Cấp thiết cải cách tiêu chuẩn thành viên các Hội đồng chức danh

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:55, 08/02/2017

Việc Chính phủ vừa đưa ra công luận Bản dự thảo quy định tiêu chuẩn chức danh GS, PGS với điểm mới nổi bật là yêu cầu bắt buộc các ứng viên phải là tác giả chính 2-3 bài báo khoa học công bố quốc tế (chuẩn ISI, hay rộng hơn – chuẩn Scopus) hay bằng độc quyền sáng chế có giá trị đã nhận được sự quan tâm, đồng tình rộng rãi của cộng đồng khoa học.

Tuy nhiên, bản dự thảo tiêu chuẩn chức danh GS, PGS có một khiếm khuyết cơ bản là trong khi đòi hỏi các ứng viên phải có công bố quốc tế ISI và Scopus, thì lại không đòi hỏi như vậy đối với các thành viên các Hội đồng chức danh GS (HĐCDGS) – vốn đóng vai trò thẩm định và nắm khâu quyết định trong việc cải cách tiêu chuẩn các chức danh.

Việc cải cách tiêu chuẩn các chức danh GS, PGS ở thời điểm này là quá muộn so với bước tiến mà Bộ KH&CN đã thực hiện với sự hình thành và hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (Nafosted) từ năm 2009. Các chủ trì đề tài nghiên cứu cơ bản (NCCB) trong lĩnh vực KHTN&KT phải đạt yêu cầu tối thiểu có công bố quốc tế ISI (cao hơn chuẩn Scopus) trong năm năm gần nhất, trước khi đề tài được xem xét. Từ các đề tài mà họ thực hiện trong hai, ba năm phải có được ít nhất hai bài báo quốc tế ISI, trong đó ít nhất một bài chủ trì phải là tác giả chính (tác giả liên hệ hay tác giả đứng tên đầu).

Ngay từ đợt xét đầu tiên, 80% các chủ trì đề tài NCCB cũ trong ngành Cơ học gồm phần nhiều là các GS chức sắc gọi là đầu ngành nhưng không đạt tiêu chuẩn đầu vào về công bố quốc tế, trong khi hơn 50% chủ trì được duyệt là các TS trẻ và trung tuổi lần đầu tiên có được cơ hội chủ trì đề tài mà theo cơ chế cũ họ không với tới được. Trái ngược với nhiều ý kiến cho rằng Chương trình sẽ thất bại, không lấy đâu ra người chủ trì các đề tài, và các đề tài không thể hoàn thành, chương trình NCCB của Bộ KH&CN đã và đang thành công vượt mọi mong đợi và đang là điểm sáng trong quản lý khoa học nước nhà. Mặc dù có những chủ trì phải rút lui đề tài, có những chủ trì không hoàn thành nhiệm vụ phải hoàn lại một phần kinh phí (điều chưa từng xảy ra trước đây), nhiều chủ trì phải xin gia hạn, phần đông các đề tài được lựa chọn khắt khe đã hoàn thành nhiệm vụ, số các đề tài mới và số công bố quốc tế tăng nhanh hàng năm, cuốn hút được nhiều TS trẻ.

Có những chức sắc cấp cao thuộc chính các HĐCDGS ngành hiện nay đã xin và bị từ chối, không chỉ một lần, đề tài NCCB vì không đạt tiêu chuẩn tối thiểu về công bố quốc tế.

Khác với cải cách toàn diện Chương trình NCCB của Bộ KH&CN, Bản dự thảo tiêu chuẩn chức danh PS, PGS có một khiếm khuyết cơ bản là trong khi đòi hỏi các ứng viên phải có công bố quốc tế ISI và Scopus, thì lại không nêu đòi hỏi như vậy đối với các thành viên các Hội đồng chức danh GS (HĐCDGS) – vốn đóng vai trò thẩm định và nắm khâu quyết định với thành công của cải cách tiêu chuẩn các chức danh. Vì vậy, cần đòi hỏi về công bố quốc tế đối với các thành viên các HĐCDGS, tương tự như thành viên các hội đồng trong chương trình NCCB, thậm chí cần yêu cầu cao hơn, nhất là đối với các HĐCDGS ngành (như đối với tám hội đồng ngành của Chương trình NCCB trong lĩnh vực KHTN&KT).

