Bài cuối: Những người tốt trong hành trình 37 năm minh oan cho thiếu úy Lữ Anh Dồi

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:28, 28/02/2017

Trong gần 4 thập kỷ day dứt với cái chết của chồng, bà Mai luôn có những “quý nhân” giúp đỡ. Đó có thể là người có chức có quyền, cũng có thể chỉ là người nông dân chân lấm tay bùn. Cũng có những người tốt một cách kỳ lạ đến khó hiểu như 1 cán bộ lão thành ở tận Gia Lai.

Bài 1: Cái chết của Lữ Anh Dồi và những ngày tháng đoạn trường của người vợ trẻ

Bài 2: Ai giết Lữ Anh Dồi?

Bài 4: Những phiên tòa đanh thép đưa 2 kẻ tội đồ ra trước vành móng ngựa

Bài 5: Động cơ của Nguyễn Ngọc 'bật đèn xanh' cho thuộc cấp bắn Lữ Anh Dồi

Bài 6: Làm giả hồ sơ, đổ tội cho người đã chết

Những người sát cánh đầu tiên

“Kể từ khi chồng tôi mất, tôi lao vào một chặng đường gian nan, minh oan cho chồng. Nhiều lúc tôi luôn có cảm giác có người phía sau mình, họ theo dõi tôi. Nhưng đó chỉ là cảm giác, còn sự thật tôi đã có rất nhiều người tốt giúp đỡ cho mình”, bà Nguyễn Thị Mai xúc động nói.

Bà Mai kể, nếu không nhờ người bạn tốt năm nào bất chấp mạo hiểm để báo tin Lữ Anh Dồi bị bắn chết thì không biết khi nào bà mới biết. “Lúc chồng tôi ngã xuống, công an tuyên bố chồng tôi phản quốc, người dân nghe thấy ai cũng sợ. Vậy mà người bạn gái ấy vẫn lén lút lên báo tin cho tôi hay.

Rồi khi xuống tới Hộ Phòng, nếu không nhờ những má Hai, má Tư…và những người phụ nữ đồng cảm ấy, tôi cũng không biết mình sẽ ra sao. Họ cho một người phụ nữ có chồng mang tiếng phản quốc ngủ nhờ, kiếm cho tôi mảnh khăn tang, nén nhang để làm tròn đạo nghĩa với chồng”, bà Mai bật khóc khi nhớ về quá khứ.

Trong quá trình kêu oan dài đằngđẳng từ năm này qua năm khác, niềm tin duy nhất trong lòng bà Mai là bà sẽ gặp những người tốt, nhữngngười cất tiếng nói cùng với bà để tìm thấy công lý. Niềm tin ấy được đền đáp khi bà gặp nhà báo Dương Thanh Long (SN 1952) lúc ấy vẫn là 1 nhà báo trẻ đầy nhiệt huyết của báo Minh Hải.

Nhà báo Dương Thanh Long

Giờ đây, ông Long đã ngoài 60 tuổi, đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn làm việc với một vài tờ tạp chí. Với ông, ngòi bút vẫn chưa thấm mệt. Khi chúng tôi hỏi về vụ án Lữ Anh Dồi, ông Long không giấu được vẻ trầm ngâm khi nhớ về một thời sôi nổi. Chính ông và 1 đồng nghiệp ở Báo Minh Hải là những người đầu tiên vào cuộc, đưa vụ án công khai trong báo chí.

Trong quá trình tham gia vào vụ án Lữ Anh Dồi, ông Long không bao giờ quên được lá thư nặc danh gửi đến mình trước lúc vụ việc được đưa ra ánh sáng. “Lá thư ấy với nội dung ngắn gọn thôi, nhưng sặc mùi đe dọa tôi. Ai đó muốn tôi không nên dính líu gì tới vụ án này nữa. Đó là thời điểm trước khi cố Tổng bí thư đến Minh Hải. Đọc lá thư xong, tôi tìm tới địa chỉ ghi trên thư, nhưng đó là địa chỉ ma, không hề có thật. Gấp lá thư lại, tôi đốt nhang khấn với trời đất rằng, nếu vì bảo vệ công lý mà tôi có mệnh hệgì, tôi không hề hối tiếc. Và sau đó, tôi tiếp tục dấn thân vào vụ án này”, ông Long nhớ lại.

