sai, dạy con biết làm những việc phục vụ bản thân mình... và khuyến khích con làm một việc gì đó mà trước đây con vẫn sợ.

Biết sắp xếp các công việc

Cha mẹ hãy giúp bé xác định những việc bé phải ưu tiên làm trước, dựa trên hai tiêu chí: mức độ quan trọng và khẩn cấp của công việc, ví dụ học trước chơi sau. Rèn thói quen này cũng có nghĩa bé biết tập trung vào việc đang làm, không để cho những thứ khác làm xao nhãng. Bé biết dành thời gian cho những việc quan trọng nhất.Nếu ta không dạy cho trẻ biết ưu tiên những việc cần thiết trước thì trẻ sẽ không biết cách sắp xếp công việc một cách hợp lý.

Trong các thói quen, thói quen này rất khó tập vì chúng ta thường có xu hướng làm những việc dễ hay những việc mình thích trước.Cha mẹ hãy giúp trẻ hiểu rằng, trẻ vẫn phải làm cả những việc mình không thích.

Bài tập ứng dụng: Sắp xếp những công việc con cần làm trong buổi tối: ăn cơm, tắm, làm bài, đánh răng, xem tivi/ Con hãy nói nhiệm vụ quan trọng nhất của con là gì: tập đàn, trông em, làm bài tập.../ Con thử làm một việc con đã trì hoãn từ lâu.

Lắng nghe và chịu chia sẻ

Nhu cầu lớn nhất trong sâu thẳm của mỗi người chính là được thấu hiểu. Hãy giúp bé biết lắng nghe và để ý đến cảm xúc của người khác. Dạy bé biết tôn trọng quan điểm của người khác, kể cả khi nó không giống với quan điểm của bé. Dạy bé chịu mở lòng chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn.

Thực tế, nhiều người không lắng nghe để hiểu mà lắng nghe để đối đáp và áp đặt. Ngay cả chính cha mẹ cũng vậy. Lắng nghe áp đặt sẽ khó tìm ra tiếng nói chung, còn lắng nghe thấu hiểu giúp ta dễ tìm được giải pháp giải quyết vấn đề hơn.

Bài tập dành cho bé: Hãy thử không nói trong một tiếng đồng hồ và quan sát xem những người xung quanh như thế nào/ Hãy nói ai là người con thích nói chuyện nhất, vì sao...

Có mục tiêu và luôn chuẩn bị

Bé cần được dạy cách lập mục tiêu và lên kế hoạch cho bản thân. Từ đó, bé luôn suy nghĩ kỹ càng và chuẩn bị tốt trước khi làm một việc gì đó. Bé hiểu rằng những lựa chọn ở hiện tại sẽ quyết định tương lai của bé.

Cha mẹ có thể dạy con viết những mục tiêu ra giấy trước khi thực hiện. Có rất nhiều loại mục tiêu, từ mục tiêu trong một khoảng thời gian ngắn, ví dụ ngày hôm nay bé làm xong bài tập, vẽ xong bức tranh, đến mục tiêu dài hạn hơn, như cuối năm học con đạt học sinh giỏi. Cha mẹ cũng có thể hỏi con xem con muốn làm gì khi lớn lên.

Để con "được" thất bại

Không ai thích bị thất bại, ngay cả người lớn nhưng con của bạn cần chuẩn bị để đối mặt với thất bại và biết cách đối phó với điều đó trong tương lai.

Một nghiên cứu cho thấy, trẻ em trải qua thành công “ảo” ít có khả năng đánh giá khả năng thực sự của bản thân mình.

Khuyến khích con tự suy nghĩ

Đôi khi, không phải tất cả các câu hỏi đều dễ dàng trả lời và có thể đáp án cho câu hỏi đó cũng không chính xác trong mọi trường hợp. Việc trả lời sai không phải hoàn toàn là thất bại, có khi nó chứng tỏ là con có thể để tìm ra cách có được đáp án tốt hơn cho câu hỏi đó.

Nếu con của bạn không thành công ở lần này, thay vì nói cho con những gì con cần làm, hãy hỏi con những gì con nghĩ rằng con có thể làm để cải thiện. Nếu con có giải pháp khác, sẽ có ý nghĩa rất lớn cho những thành công của con sau này.

Rèn giũa bản thân

Dạy bé biết chăm sóc bản thân mình bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập đầy đủ và đúng giờ. Dạy bé biết cân bằng thời gian giữa việc học, việc chơi, gia đình, bạn bè... Từ đó, bé luôn nỗ lực làm mới bản thân bằng cách không ngừng học hỏi cái hay, cái mới.

Tịnh Thu (tổng hợp)

Thùy Vân