‘Cuộc chiến’ quê nội – quê ngoại ngày Tết
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:29, 21/01/2017
“Chiến tranh lạnh” kéo dài đến giữa năm
Đó là trường hợp của chị Mai, quê ở Hà Giang. Chị vào Sài Gòn lập nghiệp và lấy chồng miền Tây, tỉnh Vĩnh Long. Chồng là con một nên mặc dù không phải làm dâu do công việc hai đứa chỉ có thể phát triển ở TP.HCM nhưng ba mẹ chồng quy định đi đâu thì đi, miễn là phải về nhà trong dịp Tết.
3 năm đầu, chị Mai tăm tắp nghe theo, cùng với sự động viên của ba mẹ ruột ở nhà, Mai cũng phần nào nguôi ngoai mà yên tâm ăn tết bên gia đình chồng. Nhưng đến năm thứ 4, mẹ Mai sức khỏe không tốt nên Mai xin ba mẹ chồng để Tết được về với gia đình. Mẹ chồng đồng ý. Mai vui mừng chuẩn bị từ vài tháng trước tết, mua vé máy bay cho cả nhà, rồi quà cáp, thuốc bổ cho ba mẹ. Mọi thứ đâu vào đấy thì chồng thông báo không về được, lý do có chị Hai từ Mỹ về ăn tết với ba mẹ, cả gần chục năm rồi chị Hai không về, chẳng lẽ mình lại bỏ đi nguyên cái tết coi sao được.
Chồng nói không phải là không hợp lý nhưng Mai nghe xong vẫn ứa nước mắt. Nhiều lần lấy điện thoại gọi báo cho mẹ biết không về được, nhưng cứ nhấc máy lên là bao nhiêu ngôn từ bị chặn lại. Nhất là khi nghe mẹ dặn dò từng chi tiết vì sợ mấy đứa nhỏ sống trong miền Nam quen, ra ngoài quê thay đổi nhiệt độ đột ngột lại bệnh. Rồi mẹ hỏi thích ăn gì, chồng Mai thích ăn gì, mấy đứa nhỏ nữa… để mẹ chuẩn bị cho tươm tất. Mẹ cứ luýnh quýnh như ngày mai đã là tết. Vậy nên Mai chẳng đành lòng báo với mẹ là không về được.
Thế là cuối cùng Mai quyết định dẫn đứa nhỏ về quê ngoại, còn đứa lớn về quê nội với ba nó. Suốt hơn 1 tuần cận tết, chồng Mai không nói với cô câu nào. Mai cũng thấy khó chịu vì tại sao chồng không thông cảm cho Mai, trong khi cô đã ăn tết bên nhà nội suốt 3 năm qua, chưa kể, mẹ Mai sức khỏe không được tốt.
Là người con như Mai, đi biền biệt 4 năm mới về, làm sao không khỏi day dứt với đấng sinh thành. Đúng ra chồng Mai phải hiểu điều đó mà ủng hộ cô mới đúng. Về quê một mình, người hiểu chuyện thì không nói, người không hiểu chuyện sẽ xì xầm như thế nào, nhất là ở miền quê của cô nữa. Càng nghĩ Mai càng thấy ấm ức nên cũng không có ý định làm hòa.
Có vậy thôi mà hai vợ chồng “chiến tranh lạnh” đến gần giữa năm, không ít lần ý định ly hôn le lói trong đầu Mai. Sau nghĩ đến 2 đứa con đành thôi.
Bây giờ cứ tết đến là Mai thấy ngán ngẩm hơn là mong chờ. Nhiều lúc cứ muốn bỏ tất cả về bên ba mẹ như ngày chưa lấy chồng nhưng chẳng thể nói bỏ là bỏ.
Làm sao để ổn thỏa đôi bên?
Ngày nay, những xích mích ở các cặp vợ chồng trẻ trong “cuộc chiến” ăn tết bên nội hay bên ngoại không còn hiếm gặp. Hầu hết những cặp vợ chồng lập nghiệp ở xa gia đình đều gặp phải. Với những gia đình đông con thì còn đỡ, những gia đình chỉ có một con thì trở thành vấn đề rất đau đầu cho cả hai.
Trong chương trình truyền hình Bạn muốn hẹn hò, một trong những yêu cầu bạn gái đưa ra có cả vấn đề này. Nghe có vẻ hơi quá sớm trong một mối quan hệ đang ở thời điểm hẹn hò nhưng không phải là thừa. Thông qua chi tiết tưởng là không liên quan như vậy, cô gái có thể hiểu hơn về người con trai mình có ý định hẹn hò. Nếu cuộc tình may mắn có thể đến được với nhau thì “bên ngoại” cũng yên tâm vì con mình không đi biền biệt sau khi lấy chồng.
Là một người có kinh nghiệm giải quyết trường hợp này, chị Quyên (Q.4) chia sẻ: “Mình tuy lấy chồng xa nhưng năm nào cũng được ăn tết cùng gia đình. Một phần do ông xã thông cảm, với lại bên nội, bên ngoại đều thương hai vợ chồng nên sẵn sàng chia đôi thời gian ăn tết để hai vợ chồng có thể tham gia cả hai bên. Có năm mình ăn tết bên nội đến mùng 3 thì về bên ngoại ăn tết hết những ngày nghỉ còn lại. Thấy vui vẻ cả đôi bên”.
Chị Xuân (Bình Dương) thì có tư tưởng “Tây hóa”, chị hồ hởi bảo: “Việc gì cứ phải dắt díu nhau về bên nội hay bên ngoại, rồi cãi vã nhau cho mệt. Nhà ai người ấy về là khỏe nhất. Ông xã mình cũng không thân thiết với bên ngoại, giống như mình, không thật sự thoải mái khi ở bên nội, vậy thì tại sao phải ép uổng nhau. Cứ nhà ai nấy về cho thoải mái. Dù sao, tết cũng là để sum họp, vui chơi chứ không phải gây khó dễ cho nhau.
Đành rằng như vậy nhưng Tết Nguyên đán vẫn mang một ý nghĩa đặc biệt trong lòng người Việt. Là thời khắc thiêng liêng mà mỗi người chỉ muốn được ở bên cạnh người mình thương yêu. Nhưng không vì vậy mà bất chấp với những lý do vắng mặt chính đáng khác, dẫn đến không khí mất vui.
Mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng bất cứ khó khăn nào cũng có cách giải quyết, chỉ cần cả hai vợ chồng cùng ngồi lại bàn tính sao cho phù hợp đôi bên, tránh gây ấm ức cho bất cứ bên nào để gia đình có một cái tết trọn vẹn nhất.
Hoài Anh