Trong Bản dự thảo có một điểm mới là yêu cầu các thành viên các HĐCDGS ngành phải có chức danh GS – lại là một cản trở cho tiến trình cải cách. Phần lớn các giáo sư và thành viên các HĐCDGS ngành của đa số các ngành hiện nay đều mang nặng tư duy cũ và yếu kém về chuyên môn – thậm chí không đạt tiêu chuẩn tác giả chính các bài báo quốc tế của chức danh PGS mới. Trong khi đó tám hội đồng ngành của Chương trình NCCB trong lĩnh vực KHTN&KT được lựa chọn dân chủ từ các nhà khoa học công bố quốc tế xuất sắc nhất của các ngành, với các GS, PGS và cả TS tham gia bình đẳng phục vụ cho mục tiêu chung của khoa học nước nhà một cách trung thực, minh bạch và công tâm nhất, tuân theo chuẩn mực khách quan quốc tế. Ở điểm này thì lại cần giữ quy định cũ để có thể chọn được các HĐCDGS ngành từ các GS và PGS xuất sắc nhất.

Website của HĐCDGS Nhà nước cần mở để các GS, PGS, TS các ngành đạt tiêu chuẩn công bố quốc tế của chức danh PGS từ các cơ sở nghiên cứu và đào tạo đăng ký lý lịch khoa học vào các ngành cụ thể theo mẫu quy định, và được cập nhập hàng năm (các thông tin công bố quốc tế đều có thể kiểm tra khách quan được). Do tính chất đa ngành hiện nay, nhiều đồng nghiệp có thể đồng thời đăng ký ở các ngành gần và giao nhau. Ví dụ nhiều chuyên gia các ngành Cơ khí, Xây dựng, Thủy lợi, Giao thông có thể đăng ký đồng thời vào cả ngành Cơ học, vốn đại diện cho phần đông trong số họ trong Chương trình NCCB hiện nay. Thông tin đó sẽ giúp HĐCDGS NN nắm được tình hình từng ngành và đặt ra các tiêu chí cụ thể sát thực tế hơn cho từng ngành. Ví dụ, đối với các ngành Toán, Lý, Cơ, Tin, Hóa, Sinh học… cần lấy tiêu chuẩn quốc tế ISI (cao hơn Scopus), thậm chí cao hơn nữa là SCI (Trung Quốc lấy chuẩn này). Dựa vào đây, Bộ GD&ĐT và HĐCDGS NN tiến hành thăm dò online lấy ý kiến các nhà khoa học đạt chuẩn quốc tế các ngành để chọn ra các HĐCDGS ngành có năng lực và xứng đáng nhất từ các GS, PGS. Không chỉ tính phiếu tín nhiệm, mà cả phiếu phản đối nữa, nhằm giúp loại bỏ những tiêu cực trong các ngành. Đó chính là cách làm đã thành công của Quỹ Nafosted và Bộ KH&CN đối với Chương trình NCCB.

Các HĐCDGS cơ sở cần mở rộng cho cả các TS có thành tích công bố quốc tế tốt, và mời thêm người bên ngoài cơ sở, nếu không đủ số GS, PGS đạt chuẩn công bố quốc tế. Ở những ngành công bố quốc tế còn quá yếu, bước đầu danh sách ứng viên HĐCDGS ngành có thể tạm mở rộng cả cho cả các GS chưa đạt chuẩn công bố quốc tế và cả các TS đạt chuẩn công bố quốc tế, và mời thêm chuyên gia từ ngành gần gũi.

