Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, nỗi u hoài về thời gian đã mất...

Du lịch - Ngày đăng : 10:43, 04/02/2017

Ngọn tháp vuông thanh thoát đổ rêu cỏ lơ phơ. Hàng ngày, bóng hình ấy vẫn soi xuống mặt hồ phẳng lặng như một Le Penseur – kẻ suy tư trong một cảnh giới đổi thay nhanh chóng Thay cho vẻ cổ kính, ấm cúng và thanh thoát năm xưa là nỗi u hoài sâu thẳm về thời gian đã mất, vẻ khắc khoải về chính thân phận mình!

Sự xuất hiện của ngôi trường Grand Lyée Yersin vừa đánh dấu một khúc quanh của kiến trúc Đà Lạt từ thời mới sáng lập qua thời phát triển thịnh vượng, đồng thời cũng là khúc quanh biến đổi từ đô thị thuần túy nghỉ dưỡng sang một đô thị giáo dục lý tưởng.

Công trình được xây dựng trong khoảng từ năm 1929 đến 1941. Đặt trong bối cảnh quy hoạch thành phố Đà Lạt, đây là quãng thời gian vắt qua hai bản quy hoạch quan trọng, kiến tạo nên những giá trị di sản kiến trúc của thành phố này về sau: đề án quy hoạch của Ernest Hébrard (1922-1933) và bản đồ án chỉnh trang thành phố của Louis Georges Pineau (1933-1940).

Cũng cần nhớ lại, đầu thập niên 1930, cuộc đại khủng hoảng xảy ra, bản đề án vẽ ra viễn cảnh một thành phố nghỉ dưỡngsinh thái trên núi của Ernest Hébrard bị đem ra xét lại, cho là xa hoa và tốn kém, thế nhưng công trình trường học lý tưởng cho con em da trắng ở trên toàn cõi Đông Dương và con em bản xứ thượng lưu có tên Grand Lycée Yersin thì vẫn được tiến hành một cách thông suốt. Gạch đỏ, ngói thạch bản xanh đen… được vận chuyển từ Pháp, châu Âu sang, đầy tốn kém và công phu.

Hình ảnh trường Grand Lycée Yersin chụp từ trên không năm 1940

Ảnh đặc tả công trình của kiến trúc sư Moncet hoàn thiện vào đầu thập niên 1940 cho thấy, đây là điểm nhấn, biểu tượng của thành phố miền cao nguyên. Dãy lớp học được xây uốn cong dài phía trước 77,18m, phía sau 89,8m, có ba tầng, với 24 phòng học, toát lên vẻ tao nhã và cổ kính, tháp chuông hình khối vuông thanh thoát cao 54m đã từng gợi nhớ đến hình ảnh tháp chuông tòa thị chính Stockholm. Eric T. Jennings, nhà nghiên cứu sử hậu thuộc địa đã nhận định về tính lặp lại này: “Sự giống nhau quả là đáng kinh ngạc. Sự song hành của phong cách Scandinavia và Bắc Âu được lặp lại nhiều lần. Suzanne Coussillan, người đã ở Đà Lạt vào năm 1946 kể lại rằng, nơi này gợi nhớ về Thụy Sỹ hay thậm chí Na Uy.

Năm 1976, tỉnh Lâm Đồng lấy công trình này làm cơ sở đào tạo giáo viên. Tỉnh Lâm Đồng thời bấy giờ còn đồng ý biến đây thành một “khu tập thể” nho nhỏ cho cán bộ, giảng viên, và đã xảy ra tình trạng cơi nới, sửa chữa, thay đổi công năng. Một số khu giảng đường biến thành chỗ lưu trú cho khách trong ngành giáo dục đến Đà Lạt công tác. Thậm chí, đã xảy ra tình trạng tự ý sang nhượng, sửa chữa các “căn hộ”. Lúc cao điểm, trong “khu tập thể” này từng có 30 hộ cán bộ sinh sống.

Cuối thập niên 1990, chương trình duy tu công trình kiến trúc trường Grand Lycée Yersin (dưới tên mới: Cao đẳng Sư Phạm Đà Lạt) diễn ra ở quy mô địa phương. Do thiếu kinh phí và tư vấn chuyên môn, nên đợt duy tu này được giới chuyên gia kiến trúc cho là thiếu bài bản, thậm chí làm biến dạng di sản. Ví dụ: thay lớp ngói đen (Ardoise) ở dãy nhà cong và nhà hiệu bộ bằng tole sơn xanh và ngói đỏ lợp nhà. Tính nguyên bản của công trình bị thay đổi qua thời gian. Mãi đến năm 2001, đây là công trình được công nhận là di tích kiến trúc quốc gia.

