Giá thực phẩm tăng mạnh theo Tết
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:04, 30/12/2016
Tại các tỉnh Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, giá tôm nguyên liệu trong tháng 12 giữ ở mức cao do nguồn cung ít và nhu cầu thu mua của các nhà máy chế biến xuất khẩu cao. Vì vậy, giá tôm trên thị trường đang tăng cao.
Tại Bạc Liêu, giá tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg hiện ở mức 218.000 đồng/kg; tôm sú cỡ 40 con/kg tăng ở mức 180.000 đồng/kg. Tôm thẻ cỡ 50 con/kg tăng 4.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng trước lên 138.000 đồng/kg, còn tôm thẻ cỡ 60 con/kg tăng 3.000 đồng/kg lên 133.000 đồng/kg. Tại Kiên Giang, giá tôm sú loại 30 con/kg duy trì ổn định ở mức 195.000 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, nguồn hàng khan hiếm, tình hình xuất khẩu cuối năm khởi sắc đã đẩy giá tôm nguyên liệu lên mức khá cao. Năm 2016 được đánh giá là năm có nhiều khó khăn với người nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngành tôm năm 2016 đối mặt với rất nhiều áp lực từ thời tiết bất lợi, xâm nhập mặn, khan hiếm nguyên liệu và dịch bệnh tái xuất hiện. Tuy nhiên, nhờ có sự đầu tư mạnh mẽ và đổi mới công nghệ, thị trường tôm vẫn biến động ổn định tăng với nguồn xuất khẩu lớn.
Tại các chợ bán lẻ ở TP.HCM, giá tôm cũng tăng mạnh. Bên cạnh giá tôm tăng thì thịt bò, thịt gia cầm và các loại hải sản khác cũng đang tăng giá khi dịp tết cận kề. Đơn cử, giá cá chép phổ biến 65.000- 80.000 đồng/kg; cá lóc phổ biến 117.000-125.000 đồng/kg, tăng nhẹ so với tháng trước.
Trong khi đó, giá bò thăn phổ biến ở mức khoảng 260.000 - 270.000 đồng/kg. Thịt gà ta làm sẵn có kiểm dịch giá phổ biến ở mức 100.000- 120.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp làm sẵn ổn định ở mức 60.000-70.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 – 10.000 đồng/kg.
Giá gia cầm trong tháng này cũng có nhiều biến động trái chiều. Tại Đồng Nai, giá thu mua gà công nghiệp lông màu tăng 8.000 – 9.000 đồng/kg so với tháng trước do nguồn cung giảm, nhu cầu tiêu thụ tăng. Hiện tại, giá mua sỉ đạt khoảng 43.000 – 44.000 đồng/kg. Tương tự, giá thu mua gà trống ta hơi tại Vĩnh Long, Đồng Nai, An Giang tiếp tục duy trì các mức giá lần lượt là 75.000 đồng/kg; 65.000 – 70.000 đồng/kg và 90.000 đồng/kg dành cho bán buôn.
Đối với sản phẩm thịt gà, năm 2016 được xem là năm chăn nuôi gà ta có nhiều lợi thế cạnh tranh về thị trường hơn so với gà công nghiệp. Gà ta đang có dấu hiệu tăng giá vì cung không đủ cầu. Giá gà công nghiệp lông màu cũng liên tục giảm qua các tháng đầu năm nhưng sau đó lại có dấu hiệu hồi phục do nguồn cung tạm thời giảm, đẩy giá tăng lên vào dịp cuối năm.
Về trái cây, tăng giá mạnh nhất là mặt hàng sầu riêng. Giá sầu riêng nghịch mùa đang ở mức cao. Cụ thể, giá sầu riêng monthong ở mức từ 70.000 - 75.000 đồng/kg, sầu riêng Ri6 khoảng 65.000 đồng/kg trong khi sầu riêng chính vụ chỉ từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Cùng thời điểm này năm ngoái giá sầu riêng cũng ở mức trên dưới 80.000 đồng/kg nhưng sản lượng gấp đôi năm nay.
Quýt đường cũng tăng giá mạnh. Tại chợ đầu mối Thủ Đức, giá quýt đường bán sỉ từ 22.000 đồng/kg, nay tăng lên 25.000 đồng/kg. Bưởi 5 roi cũng từ 23.000 đồng/kg tăng lên 25.000 đồng/kg. Tại các chợ nhỏ lẻ, giá quýt đường giao động từ 40.000 – 50.000 đồng/kg. Bưởi 5 roi được bán với giá 35.000 đồng/kg.
Nhìn lại cả năm 2016, thị trường trái cây khá sôi động với khối lượng xuất khẩu và tiêu thụ lớn trong và ngoài nước, đặc biệt là mặt hàng chuối, sầu riêng, xoài, thanh long….Thế nhưng, thị trường trái cây đa phần vẫn phụ thuộc và các thương lái Trung Quốc nên biến động thất thường.
Đối với mặt hàng rau củ, thị trường cũng biến động tăng mạnh do tác động của bão, mưa tại một số vùng miền Trung, Nam khiến nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu lại tăng mạnh.
Theo các tiểu thương, nguyên nhân khiến giá thực phẩm tăng cao trong thời gian này là do xăng tăng giá mạnh kéo theo phí vận chuyển cũng từ đó mà “ăn theo”. Chưa kể, tết đang cận kề, nhu cầu mua thực phẩm tăng cao trong khi nguồn cung không thay đổi cũng là nguyên nhân khiến giá thực phẩm tăng.
Mặc dù giá bán tại các chợ nhỏ, lẻ tại TP.HCM tăng giá, thế nhưng tại các siêu thị, giá bán thực phẩm do được niêm yết giá từ trước nên không có nhiều thay đổi đáng kể, có tăng thì chỉ tăng ở mức nhẹ.
Đáng chú ý, không chỉ thực phẩm tăng giá, một số quán ăn nhỏ tại TP.HCM cũng rục rịch tăng giá theo. Một số quán phở, cơm, hủ tiếu ở quận 7, Thủ Đức, quận 2... đã tăng từ 2.000 đồng – 3.000 đồng/1 phần so với một tháng trước. Các chủ quán nói rằng thực phẩm đầu vào đang tăng giá mạnh cộng với phí vận chuyển tăng liên tục nênbuộc chủ quán phải tăng giá để bù lỗ.
Phan Diệu