Bác sĩ gây mê cùng bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 21:10, 26/12/2016
Để xác định nguyên nhân 2 bệnh nhân bị tử vong, cần thiết lập Hội đồng chuyên môn giải phẫu tử thi làm rõ, đồng thời các bác sĩ và phía bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tính mạng cho các nạn nhân.
Trao đổi với Báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng thông thường để đảm bảo an toàn, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân làm một số xét nghiệm tiền phẫu, khám chuyên khoa kiểm soát các bệnh mãn tính đi kèm để đảm bảo người bệnh luôn an toàn khi thực hiện phẫu thuật và tránh các rủi do xảy ra cũng như các biến chứng khác trong khi phẫu thuật. Quy trình khám trước gây mê tại các cơ sở y tế được thực hiện theo qui định tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư 13/2012/TT-BYT ngày 20.8.2012 của Bộ Y tế.
Để xảy ravụ việc vào sáng 25.12 ở Bệnh viện Đa khoa Trí Đức (219 Lê Duẩn, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)khiến hai bệnh nhân tử vong nghi do sốc phản vệ, theo luật sư Thơm, đây là sự cố y khoa nghiêm trọng tại bệnh viện đa khoa Trí Đức xảy ra trong quá trình gây mê bệnh nhân. Hoạt động về khám chữa bệnh đều có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người. Bộ luật hình sự 1999 cũng đã qui định rõ hành vi vi phạm các qui định về khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, các dịch vụ y tế mà gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe công dân sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, để xác định nguyên nhân 2 bệnh nhân bị tử vong, vị luật sư cho rằng cần thiết lập Hội đồng chuyên môn giải phẫu tử thi làm rõ. Kết luận của cơ quan chuyên môn sẽ là căn cứ xác định giải quyết vụ việc theo qui định của pháp luật.
“Nếu bác sĩ gây mê không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy trình được qui định tại Thông tư 13/2012/TT-BYT và các văn bản hướng dẫn thi hành là nguyên nhân dẫn tới 2 bệnh nhân tử vong thì bác sĩ đó sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 242 - Bộ luật hình sự 1999. Ngoài ra, các bác sĩ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tính mạng cho các nạn nhân”, luật sư Thơm phân tích.
Đồng thời, luật sư Thơm cũng nêu quan điểm: “Khi xảy ra hậu quả các bác sĩ gây mê đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức nên bệnh viện cũng phải có trách nhiệm bồi thường cho bệnh nhân theo qui định tại các Điều 604, 610 - Bộ luật dân sự năm 2005”.
Như đã đưa tin, hai bệnh nhân tử vong là anh Hoàng Văn Trấn (SN 1982) ở xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đến Bệnh viện Đa khoa Trí Đức cắt amidan và chị Quách Thị Mai Phương (SN 1979) là cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh vào Bệnh viện Đa khoa Trí Đức để tiểu phẫu thuật tuyến giáp. Sau khi hai người này được tiêm thuốc gây mê đã có biểu hiện sốc phản vệ như: khó thở, tụt huyết áp, trụy mạch, nhận thức lơ mơ…
Ngay khi có dấu hiệu sốc phản vệ, các bệnh nhân đã được cấp cứu tại chỗ vànhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Tuy nhiên, hai bệnh nhân này đã tử vong sau đó.
Điều 242. Tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác:
1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.