Biển quảng cáo trên tuyến đường kiểu mẫu không còn ‘mặc đồng phục’
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:41, 17/12/2016
Tuyến đường Lê Trọng Tấn dài khoảng 1,5km (nối từ nút giao Tôn Thất Tùng đến sông Lừ), quận Thanh Xuân, Hà Nội chính thức được thông xe vào ngày 7.5.2016. Ngoài việc là tuyến đường kiểu mẫu của Hà Nội, con đường này còn thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân bởi các tấm biển quảng cáo tại đây đều tăm tắp, tương đồng về kích thước và màu sắc.
Cụ thể, các biển quảng cáo ở mặt phố được sơn với 2 màu xanh dương và đỏ tươi, chiều cao trung bình so với mặt đất được cố định khoảng 3,2m - 3,3m, chiều cao bảng biển là 1,1m. Kinh phí lắp đặt biển quảng cáo theo kiểu mới được Thành phố Hà Nội tài trợ. Hình thức biển quảng cáo này ngay lập tức trở thành chủ đề tranh cãi của nhiều người dân.
Theo chính quyền quận Thanh Xuân, tuyến đường kiểu mẫu này cần có sự đồng bộ, hài hòa về màu sắc của hệ thống biển hiệu với màu sơn của nhà dân, hệ thống cây xanh hai bên đường, hệ thống đèn led chiếu sáng và thuận tiện cho việc kinh doanh của các hộ dân, tạo nên vẻ đẹp thống nhất trên toàn tuyến đường.
Tuy nhiên, đi vào hoạt động chưa lâu, hàng loạt cửa hàng kinh doanh trên tuyến phố này đã quyết định cải tiến biển quảng cáo của cửa hàng mình. Các chủ quán cho biết, nguyên nhân của việc này là do nhu cầu kinh doanh, các cửa hàng buộc phải thu hút khách hàng. Do vậy, biển quảng cáo phải bắt mắt, nổi bật, dễ nhận diện thì khách hàng mới ghé vào, nhất là khách hàng vãng lai.
Bên cạnh những cửa hàng thay đổi toàn bộ hình thức biển quảng cáo thì cũng có những cửa hàng vẫn để nguyên nhưng có thêm băng rôn, biển chỉ dẫn, đèn led để thu hút khách. Việc đa dạng hình thức biển quảng cáo khiến việc kinh doanh có phần hiệu quả hơn.
Một chủ cửa hàng cho rằng, vẫn biết chính quyền mong muốn có được một tuyến phố kiểu mẫu có hình thức đẹp, gọn gàng, quy củ… nhưng đồng bộ một kiểu biển quảng cáo thì khách hàng sẽ khó nhận diện thương hiệu hơn bởi nhiều thương hiệu có tông màu, logo khác với màu sắc quy định của biển quảng cáo.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới,họa sĩ, chuyên gia thương hiệu Phạm Xuân Hải cho rằngtuyến phố Lê Trọng Tấn, đây được coi là tuyến phố kiểu mẫu, có tầm nhìn rộng, thoáng nên xét về thị giác và mỹ quan thì không nhất thiết phải bó hẹp các biển quảng cáo theo một kiểu dáng, chất liệu hay màu sắc nhất định.
Chuyên gia cho biết, việc này cũng ảnh hưởng đến việc nhận diện thương hiệu của các doanh nghiệp, bởi vìmỗi doanh nghiệp muốn phát triển đều phải xây dựng cho mình một cá tính riêng, đó chính là bộ nhận diện thương hiệu.Tùy theo lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp mà họ có logo, phông chữ, màu sắc phù hợp, làm sao truyền tải hết nội dung, giá trị của doanh nghiệp đến với khách hàng. Có doanh nghiệp phải đầu tư cả triệu đô làm thương hiệu.
Vì vậy, để thu hút sự chú ý của khách hàng hoặc du khách, nhiều thành phố trên thế giới đã đa dạng hóa việc thiết kế và treo biển hiệu quảng cáo, điển hình như Hong Kong, phố mua sắm nổi tiếng nhất của London là Oxford hay quảng trường Times Square.
Ông Hải cho rằng, cơ quan chức năng chỉ nên quy định kích cỡ của biển quảng cáo, chứ không thể bắt buộc về màu sắc và phông chữ cũng như các yêu cầu khác vì mang tính áp đặt và ảnh hưởng tới bộ nhận diện thương hiệu.
Theo ông Hải, nếu nhìn nhận dưới góc độ quy hoạch và quản lý đô thị, quy chế hoặc quy định về biển hiệu quảng cáo là rất cần thiết để xây dựng và chỉnh trang thành phố. Nhưng hiện tại chúng ta đang sống trong thế giới phát triển nhanh chóng, rất cần sự phong phú, đa dạng và sáng tạo.Vì vậy, để thúc đẩy sự phát triển kinh tế đồng thời quy hoạch đô thị gọn gàng, lịch sự, văn minh thì nên có một lộ trình cụ thể và có sự đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia cho các cấp ngành thực thi đề án này.
Sau đây là một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại tuyến đường:
Lê Xâm