Thi nhau báo lãi, ngân hàng nào đứng số 1?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 07:05, 11/01/2017
Đầu tiên phải kể tới Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - đơn vị công bố kết quả kinh doanh năm 2016 với kết quả lợi nhuậnkỷ lục từ trước đến nay, sau 2 năm tập trung dồn lực trích lập dự phòng rủi ro và xử lý vấn đề nợ xấu.
Cụ thể, năm 2016, lợi nhuận trước thuế trước dự phòng của ngân hàng đạt tới 14.605 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Dự phòng rủi ro đã trích 6.392 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng theo đó đạt tới 8.212 tỉ đồng, tăng 23,4% so cùng kỳ, đạt 102,7% kế hoạch năm 2016.
Với kết quả trên, các chỉ số sinh lời ROA và ROE của Vietcombank ở mức cao, tương ứng 0,9% và 14,2%.
Nếu xét về con số tuyệt đối, lợi nhuận Vietcombank có thể sẽ dẫn đầu toàn hệ thống ngân hàng năm 2016 dù quy mô vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu và tổng tài sản thấp hơn nhiều so với các ngân hàng như: Agribank, VietinBank và BIDV.
Vừa tổ chức Hội nghị tổng kếthoạt động kinh doanh năm 2016 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2017, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) thông báo năm 2016, lợi nhuận ước tính đạt 8.250 tỉ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch đại hội đồng cổ đông, tỷ suất sinh lời ROAvà ROElần lượt là 1% và10,9%.
Trong năm 2016, tổng tài sản hợp nhất của VietinBank ước đạt 947.000tỉ đồng, tăng 22% so với năm 2015 và đạt 107% kế hoạch đại hội đồng cổ đông. Tổng nguồn vốn huy động ước đạt 862.000tỉ đồng, tăng 21% so với năm 2015 và đạt 106% kế hoạch đại hội đồng cổ đông.
Trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng này đạt 720.000tỉ đồng, tăng 18% so với năm 2015, hoàn thành kế hoạch đề ra. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích đạt tốc độ tăng trưởng 22,4%, cao hơn tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank ở dưới 1%.
Kém khởi sắc hơn 2 ngân hàng trên, song năm 2016 Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vẫn thông báo lãi. Cụ thể, kết thúc năm 2016, lợi nhuận trước thuế của đơn vị đạt 7.507 tỉ đồng, tăng 7% so với năm 2015.
Tổng tài sản của BIDV hiện ở mức 1.007.335 tỉ đồng, tăng trưởng 17,5% so với năm 2015, chiếm 14% tổng tài sản toàn ngành ngân hàng. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 935.600 tỉ đồng.
Nằm trong danh sách doanh nghiệp thoái vốn nhà nước giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bốnăm 2016, ngân hàng đã đạt mức lãi cao nhất từtrước tới nay với 4.000 tỉ đồng, nợ xấu về dưới mức 3%.
So với 3 ngân hàng ở trên, mức lợi nhuận của Agribank có phần khiêm tốn hơn. Song không thể phủ nhận, năm qua đơn vị này đã hoạt động có lãi và đang cải tiến theo chiều hướng tích cực.
Ngoài kết quả kinh doanh của những ngân hàng có vốn nhà nước, một số ngân hàng thương mại nhưNgân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế đạt 707 tỉ đồng, tăng 12,93% so với năm 2015, vượt 1,7% kế hoạch năm.
HoặcNgân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng công bố đạt lợi nhuận trước dự phòng 1.300 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 702 tỉ đồng, đạt 104% so với kế hoạch, cao hơn 7% so với năm 2015.
Theo đánh giá của các chuyên gia, bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng năm 2016 cho thấy chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao, đặc biệt là trích lập dự phòng cho những khoản nợ xấu cũ, theo đó đã tạo điều kiện cho ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng tăng cường các hoạt động cho vay vốn đối với nền kinh tế, đồng thời tích cực gia tăng các tiện ích cho khách hàng.
Trong năm 2017, nhiều triển vọng cho thấy ngành ngân hàng sẽ có nhiều tín hiệu tích cực hơn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết sẽ thực hiện tái cơ cấu ngân hàng quyết liệt hơn, đặc biệt cần có khuôn khổ pháp lý để xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ kiên quyết và mạnh dạn kiến nghị đưa thêm các quy định vào luật nhằm khắt khe, chặt chẽ hơn vấn đề sở hữu cổ phần ngân hàng.
Tuyết Nhung