Nói chính xác hơn, trường Cao ĐẳngSư PhạmĐà Lạt là điểm nhấn đánh dấu cuộc du hành văn hóa kiến trúc châu Âu vào Đà Lạt một cách rõ rệt nhất. Một điểm đáng lưu ý, vào thời Pháp (trước 1954), trên ngôi tháp này có một chiếc đồng hồ hướng nhìn về phía hồ Xuân Hương, bên trong tháp có một quả chuông lớn báo điểm thời gian học hành, nghi lễ trọng đại. Nhưng về sau (cũng khó xác định thời gian), chiếc đồng hồ và quả chuông đều đã bị lấy mất. Tuy nhiên, ngọn tháp và hình ảnh ngôi trường mang dáng dấp kiến trúc châu Bắc Âu này vẫn đứng vững chi phối mọi điểm nhìn, hài hòa với khung cảnh núi đồi xứ lạnh cao nguyên và nhất là trở thành một biểu tượng lãng mạn và trí thức của thành phố trong tư cách đặc khu giáo dục vào khoảng thời gian hơn hai mươi năm, từ 1954 đến 1975, khi người Pháp đã rời đi khỏi Đông Dương.

Bởi được sinh ra trong một giai đoạn đặc biệt về quy hoạch, cả Ernest Hébrard lẫn Louis Georges Pineau, tuy có khác nhau về quan điểm về chức năng đô thị nhưng đồng nhất trong lối tư duy: nhận thấy địa hình đồi núi xứ Đà Lạt phù hợp để mang những mô hình kiến trúc châu Âu, tạo ra mạng lưới liên kết thu hút những nhân lực tinh hoa trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc châu Âu hỗ trợ, đã tạo ra một sự hô ứng rộng rãi. Ngôi trường, ngọn tháp Grand Lycée Yersin hẳn sẽ trở nên trơ trọi và lạc quẻ nếu trước đó Đà Lạt chưa từng có một “hệ” biệt thự, công thự theo phong cách Berghaus. Nó sẽ là công trình hãnhtiến nếu nhìn chếch sang bên kia hồ chưa từng có một đối trọng đầy xa hoa để thấy sự “cân bằng” khách sạn Lang-Bian Palace – và sẽ vô cùng lẻ loi nếu sau lưng chưa từng có một nhà ga xe lửa Dalat theo lối kiến trúc art-deco và dãy nhà Nha Địa Dư Quốc gia.

Đặt trong tổng thể các công trình kiến trúc công cộng và trong lược đồ phát triển đời sống tinh thần, nhân văn của Đà Lạt, không thể phủ định, trường Cao ĐẳngSư PhạmĐà Lạt là một di sản kiến trúc thuộc hình thái kiến trúc thuộc địa quý giá và quan trọng, giúp ta hiểu sâu hơn câu chuyện quy hoạch, đời sống nhân văn đô thị này trong quá khứ.


Nhưng sự thay đổi chức năng thành phố Đà Lạt từ 1975 (cụ thể, chuyển từ một đặc khu giáo dục sang khai thác du lịch đại chúng) đã ít nhiều làm thay đổi cách nhìn về biểu tượng thành phố. Cái tên Grand Lycée Yersin không còn (thay bằng trường Cao Đẳng Sư phạm Đà Lạt), nghĩa là cái mã văn hóa gắn với giá trị sáng lập đô thị, biểu tượng giáo dục phương Tây bị truất hữu. Sự đứt gãy văn hóa bắt đầu sâu xa đôi khi nằm phía sau một cuộc thay họ đổi tên. Và rồi điều này cũng sẽ giải thích cho việc chỉnh sửa, thay đổi công năng, cơi nới tùy tiện diễn ra trong hàng chục năm. Trong bối cảnh rộng hơn, là thành phố, công trình này đang đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm bởi những công trình sặc sỡ, những khối nhà thô kệch trong vòng bán kính 2km và xa hơn, sẽ là những dự án cao ốc sẽ mọc lên.

Ngọn tháp vuông thanh thoát đổ rêu cỏ lơ phơ. Hàng ngày, bóng hình ấy vẫn soi xuống mặt hồ phẳng lặng như một Le Penseur – kẻ suy tư trong một cảnh giới đổi thay nhanh chóng Thay cho vẻ cổ kính, ấm cúng và thanh thoát năm xưa là nỗi u hoài sâu thẳm về thời gian đã mất, vẻ khắc khoải về chính thân phận mình!

Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên/ Tạp chí Phái đẹp ELLE – Ảnh: Phan Quang

Elle