Rồi lúc bà Mai đội khăn tang, cầm di ảnh đến UBND tỉnh tìm gặp Tổng bí thư kêu oan không thành, ông Long bị Công an Minh Hải lúc ấy mời lên làm việc. “Nếu không nhờ mấy chú, bác bên Thường vụ Tỉnh ủy lúc ấy thì có lẽ tôi cũng mệt mỏi lắm. Nhưng trước khi tôi giúp bà Mai, nhiều lãnh đạo ban ngành của tỉnh hứa là sẽ ở phía sau giúp đỡ cho tôi, điều đó khiến tôi vững tâm hơn rất nhiều”, ông Long nhớ lại.

Mỗi khi nhớ đến những ân nhân sát cánh bên mình, bà Mai luôn nhắc đến nhà báo Long đầu tiên. Đến nay, khi oan khuất của Lữ Anh Dồi đã được rửa sạch nhưng vẫn chưa được công nhận liệt sĩ. Ông Long lại một lần nữa đồng hành cùng bà Mai tìm lại danh dự cho Lữ Anh Dồi.

Xin được nhắc lại lời bà Mai: “Chuyện tôi đi kêu oan cho chồng mình, vì đó là chồng, là người thân của tôi. Tôi phải làm là chuyện đương nhiên. Nhưng những người không quen biết, họ giúp đỡ tôi như vậy, họ mới là người tốt, họ rất đáng quý”.

Trong những người tốt giúp đỡ bà Mai, có một người tốt đến mức kỳ lạ. Đó là ông Đặng Văn Cung (SN 1938, cán bộ Thành đoàn ở TP.Pleiku, Gia Lai). Câu chuyện về ông Cung là trả lời chính xác nhất cho câu nói của bà Mai: “Người tốt vẫn còn nhiều lắm, chỉ là mình chưa tìm ra thôi”.

Nặng tình với người ngã xuống

Cơ duyên để ông Đặng Văn Cung biết được vụ án Lữ Anh Dồi hết sức tình cờ. Năm 2015, ông Cung nhận được quà tặng là 1 cuốn sách viết về tiểu sử của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Trong sách có ghi giai đoạn đầu năm 1988, Tổng Bí thư có ghé thăm và làm việc tại tỉnh Minh Hải. Tại đây, Tổng bí thư có nghe dân xôn xao vụ án Lữ Anh Dồi và được lãnh đạo tỉnh báo cáo về vụ án.

Sách cũng ghi, Tổng bí thư tiếp bà Nguyễn Thị Mai và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Sau đó, Tổng bí thư về thủ đô chỉ đạo sớm đưa vụ việc ra xét xử. Từ những trang sách này, ông Cung cứ trăn trở mãi về vụ án. Cùng là người hoạt động cách mạng, ông Cung hết sức đồng cảm với thiếu úy Lữ Anh Dồi.

Cuối năm, ông Cung bắt xe xuống Cà Mau, tìm tới nhà bà Nguyễn Thị Mai. “Tôi đeo đầy đủ huân huy chương, thắp cho chú Dồi 1 nén nhang. Xong, tôi hỏi bà Mai, tấm bằng công nhân liệt sĩ của chú Dồi đâu. Bà Mai bảo rằng, chú Dồi vẫn chưa được công nhận. Tôi thấy xốn xang vô cùng”, ông Cung kể.

Sau khi nghe bà Mai kể rõ sự tình, ông Cung từ biệt ra về. Vài tháng sau, ông Cung gọi điện hỏi thăm, biết là sự tình chưa có biến chuyển, ông Cung từ Gia Lai ngược xuống Cà Mau một lần nữa. Lần này, ông cùng bà Mai đến UBND tỉnh Cà Mau, qua Công an tỉnh, đến Sở LĐTB&XH để hỏi rõ ràng việc công nhận liệt sĩ cho Lữ Anh Dồi. Nhận được những câu trả lời phải chờ đợi thêm nữa, ông Cung lại trở về Gia Lai.

