Nỗi sợ Tết của gái ‘ế’
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:10, 21/01/2017
Ngày họp mặt họ hàng trở thành... "ác mộng"
Dường như với nhiều người, câu cửa miệng hỏi thăm dành cho các cô gái độc thân luôn là bao giờ cưới, sao chưa mời mọi người ăn cỗ, khi nào được ăn kẹo mừng, sao không thấy đưa người yêu ra mắt?
Sự quan tâm quá mức cần thiết đôi khi hóa vô duyên này mang lại sự khó chịu cho nhiều bạn nữ. Cũng bởi thế, mùa Tết dù chưa tới đã trở nên... mất vị, bởi những câu hỏi khó trả lời này.
Các cô gái chưa có người yêu vẫn thường truyền nhau bộ bí kíp "Cách trả lời những câu hỏi ngày Tết". Thậm chí, những dịch vụ thuê người yêu về ra mắt, chiếc áo phông in chữ “Năm nay chưa lấy chồng, đừng hỏi!” hoặc huy hiệu: “Bao giờ lấy chồng sẽ báo” phục vụ “gái ế” tưởng như chỉ có trong truyện cười lại có thật.
Vài năm gần đây, giới trẻ rộ lên trào lưu du lịch ngày Tết. Không ít chàng trai, cô gái chọn "xách ba lô lên và đi" trong thời điểm sum họp gia đình.
Tết năm nay, Nguyễn Minh Trang (25 tuổi, nhân viên ngân hàng) được nghỉ 7 ngày và cô quyết định du lịch Đài Loan.
Cô thở dài khi kể về "ác mộng" ngày họp mặt họ hàng. Hàng loạt câu "tra hỏi" của cô, dì, chú, bác luôn khiến Minh Trang có cảm giác như chưa chồng là một cái tội. Thậm chí, người đã có bạn trai rồi sẽ bị "quay" với những câu hỏi: Bao giờ tổ chức, nhà kia đã mở lời chưa, hai đứa định chờ tới bao giờ?
Còn nếu F.A, bạn sẽ mang cảm giác mình là đứa già nua, ế chỏng chơ, thậm chí bị gọi là "quả bom nổ chậm", "chiếc quạt điện mùa đông để đâu cũng thấy vướng víu thừa thãi" hay "hàng tồn kho mất chìa khóa".
Ảnh mẫu áo có nội dung ngộ nghĩnh lan tràn trên mạng xã hội - Ảnh: Internet
Hạnh phúc của cô gái chỉ là đã lấy chồng?
Cùng tâm sự với Minh Trang là Trần Quỳnh Như (26 tuổi, giáo viên tiếng Anh). Vài năm trước, cô gái sinh năm 1991 thường viện cớ bận rộn hoặc tụ tập bạn bè để tránh những lời giục giã, hỏi thăm của người thân. Nhưng năm nay, hội bạn gái phần lớn đã gia nhập nhóm "các mẹ bỉm sữa" nên cô đành đi chơi xa.
"Không ai muốn dành những ngày nghỉ để nghe giới thiệu về những ứng cử viên xem mặt, kể về chuyện nhà hàng xóm đã con bồng cháu bế hay tư vấn, góp ý chuyện tình cảm cá nhân", Quỳnh Như nói.
Cô gái khẳng định lập gia đình là chuyện riêng của mỗi nhà. Cô tự cảm thấy mình chưa đủ trưởng thành để trở thành vợ, mẹ. Mối quan tâm hiện tại của Như là công việc, bố mẹ, và tận hưởng tuổi trẻ của mình.
Côcũng thắc mắc tại sao không ai hỏi mình mới từng này tuổi đã thành công thế, hay tại sao không hỏi lấy đâu ra động lực để làm việc như thế?
Minh Trang nhấn mạnh lấy chồng là chuyện quan trọng, không thể mắt nhắm mắt mở làm cho xong được.
"Mình hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống, công việc hiện tại. Đừng ai hỏi mình sắp lấy chồng chưa nữa. Ai thích thì cứ lấy đi. Kết hôn chứ có phải đi chợ mua thịt, mua rau đâu mà vội. Cứ từ từ, tình yêu sẽ đến", Minh Trang nêu quan điểm.
Cô gái này cho rằng đã qua rồi những ngày gái 27 đã bị gọi là "gái ế". Con gái ngày nay chủ động, tự do, suy nghĩ hiện đại và tự chủ trong suy nghĩ, hành động. Đừng dùng câu "Bao giờ lấy chồng" để khiến những cuộc gặp trở nên nặng nề với cả người nghe lẫn người hỏi.
Cũng đừng dùng cái danh "gái ế" đã gọi họ, bởi vì hạnh phúc của mỗi người sẽ đến vào những thời điểm khác nhau, nhân duyên sẽ đến thật tình cờ, theo cách tự nhiên nhất mà không cần cưỡng cầu.
Đối phó với những câu hỏi này ra sao?
Chúng ta biết người phương Tây rất kỵ với câu hỏi tuổi tác, chuyện cá nhân và lương bổng thì có lẽ câu hỏi này cũng đã đến lúc được liệt vào danh sách những câu hỏi “bị cấm sử dụng” tại Việt Nam.
Nếu cho rằng không có câu trả lời nào khiến họ hài lòng thì cách tốt nhất là không trả lời gì, cứ cười cho qua chuyện. Nếu đơn giản vậy thì thế giới đã không có chiến tranh. Càng im lặng, họ càng suy diễn và bạn sẽ là cô gái mà họ đã có trong tất cả các câu trả lời trên kia cộng lại.
Hãy hài hước: Tạm thời đây là cách hay nhất để đối phó với câu hỏi dạng này. Sự hài hước sẽ khiến người đối diện bớt quan tâm đến chủ đề mà họ muốn nhắm đến. Hơn nữa, câu hỏi này chỉ mang tính xã giao kiểu như hỏi cho có chuyện, giống như câu chúng ta vẫn hay hỏi nhau: “Dạo này khỏe không?” hoặc “Đang đi đâu đấy?” Người hỏi chỉ như một cái máy chứ chưa chắc đã muốn biết câu trả lời. Vậy nên bạn có trả lời: “Ừ, đang tính” hoặc “Đang sắp xếp”, người hỏi chưa chắc đã hỏi thêm.
Tuy nhiên, với những trường hợp hỏi dai dẳng và muốn thuyết giảng thêm về chuyện tình yêu, hôn nhân và gia đình, bạn phải có chiêu khác để đánh lạc hướng. Sau đây là một vài chiêu:
- “À, mọi thứ đã sẵn sàng rồi, mình chỉ đang đợi chú rể xuất hiện nữa thôi”.Câu trả lời chẳng đâu vào đâu này sẽ khiến người nghe ngay lập tức quên đi câu hỏi và cười xòa trước sự hài hước và lạc quan của bạn.
- “Ủa, hỏi làm gì vậy?”.Câu trả lời này dành cho những người không mấy thân quen, đúng kiểu hỏi cho có. Chẳng hạn, đó là cô bạn học cùng trường hồi cấp hai, cách lớp bạn hai dãy nhà vừa tình cờ gặp lại và cô nàng đang tỏ ra rất tự hào khi đã kịp lập gia đình từ khi mới học xong cấp ba và đã có hai đứa con kháu khỉnh. Hy vọng cô ấy sẽ hiểu câu trả lời của bạn và tự thấy mình hỏi một câu rất vô duyên và đang xía vào chuyện đời tư của người khác một cách không cần thiết.
Thu Thủy (Tổng hợp)