Các thành viên các HĐ ngành của Chương trình NCCB còn bị giới hạn số nhiệm kỳ liên tiếp: các thành viên, với không quá sáu đến tám năm liên tục, Chủ tịch và Phó chủ tịch – không quá từ bốn đến sáu năm.Trong giai đoạn quá độ hiện nay, nhiệm kỳ các HĐCDGS ngành cũng nên được rút ngắn xuống từ hai đến ba năm, như của Chương trình NCCB, giúp các hội đồng này có thể được đổi mới liên tục cùng với đà tiến bộ của khoa học Việt Nam.

Phần lớn các giáo sư và thành viên các HĐCDGS ngành của đa số các ngành hiện nay đều mang nặng tư duy cũ và yếu kém về chuyên môn – thậm chí không đạt tiêu chuẩn tác giả chính các bài báo quốc tế của chức danh PGS mới.

Tiêu chuẩn tác giả chính hai bài báo quốc tế đói với các ứng viên chức danh và thành viên Hội đồng CDGS cần là của năm năm gần nhất, chứ không phải là của thời xa xôi khi đương sự còn được đào tạo ở nước ngoài và đã xa rời khoa học chuẩn mực nhiều năm qua - hiện tượng phổ biến ở Việt Nam. Với chức danh GS cần yêu cầu một nửa số điểm công trình phải là từ công bố quốc tế - điều đó là không khó với những ai đã qua ngưỡng tác giả chính các bài báo quốc tế nội lực, như kinh nghiệm Chương trình NCCB đã cho thấy.

Các GS, PGS đã đạt chuẩn cần được xem xét bổ nhiệm lại sau năm năm – trong thời gian đó đương sự vẫn phải tham gia nghiên cứu và đào tạo, và là tác giả chính các bài báo quốc tế.

Chúng ta cần có những thành viên của các HĐCDGS thường là những nhà khoa học có đức, có tài và có trách nhiệm trong việc lựa chọn được các nhà khoa học đầu tầu xứng đáng ở thời điểm năng lực đỉnh cao của họ để họ kéo con tầu khoa học Việt Nam đi lên, chứ không phải khi họ đã ở tuổi xế chiều và đã qua thời kỳ đó. Chúng ta không thiếu các tài năng trẻ, những người tâm huyết với khoa học nước nhà, và họ cần được cởi trói, mà sợi giây trói ở đây chính là cơ chế và các HĐCDGS kiểu cũ.

Việc những nhà khoa học đầu tầu nổi bật về nghiên cứu cơ bản và đào tạo theo chuẩn mực quốc tế, với nhiều đóng góp cho tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của khoa học nước nhà những năm qua như Nguyễn Bá Ân, Nguyễn Ngọc Châu, Nguyễn Xuân Hùng… đã không được/bị từ chối chức danh GS cho thấy những bất cập và tiêu cực các HĐCDGS, trong khi họ ban phát hư danh cho biết bao GS, PGS yếu kém (kể cả chính họ), và trực tiếp hay gián tiếp tạo ra vô số các TS, sách, công trình, đề tài khoa học dỏm rời xa chuẩn mực quốc tế.

Có thể nói nhiều HĐCDGS ngành hiện nay không có uy tín đối với các nhà khoa học, đặc biệt là cộng đồng đang làm việc hết mình hướng tới chuẩn mực quốc tế, và đang là một yếu tố chính cản trở tiến bộ của khoa học nước nhà (giống như nhiều Hội đồng NCCB cũ trước khi Quỹ Nafosted ra đời năm 2009, mà hầu hết các thành viên cũng chính là các chức sắc ngự trị trong các HĐCDGS ngành). Vì vậy, trong tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước, cải cách các HĐCDGS là một vấn đề cấp bách hiện nay của khoa học Việt Nam.

Theo Tia Sáng

Theo Tia Sáng