IEA: Giá dầu thế giới sẽ có nhiều biến động trong năm 2017
Quốc tế - Ngày đăng : 05:42, 16/01/2017
Giá dầu lửa trên thị trường thế giới có thể sẽ chịu nhiều biến động trong năm 2017 mặc dù khả năng thị trường có thể tái cân bằng trong nửa đầu năm là không hề nhỏ, đó là quan điểm được người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Fatih Birol, tuyên bố trước truyền thông vào ngày Chủ Nhật 15.1. Đây rõ ràng không phải là một dấu hiệu sáng sủa cho thị trường dầu thế giới trong những ngày đầu năm mới, khi mà IEA từ trước đến nay nổi tiếng là có cái nhìn lạc quan về sự trở lại của giá dầu; vì thế khi IEA tỏ ra bi quan thì tình hình thường là xấu. Theo vị giám đốc của IEA, diễn biến trên thị trường dầu thế giới tốt hay xấu sẽ tùy thuộc vào việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các nước xuất khẩu phi OPEC có thực hiện đúng cam kết cắt giảm sản lượng tại Vienna cuối tháng 11.2016 vừa qua hay không.
Phát biểu của giám đốc IEA, Fatih Birol, vào ngày Chủ Nhật 15.1 vừa qua được xem là một tín hiệu không mấy tươi sáng cho thị trường dầu thế giới trong năm mới 2017: “Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể chứng kiến một sự tái cân bằng trên thị trường trong nửa đầu năm nay cả về sản lượng lẫn giá cả. Nhưng tôi buộc phải thừa nhận rằng chúng ta đang bước vào một giai đoạn nhiều biến động khó dự báo trước của thị trường dầu toàn cầu”. Theo đó, nếu OPEC và các nước xuất khẩu dầu phi OPEC thực hiện đúng và nghiêm túc thỏa thuận cắt giảm sản lượng được thông qua tại Vienna cuối tháng 11 năm ngoái, thì khả năng thị trường tái cân bằng và giá dầu được vực dậy là rất lớn. Cụ thể, theo thỏa thuận Vienna, các nước OPEC sẽ phải cắt giảm mức sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ đầu năm 2017, còn các nước phi OPEC (như Nga, Oman, Mexico) sẽ phải cắt giảm khoảng 558.000 thùng/ngày.
Sự lo lắng của người đứng đầu IEA về việc thỏa thuận cắt giảm được tuân thủ nghiêm ngặt là có cơ sở, khi ngay cả những người lạc quan nhất cũng không dám chắc về điều đó. Tổng thư ký OPEC, Mohammed Barkindo, ngay trong bài phát biểu thể hiện sự lạc quan của mình cũng không phủ nhận việc thỏa thuận cắt giảm sản lượng có thể sẽ bị vi phạm: “Tôi vẫn tin rằng quyết định mang tính lịch sử và bước ngoặt này sẽ được thực hiện đầy đủ”.
Đó là điều dễ hiểu nếu nhìn lại việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng trước đó giữa OPEC và các nước xuất khẩu phi OPEC vào thời điểm năm 2009. Trong suốt một năm sau khi thỏa thuận được thông qua vào năm 2009, các nước cả OPEC lẫn phi OPEC đều chỉ thực hiện cắt giảm khoảng 60% mức sản lượng quy định mà thôi, sau đó nó được đẩy lên mức 80% và chưa bao giờ cắt giảm đúng 100% mức quy định. Cụ thể, ngoài Ả Rập Saudi và một số nước OPEC thuộc vùng vịnh nghiêm túc cắt giảm 100% sản lượng quy định, hầu hết các nước còn lại thì không. Venezuela chỉ thực hiện cắt giảm khoảng 69%, Angola và Iran là 50%.
Thỏa thuận cắt giảm tại Vienna lần này cũng không phải là ngoại lệ. Nhà tư vấn Daniel Gerber của Petro-Logistics cho biết: “Chúng ta sẽ thấy rằng thỏa thuận lần này sẽ chỉ được tuân thủ khoảng 60-70% mức sản lượng quy định mà thôi”. Một đại diện giấu tên của OPEC phát biểu với hãng tin Reuters: “Thông thường với OPEC, tuân thủ 80% mức thỏa thuận quy định được xem là tốt”. Thông tin cho hay, trong những ngày đầu năm 2017 mới chỉ có duy nhất Nga giảm sản lượng khoảng 100.000 thùng/ngày.
Việc thỏa thuận Vienna có thể không được OPEC và các nước xuất khẩu phi OPEC thực hiện nghiêm túc có thể khiến giá dầu sẽ khó quay trở lại mức được kỳ vọng trong năm 2017. Tính đến thời điểm hiện tại, giá dầu vẫn đang chỉ dao động quanh mức khá khiêm tốn là 55 USD/thùng (giá dầu hiện đang ở mức 56 USD/thùng), thấp hơn nhiều so với dự đoán và giảm khoảng 3% trong tuần vừa qua. Hơn thế nữa, những yếu tố tác động tiêu cực tới giá dầu có thể xảy ra trong năm 2017 thì lại đang ngày càng nhiều. Ngoài việc thỏa thuận cắt giảm sản lượng Vienna có thể không được thực hiện nghiêm túc, thì giá dầu cũng đang bị đe dọa bởi sức khỏe của kinh tế Trung Quốc – nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới. Theo báo cáo mới nhất, xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2016 đã có đợt sụt giảm mạnh nhất từ năm 2009 và có thể ảnh hưởng rất xấu đến nhu cầu nhập khẩu dầu của nước này. Chưa kể, việc giá dầu trên thị trường thế giới có đà tăng trở lại cũng đang khiến Trung Quốc xem xét tăng sản lượng khai thác trở lại.
Một yếu tố đáng chú ý khác có thể tác động xấu tới giá dầu thế giới trong năm 2017 là sự quay trở lại của ngành dầu đá phiến Mỹ. Giám đốc IEA, Fatih Birol, cho biết: “Tôi cho rằng khả năng quay trở lại của dầu đá phiến Mỹ trong năm 2017 là rất cao”. Quả thực, theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, thì mức sản lượng dầu thô khai thác ở nước này trong tuần vừa qua đã đạt tổng cộng 8.950.000 thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 4.2016. Đây là điều đã được dự đoán từ trước, khi giá dầu trên thị trường tăng trên 55 USD/thùng là đủ để các công ty dầu phiến Mỹ hoạt động trở lại. Tất cả những điều này có thể khiến cho tổng cung trên thị trường tăng vọt trước khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC tại Vienna có kết quả, và một lần nữa đẩy giá dầu xuống thấp hơn 50 USD/thùng.
Nhàn Đàm (theo Reuters)