Đầu tháng 7.2016, ông Cung gọi điện cho bà Mai, đề nghị bà Mai bay ra thủ đô. Ở Gia Lai, ông Cung cùng 1 người bạn cũng bay ra Hà Nội. Nghe ông Cung phân tích, bà Mai và nhà báo Dương Thanh Long đáp chuyến bay sớm nhất để kịp đến điểm hẹn với ông Cung.

Ông Đặng Văn Cung trong lần đầu đến thắp nhang cho Lữ Anh Dồi

Tại thủ đô, với những mối quan hệ xưa cũ, ông Cung đưa mọi người đến gặp Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, ông Đào Ngọc Dung. Tại đây, Bộ trưởng đã lắng nghe và đề nghị cấp dưới thảo văn bản gửi sang Bộ Quốc phòng ngay hôm sau. Tiếp đến, ông Cung cùng bà Mai đến Bộ Quốc phòng, các nghành liên quan để hỏi thăm về việc công nhận liệt sĩ cho Lữ Anh Dồi.

Chuyến đi kết thúc với những lời hứa của các lãnh đạo ngành rằng sẽ sớm hoàn thiện hồ sơ công nhận liệt sĩ cho thiếu úy Dồi. Đó cũng chính là bước tiến rõ ràng nhất trong suốt 26 năm từ lúc phiên tòa xử Nguyễn Ngọc và Thái Văn Hùng kết thúc. Bà Mai xúc động: “Từ lúc anh Dồi được minh oan, tôi chờ tấm bằng liệt sĩ của chồng đã gần 30 năm. Trong suốt ngần ấy thời gian tôi chỉ biết chờ, đợi. Chuyến đi Hà Nội lần đó khiến tôi vui mừng vô cùng”.

Sau chuyến đi đó, Sở LĐTB&XH Cà Mau cũng đã tiến hành họp, thống nhất đề nghị bộ suy tôn Lữ Anh Dồi là liệt sĩ. Đó là thành quả đầy mồ hôi, nước mắt của bà Mai bao năm qua.

“Tôi không biết phải cảm ơn ông Cung như thế nào. Ông ấy không quen biết, thân thích với gia đình tôi mà lại giúp đỡ tận tình như thế. Đã có lúc tôi muốn mời ông ấy bữa cơm nhưng ông ấy kiên quyết từ chối. Chi phí chuyến đi ra Hà Nội, ông Cung cũng nhất định tự lo”, bà Mai nói.

Ông Cung đã ngấp nghé tuổi 80, nhưng giọng nói vẫn sang sảng, dứt khoát. “Tôi trăn trở nhiều lắm sau câu chuyện của chú Dồi, tôi là người tham gia cách mạng tôi hiểu nỗi đau ấy. Tôi đã về hưu, nhưng nếu làm được gì cho người đồng chí ấy, tôi nguyện tận sức mình. Về phần cô Mai, cô ấy là một người phu nữ kiên cường. Bao nhiêu năm thủ tiết, minh oan cho chồng, chịu bao vất vả, khó khăn, tủi nhục. Cô ấy xứng đáng được mọi người giúp đỡ, chú Dồi cũng xứng đáng được công nhận liệt sĩ ”, ông Cung bày tỏ.

Việc xem xét để suy tôn Lữ Anh Dồi là liệt sĩ hiện vẫn đang được các nghành chức năng tiếp tục hoàn thành, sau yêu cầu báo cáo mới đây của Thủ tướng Chính phủ. Bà Mai và những con người đầy tình cảm như ông Cung, ông Long sẽ vẫn phải chờ đợi.

Xin được dùng lời bà Mai để kết thúc những bài viết về vụ án Lữ Anh Dồi: “Nếu chờ vài năm nữa, tôi nghĩ mình vẫn chờ được. Nhưng lâu hơn nữa tôi không biết mình còn sống để đón nhận niềm vui đó không”.

Ngọc Hàm

Nguyên Việt