Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT giải trình trách nhiệm vụ Formosa
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:57, 21/12/2016
Ngày 21.12, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã kiểm tra Bộ TN-MT về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.
Từ đầu năm tới nay, Chính phủ, Thủ tướng đã giao cho Bộ 596 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 501 nhiệm vụ, còn lại 92 nhiệm vụ chưa hoàn thành (85 nhiệm vụ trong hạn và 7 nhiệm vụ quá hạn), đồng thời có 2 đề án được rút ra khỏi chương trình, 1 đề án được Thủ tướng giao lại Bộ Công Thương.
Theo bộ trưởng Mai Tiến Dũng, sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung là sự cố rất đáng tiếc, gây thiệt hại vô cùng lớn. Trong đó Hà Tĩnh, Quảng Bình là 2 trong 4 địa phương chịu thiệt hại nặng nhất và đã tiêu hủy toàn bộ số hải sản nhiễm độc, nhưng vẫn còn khoảng 3.700 tấn hải sản tồn kho tuy không nhiễm độc nhưng bảo quản đã lâu, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên một phần đã bị xuống cấp.
“Tổ công tác kiểm tra, thấy rất thương tâm, nhiều kho bảo quản không đủ -20 độ C, cá bầm dập, phân hủy, rất đáng tiếc. Thủ tướng đã giao Bộ TN-MT kiểm tra, xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc cấp phép xả thải, đánh giá tác động môi trường dự án… Việc này đã làm đến đâu? Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu câu hỏi.
Ông Mai Tiến Dũng cũng nhắc lại, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, Bộ trưởng cũng hứa là yêu cầu kiểm tra, đánh giá, kiểm điểm nếu có vi phạm và công bố trước dư luận, báo chí. Thủ tướng đặt vấn đề, đề nghị Bộ trưởng báo cáo tiến độ công việc đến đâu rồi?
Giải đáp những vấn đề tổ công tác yêu cầu, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, ngay khi sự cố môi trường xảy ra, Bộ đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan. Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cử đoàn xuống xác định những dấu hiệu vi phạm. Bộ đang phối hợp và sẽ căn cứ vào kết luận của Ủy Ban Kiểm tra, Bộ Chính trị để xử lý và sẽ thực hiện đầy đủ quy trình theo quy định của pháp luật.
Tại cuộc làm việc này, tổ công tác cũng nhấn mạnh rằng phải đặt vấn đề phát triển bền vững lên hàng đầu, không kêu gọi đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổibất cứ thứ gì lấy môi trường. Tuy nhiên, gần đây có nhiều hiện tượng như cá chết ở nhiều nơi, ô nhiễm tại các làng nghề, cụm công nghiệp, vấn đề xả thải tại các dự án…
“Thủ tướng cho rằng đây là việc cần làm lâu dài, nhưng trong các vấn đề trên phải có thái độ rất sớm của cơ quan quản lý. Quá trình cấp phép đúng quy trình nhưng quan trọng là hiệu quả của quy trình đó thế nào, cần xem xét nghiêm túc”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Bộ đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 336 doanh nghiệp có nguồn xả thải từ 500m3/ngày trở lên và đang hoàn thiện kết luận để báo cáo Thủ tướng. Trong đó sẽ kiến nghị một số giải pháp để có lộ trình giải quyết phù hợp, bởi vì nếu thực hiện nghiêm theo luật thì 90% doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng thừa nhận, tại các cụm công nghiệp, chất thải đang được xả trực tiếp ra môi trường và đây là vấn đề hết sức nhức nhối.
Tổ công tác của Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TN-MT quan tâm tới vấn đề chính sách đất đai, quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là vấn đề tích tụ ruộng đất.
“Chúng ta không thể tiến hành công nghiệp hóa, không thể có nông nghiệp công nghệ cao nếu diện tích đất đai nhỏ lẻ, manh mún. Bộ cần sớm đề xuất cơ chế, chính sách cho vấn đề này” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Cùng với đó, tổ công tác cũng nhấn mạnh việc quản lý tài nguyên khoáng sản phải công khai, minh bạch hơn nữa, tránh gây thất thoát ngân sách; khắc phục tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông, gây sụt lở, ảnh hưởng tới đời sống người dân; thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lũ… diễn biến rất phức tạp…
Hoàng Long