Việt Nam có tỉ lệ nữ CEO cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:53, 06/03/2017
Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành ngân hàng đã phối hợp với một số cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo “Nữ lãnh đạo trong lĩnh vực ngân hàng và công nghệ tài chính”, diễn rahôm 3.3 tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của ngành ngân hàng trong thời đại số hóa và hội nhập quốc tế, Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ ngành Ngân hàng đã tổ chức hội thảo nàynhằm giới thiệu đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ ngành ngân hàng về các xu hướng mới cũng như các thử thách, cơ hội của thế giới, khu vực và quốc gia trong lĩnh vực công nghệ tài chính, ngân hàng số, thanh toán điện tử, thương mại điện tử. Từ đó, giúp phụ nữ ngành ngân hàng nắm bắt và mở rộng cơ hội tiếp cận công nghệ nói chung và công nghệ ngân hàng, tài chính nói riêng.
Các phiên thảo luận tại hội thảo chỉ ra tài chính - ngân hàng là một lĩnh vực có tính đặc thù nghề nghiệp và đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn đối với lực lượng lao động, nhất là các lao động nữ. Ở Việt Nam, ngành ngân hàng có số lao động nữ chiếm tỉ lệ cao, trung bình vào khoảng gần 60% tổng số cán bộ.
Nữ giới nắm giữ các vị trí quản lý, lãnh đạo cũng ngày một tăng cả ở ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại, mặc dù chủ yếu vẫn đang ở các vị trí quản lý cấp trung. Với tỉlệ và vị trí ngày càng đáng kể như vậy của nữ giới trong ngân hàng, có thể nói phụ nữ hiện nay đóng vai trò rất quan trọng trong định hình và vận hành hệ thống ngân hàng.
Báo cáo được đưa ra tại Hội thảo cũng cho biết trên thế giới, phụ nữ ngày càng đạt được nhiều thành tựu hơn, nhất là ở những quốc gia đang phát triển, nơi vấn đề bình đẳng giới dành được nhiều quan tâm và phụ nữ ngày càng gia tăng vai trò của mình trong mọi lĩnh vực.
Châu Á hiện dẫn đầu thế giới về tỉlệ phụ nữ làm CEO, trong đótỉlệ nữ CEO của Việt Namcao nhất trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương với mức xấp xỉ 25%, cao hơn khá nhiều so với mức bình quân 10% của thế giới.
Tuy vậy, hiện vẫn còn các rào cản gây ảnh hưởng đến vị thế của phụ nữ trong công tác lãnh đạo như định kiến về vai trò của phụ nữ, kỳ vọng về vai trò của phụ nữ, sự khó khăn trong cân bằng cuộc sống và công việc, môi trường làm việc kém hỗ trợ...
Trước những khó khăn trên, bà Kristy Duncan, Sáng lập viên - Tổng giám đốc tổ chức Women in Paymentnêu ý kiến cần có những giải pháp thiết thực để khuyến khích sự tham gia của phụ nữ trong một tổ chức nói chung và trong lĩnh tài chính, ngân hàng nói riêng nhằm gia tăng sự thành công cho các tổ chức.
Bà Duncan cũng đề xuất một số kiến nghị như xử lý vấn đề vềbình đẳng giới ở quy mô ngành/tổ chức; cần nhìn nhận vấn đề về tính đa dạng bình đẳng giới trên nhiều khía cạnh; ngoài ra cần có chiến lược và mục tiêu cụ thể về phát triển vai trò của phụ nữ lãnh đạo vì sự đổi mới ngân hàng và công nghệ tài chính.
Bà Deborah France-Massin, Giám đốc Văn phòng hoạt động giới chủ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) từng cho biết: "Nghiên cứu của tổ chức cho thấy việc phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào thị trường lao động chính là động lực lớn nhất đối với sự phát triển và gia tăng năng lực cạnh tranh của toàn cầu. Rất nhiều nghiên cứu cũng cho thấy mối quan hệ tích cực giữa việc phụ nữ tham gia vào các nhóm ra quyết định cao nhất với hiệu quả kinh doanh.
Ngoài ra, việc nữ giới đảm nhận vai trò quản lý cao cấp trong các lĩnh vực chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng một nhóm các ứng cử viên tiềm năng cho các vị trí cao nhất như CEO hoặc chủ tịch. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những bức tường kính giới hạn phụ nữ chỉ ở một số các vị trí quản lý nhất định như nhân sự, truyền thông và hành chính".
Tuyết Nhung