Năm 2017, người chuyển giới chờ chuyển giấy
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:41, 01/01/2017
Thân "con gái", giấy tờ "con trai"
Ngày nay, số người chuyển đổi giới tính (CĐGT) khác với giới tính bẩm sinh của mình không còn là chuyện lạ. Nhưng cùng với việc này là sự bất tiện cho chính bản thân những người CĐGT.
Anh Đặng Thanh Huân (39 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) năm 2005 đã phẫu thuật CĐGT thành nữ với cái tên thường gọi là Tuyết Sài Gòn. Cũng như bao người CĐGT khác, mong muốn lớn nhất của cuộc đời "chị" là được thay đổi toàn bộ giấy tờ để phù hợp với đúng "ngoại hình" của mình.
"Chị" Tuyết tâm sự: “Tôi biết người CĐGT giờ đây đã được pháp luật thừa nhận nhưng trước đây và ngay cả bây giờ, làm việc gì liên quan đến giấy tờ cũng rất khó khăn, nhất là mỗi lần tôi ra sân bay, an ninh hàng không kiểm tra rất kỹ, hay là mỗi khi đến ngân hàng, tôi phải thuyết phục mất rất nhiều thời gian để đối chiếu giấy tờ”.
Từng đại diện cho VN tham dự hội nghị giữa các nước trên thế giới về vấn đề chuyển giới năm 2014, anh Nguyễn Hữu Toàn (30 tuổi, Q.Bình Tân, TP.HCM) đã chuyển giới hoàn toàn thành con gái và mọi người thường gọi tên là "chị" Jessica.
Vượt qua tất cả những dị nghị từ người thân, bạn bè, xã hội để hòa nhập cộng đồng, điều mà Jessica mong đợi nhất là những giấy tờ liên quan như: giấy khai sinh, CMND, hộ khẩu…
"Chị" cho biết: “Sống thật với chính mình là một chuyện nhưng để công nhận trên giấy tờ cá nhân lại là chuyện khác. Khi biết luật được thông qua, tôi rất mừng nhưng niềm vui đó chỉ mới một nửa. Nguyện vọng lớn nhất đời tôi là được làm lại giấy tờ nên tôi luôn mong đợi đến ngày đó. Có lẽ nếu làm được giấy tờ, đó là niềm vui trọn vẹn không chỉ riêng tôi mà cho tất cả những ai đã chuyển giới”.
Cách đây 16 năm, Cindy Thái Tài (tên thật Nguyễn Thái Tài, ngụ Q.Phú Nhuận) là một trong những người công khai CĐGT đầu tiên ở VN. “Chị” là diễn viên, ca sĩ nổi tiếng và khá quen thuộc với công chúng. Cindy Thái Tài cho biết: “Vì ngoại hình khác hoàn toàn với giấy tờ, nên tôi có muốn lập gia đình cũng không làm giấy kết hôn được. Nhiều lúc buồn muốn nhận con nuôi, làm thủ tục lại không được. Bao nhiêu năm rồi tôi cũng mong đợi được thay đổi về giấy tờ, để mình có được các quyền như bao công dân khác”.
Còn phải chờ
Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực - Bộ Tư pháp cho biết, bộ luật Dân sự sửa đổi có hiệu lực từ 1.1.2017, nhưng khi chưa có luật CĐGT thì vẫn chưa thể làm gì được, quyền CĐGT của người CĐGT vẫn tạm bị "treo" lại. Theo ông Khanh, việc xác định lại giới tính chỉ được thực hiện sau khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì các cơ quan đăng ký hộ tịch mới có thể cải chính lại hộ tịch theo quy định. Trường hợp này, người CĐGT sẽ thực hiện việc thay đổi hộ tịch bình thường theo luật Hộ tịch, trong đó có việc sửa đổi lại các giấy tờ cho đúng với giới tính, tên tuổi của mình, có các quyền về nhân thân, tài sản như người bình thường.
Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ Y tế tham gia xây dựng luật CĐGT. Theo đó, Bộ Y tế chủ trì nghiên cứu xây dựng các quy định về điều kiện của những người CĐGT; điều kiện và thẩm quyền của các cơ sở y tế, điều kiện của người thực hiện phẫu thuật CĐGT; các quyền và nghĩa vụ của người sau khi CĐGT... Ông Hải cho biết theo nguyên tắc thì người CĐGT có các quyền về nhân thân và tài sản mới theo quy định. Ông Hải cũng thông tin thêm, luật CĐGT đang được xây dựng, dự kiến năm 2018 sẽ trình Quốc hội.
Điều 37, bộ luật Dân sự sửa đổi 2015 quy định: "Việc CĐGT được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã CĐGT có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan".
Theo Hải Nam - Thảo Thương (Thanh Niên)