Ông Lê Hoàng Châu: TP.HCM xây được nhà 100 triệu nhưng tối đa chỉ 20.000 căn
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 16:40, 08/02/2017
Tuy nhiên, cũng theoChủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nếu xây nhà ở xã hội kiểu này sẽ không công bằng đối với nhiều người. “Nhà 100 triệu thì chỉ có 15.000 - 20.000 người mua là hết rồi, còn người chậm chân, đến sau sẽ không mua được loại nhà này nữa. Như vậy, sẽ không công bằng đối với người mua sau. Chính sách nhà ở xã hội là phải công bằng”, ông Lê Hoàng Châu nói.
Cũng trong cuộc trao đổi với Một Thế Giới, ông Châu cho biết, Bình Dương có hơn 2 triệu dân, trong đó có gần 1 triệu người nhập cư, chiếm tỉ lệ 50%. Trong khi đó, TP.HCM có 3 triệu người nhập cư trên tổng dân số 13 triệu, chiếm hơn23%. Tỉlệ người nhập cư Bình Dương lớn hơn nhưng TP.HCM mới là thành phố của người nhập cư nên cần rất nhiều nhà ở xã hội giá rẻ, vừa túi tiền người dân.
Theo ông, sở dĩ Bình Dương làm được nhà ở xã hội 100 triệu đồng là do họ đã quy hoạch thành phố mới hoàn chỉnh với nhiều phân khu chức năng. Vì đã được quy hoạch trong khu đô thị thành phốmới Bình Dương nên được miễn toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng; tiền sử dụng đất cũng được miễn theo Luật Nhà ở; chi phí hạ tầng tới chân công trình bằng 0; đường sá rất rộng rất thoáng mà không phải đầu tư thêm một mét vuôngnữa cho khu nhà ở công nhân; toàn bộ hạ tầng xã hội bao gồm cơ quan hành chính, nhà trẻ, mẫu giáo, bệnh viện, trường học, khu thương mại, vui chơi giải trí… cũng không phân bổ vào giá thành của các nhà ở xã hội này.
“TP.HCM muốn làm được thì phải quy hoạch được như thế. Dự án nhà ở xã hội phải là dự án thành phần của một dự án khác giống như khu nhà ở Hòa Lợi, Định Hòa nằm trong tổng thể khu đô thị mới Bình Dương rộng 2.000 ha. Nếu thành phố làm như Bình Dương thì việc này sẽ nảy sinh ra chuyện Nhà nước phải đầu tư bổ sung vì chủ đầu tư không thể làm nổi nên thành phố phải gánh vác rất lớn”, ông Lê Hoàng Châu khẳng định với Một Thế Giới.
Đó là chưa kể chi phí làm móng nhà ở Bình Dương rất rẻ vì đất đồi, móng đơn, ông Châu nói thêm. Họ xây thấp tầng, chỉ có 5 tầng nên giảm chi phí thang máy, chi phí vận hành sau này. Nếu muốn làm móng như Bình Dương, TP.HCM phải sử dụng đất nông trường mà đất nông trường thì ở Bình Chánh cónông trường Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai; Củ Chi có nông trường Phạm Văn Cội; Cần Giờ có các nông trường nuôi tôm và một số quỹ đất dự trữ ở Hóc Môn. Trong số này, chỉ có Hóc Môn, Củ Chi có nền móng cứng, địa chất công trình chắc chắn. Nếu TP.HCM làm nhà 5 tầng thì rất lãng phí quỹ đất vì giá trị đất cao hơn.
Tuy nhiên, dù xây dựng nhà ở xã hội ở các nông trường tại Hóc Môn, Củ Chi thành công và chi phí thấp thì số lượng không nhiều, khoảng vài ngàn căn và chưa thể đáp ứng nhu cầu của người lao động ở TP.HCM.
Do đó, ông Châu cho rằng các cơ quan chức năng, quan trọng nhất là Bộ Xây dựng cần hỗ trợ tối đa về chính sách, giúp rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, bởi thủ tục càng đơn giản, thời gian càng rút ngắn thì càng giúp giảm giá thành. Bộ Xây dựng cũng cần hỗ trợ thiết kế mẫu nhà ở xã hội để các địa phương có thể lấy mẫu đó làm không cần phải tốn chi phí cho khâu thiết kế.
Trong khi đó, TP.HCM nên đem các quỹ đất công ở những quận nội thành bán đấu giá lấy tiền xây nhà ở xã hội giá rẻ bán cho công nhân.
Nhà nước cần duy trì gói tín dụng ưu đãi như gói 30.000 tỉ đồng vừa rồi để hỗ trợ cho doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để đầu tư nhà ở xã hội. Nhà nước cũng cần có hẳn quy hoạch về quỹ đất làm nhà ở xã hội như Bình Dương đã từng làm. Có như thế mới giảm được giá thành của nhà ở xã hội.
Ngoài ra, với chính sách của Nhà nước và được UBND TP.HCM tạo điều kiện, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tham gia đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên, nhà lưu trú công nhân để đáp ứng nhu cầu rộng lớn và đa dạng của người dân. Doanh nghiệp có thể coi đây là một hướng đầu tư phát triển bất động sản vừa có tính nhân văn, vừa vẫn đạt được hiệu quả kinh doanh, ông Châu nhận định.
Theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, dân số TP.HCM lên đến gần 13 triệu người, qua khảo sát có đến hơn 500.000 hộ chưa có nhà, hàng năm có thêm hơn 50.000 cặp kết hôn mới, có đến 81.000 hộ cần nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020.
Số lượng sinh viên tại thành phố khoảng hơn 100.000 người; chưa tính gần 3 triệu người nhập cư rất cần nhà ở tiện ích và an toàn hơn. Các ký túc xá và các khu lưu trú công nhân chỉ giải quyết chỗ ở được khoảng 13%, còn lại khoảng 87% nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người nhập cư là do các hộ gia đình, các cá nhân đầu tư các khu nhà trọ, phòng trọ, phần lớn không đủ tiện ích, không đảm bảo an toàn, an ninh.
Phan Diệu