Huy động gần 10 chuyên khoa để cứu bé trai 2 ngày tuổi thoát chết
Thông tin Y học - Ngày đăng : 14:36, 06/02/2017
Bé trai trên là con của một sản phụ ngụ tại TP.HCM. Theo người nhà của bé trai này, trong quá trình mang thai, người mẹ của bé khám đúng định kỳ, các bác sĩ không phát hiện điều gì bất thường ở thai nhi. Sau đó thai phụ này tìm đến 1 bệnh viện phụ sản ở TP.HCM để sinh. Bé sinh trong tình trạngđủ tháng và cân nặng được 2,5 kg. Tuy nhiên sau khi sinh, các bác sĩ phát hiện nhiều bướu máu lan tỏa khắp cơ thểbé; đặc biệt ở đùi phải của bé có một bướu máu khổng lồ đang to dần.
Tại đây, các bác sĩ còn phát hiện cháu bé bị giảm tiểu cầu, giảm các yếu tố đông máu rất nặng khiếncho bé bị liên tục bị chảy máu. Ngay lập tức các bác sĩ ở đây đã chuyển khẩn cấp bệnh nhân đến Bệnh viện Nhi đồng 1.
Ngày 6.2, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay bé trai này được chuyển đến bệnh viện trong đêm 1.2 (tức mùng 5 Tết). Ngay lập tức các bác sĩ đã phải sử dụng các chất để cầm máu cho bé như: tiểu cầu, huyết tương...
“Với tình trạng trên, nếu không xử lý nội khoa kịp thời thì những rối loạn hiện tại trong cơ thể bé sẽ gây tử vong”, bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm -Trưởng Khoa Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận định.
Bác sĩ Tâm cho biết ngay trong đêm mùng 5 Tết các bác sĩ đã khẩn cấp tìm nhóm máu phù hợp cho bé. Tuy nhiên vào thời điểm Tết việc tìm máu rất khó khăn do phải tìm máu phù hợp giữa mẹ và con để không xảy ra bất đồng; đồng thời phải là máu mới.
Các bác sĩ đã tìmkiếm nguồn máu khắp nơi, từ chính trong bệnh viện đến Bệnh viện Chợ Rẫy, ngân hàng máu, trung tâm truyền máu huyết học TP... để tìm ra được nguồn máu phù hợp truyền cho bé.
“Bình thường những bé khác tìm rất dễ nhưng đây là một bé sơ sinh mới sinh có 2 ngày tuổi nên khi tìm những sản phẩm máu phải phù hợp vừa nhóm máu của bé và nhóm máu của mẹ rất khó”, bác sĩ Tâm chia sẻ.
Theo bác sĩ Tâm dù bé đã được truyền các yếu tố cầm máu như: tiểu cầu, huyết tương nhưng vẫn không cầm được máu, khối bướu máu cứ lớn dần. “Khối bướu máu này giống như hồ chứa, toàn bộ máu cơ thể đều chứa vào bướu máu này nên máu trong người của bé bị thiếu”, bác sĩ Tâm nói.
Trước tình hình trên Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tổ chức một cuộc hội chẩn toàn bệnh viện với 9 chuyên khoa gồm (Hồi sức sơ sinh, phỏng tạo hình bướu máu, ngoại thần kinh, xét nghiệm, ngoại sơ sinh đơn vị can thiệp mạch máu, huyết học, chẩn đoán hình ảnh và khoa sơ sinh) để đưa ra phương án điều trị cho bé.
Bác sĩ Tâm cho hay ban đầu các bác sĩ dự tính phẫu thuật thông tim, thông mạch máu với mục đích là bít các mạch máu đang nuôi bướu máu. Tuy nhiên đơn vị can thiệp mạch máu đã không bít được hết các mạch máu đang nuôi bướu máu nên bệnh nhân tiếp tục được phẫu thuật khối bướu để can thiệp.
“Ngày 3.2 (tức mùng 7 Tết) chúng tôi tiến hành phẫu cho bé. Sau gần 4 tiếng đồng hồ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy được tận gốc toàn bộ khối bướu. Trong sáng nay (6.2), sau 3 ngày phẫu thuật tình trạng chảy máu của bé đã hoàn toàn chấm dứt (không phải truyền thêm máu, chất cầm máu), các chỉ số rối loạn đã được cải thiện...”, bác sĩ Tâm cho biết.
Tuy nhiên, điều mà bác sĩ Tâm lo lắng là tình trạng xuất huyết não của bé. “Ban đầu khi phát hiện cháu bé bị xuất huyết não nặng, chúng tôi nghĩ có thể bé có thêm bướu máu trên đầu nhưng may mắn thay, khi xét nghiệm lại thì đó là do việc rối loạn xuất huyết máu trước đó gây ra. Hiện chúng tôi đang tiếp tục theo dõi sát tình trạng này”, bác sĩ Tâm nói.
Hồ Quang