Tân Tổng thư ký LHQ sẽ có 'cuộc chiến ngân sách' với ông Trump
Quốc tế - Ngày đăng : 06:50, 13/12/2016
Ông Guterres là người chỉ huy của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) từ năm 2005 tới 2015, với danh tiếng là một nhà quản lý hiệu quả của các chiến dịch cứu trợ tại các điểm nóng như Syria, Iraq, Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi và Sudan.
Trở ngại lớn nhất của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc mới lại chính là Tân tổng thống Mỹ Donald Trump, người có quan điểm là "nước Mỹ trên hết". Nhiều quan điểm chính trị của ông Trump cũng xung đột giá trị nghiêm trọng với LHQ như trong vấn đề biến đổi khí hậu, người tị nạn, các thỏa thuận hạt nhân của Iran, nhân quyền.
Mỹ hiện là nước đóng tiền nhiều nhất cho ngân sách của LHQ, hiện cung cấp khoảng 22% tài chính thường xuyên và 28% cho lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ.
"Chúng ta chẳng nhận được gì từ LHQ. Họ không tôn trọng chúng ta, họ không làm những gì chúng ta muốn, nhưng chúng ta lại tài trợ cho họ quá nhiều", ông Trump nói hồi tháng 3.2016.
Tuyên bố của ông Trump cho thấy chính quyền mới của Mỹ có thể sẽ sử dụng một "cuộc chiến ngân sách" để ép LHQ "nghe lời", nếu không muốn bị cắt giảm ngân sách.
Mỹ cũng đang là nước tài trợ lớn nhất cho các chương trình viện trợ nhân đạo của LHQ. Nhưng nỗ lực xóa đói giảm nghèo và cứu trợ nhân đạo của LHQ có thể sẽ gặp khó dưới thời ông Trump khi mà LHQ vừa mới kêu gọi các nước hỗ trợ 22,2 tỉ USD để trang trải các dự án nhân đạo trong năm tới.
Đáp lại, trước đây ông Trump từng tuyên bố là Mỹ nên "chấm dứt việc gửi viện trợ ra nước ngoài cho các nước thù ghét chúng tôi". Sau đó ông Trump lại tự mâu thuẫn với chính mình khi nói nước ông "sẽ luôn cứu sống và cứu giúp con người ở mọi nơi".
Điều này khiến khó mà dự đoán chính sách mới của ông Trump với việc viện trợ nhân đạo quốc tế trong thời gian ông nắm quyền. Nhưng với việc nhu cầu viện trợ nhân đạo quốc tế ngày càng tăng, ông Guterres sẽ phải đối mặt với việc giảm ngân sách viện trợ tới từ Mỹ. Khi Tổng thống Obama đã cắt giảm ngân sách viện trợ cho LHQ trong năm 2017 và chuyển phần lớn số tiền trị giá 34 tỉ USD sang cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).
Với bản năng chính trị của mình, ông Trump cũng sẽ muốn giải quyết các vấn đề quốc tế thông qua đàm phán song phương thay vì qua chính sách ngoại giao đa phương dưới thời ông Obama. Điều đó có nghĩa là trong 4 năm tới, ông Guterres sẽ phải đối phó với một chính phủ Mỹ không muốn dùng trụ sở LHQ để làm nơi giải quyết các lộn xộn ở Trung Đông, Ukraine, Triều Tiên và Palestine.
Quan điểm về biến đổi khí hậu của ông Trump cũng sẽ khiến cho LHQ gặp khó trong việc thực hiện hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cuối cùng, quan điểm của ông Trump về khủng hoảng Syria có thể giúp cho chính quyền của ông Assad thoát khỏi những chỉ trích của HĐBA LHQ khi cả Mỹ, Nga và Trung Quốc đều ủng hộ chính phủ Syria và bỏ qua phe đối lập, tập trung dồn sức tiêu diệt tổ chức khủng bố IS.
Thiên Hà (theo Diplomatic Courier)