Nhìn lại AFF Cup: Gốc thất bại của tuyển Việt Nam
Thể thao - Ngày đăng : 08:35, 10/12/2016
“Lửa” không thôi vẫn chưa đủ
Tuy nhiên, không thể phủ nhận giữa niềm tin, sự quả cảm và giấc mơ nung nấu bằng sự kỳ vọng còn có sự lệch pha không nhỏ. Không ít ý kiến chê bai HLV Hữu Thắng quá tin tưởng vào những cầu thủ ông “yêu thích” và đặt trọn niềm tin vào đấy nên đánh trận mà không có yếu tố bất ngờ.
Có những trách cứ rằng HLV Hữu Thắng thận trọng quá mức cho đến khi vào đường cùng mới dám chơi canh bạc tất tay thì toàn đội mới bùng nổ như được giải phóng khỏi một lối đá cứng nhắc bởi các quân cờ sắp sẵn. Nhưng phải thừa nhận là thời Hữu Thắng cầu thủ thi đấu có chất lửa, có tinh thần cao theo kiểu ra sân là chiến. Khác hẳn nhiều đời thầy nội cầu thủ ra sân mà không nhìn về một hướng.
Nhìn vào trận Việt Nam - Indonesia ở cả hai lượt nhiều người thấy tiếc vì Indonesia chỉ có thế mà ta lại không là chính mình. Họ không vượt trội quá trong khi đến lúc ta cần thể hiện mình để giải quyết sớm vấn đề lại gặp hàng loạt những trục trặc. Xui có, xử lý vụng cũng có, giẫm chân nhau cũng có còn sai lầm thì quá nhiều...
Cả hai trận lượt đi và về với Indonesia đều không phải là họ thắng mà là ta thua. Thua chính bản thân mình trước một đối thủ láu lỉnh từ hàng ghế chỉ đạo đến cách thể hiện trên sân.
Cái được ở đội tuyển Việt Nam hiện nay là tinh thần chiến đấu nhưng trong bóng đá đấy mới chỉ là điều kiện cần. Nó cũng giống như đánh trận phải có binh pháp, có vũ khí và có những miếng đánh sở trường, những đòn độc của riêng mình.
Ít ra là cũng như ông Calisto hay dạy cầu thủ mình rằng: “Khi các bạn không giáp lá cà, không đôi công đá sòng phẳng với người ta được thì các bạn phải biết đánh kiểu “bùm, bùm” rồi núp xong lại “bùm, bùm” rồi núp. Có thế thì mới bất ngờ, mới tìm chiến thắng trước những đội bóng hơn mình được”. đội tuyển của ta vừa qua chỉ mới hun đúc về mặt tinh thần giữa mặt bằng hỗn độn. Ta chưa tinh trong binh pháp, trong cách thể hiện và kể cả trong dùng người vào từng thời điểm thích hợp.
Mặt bằng yếu làm sao có đội tuyển mạnh?
Thế hệ mà HLV Hữu Thắng đang dẫn dắt mới chỉ là phần ngọn của các CLB. Là quân SL Nghệ An, quân HA Gia Lai, quân Hà Nội T&T... và vài CLB khác góp nhặt lại. Nó chưa phải là một mặt bằng rộng và đều để có thể mất Tuấn Anh thì có X, Y, Z cho những chọn lựa.
Hay khuyết Hoàng Thịnh thì không phải bận tâm nhiều với bàn cờ xoay tới xoay lui theo kiểu dùng Văn Thắng hay Trọng Hoàng vốn đều là những cầu thủ đá trái sở trường.
HLV Hữu Thắng đã đặt niềm tin quá lớn vào những cầu thủ ông biết và ông tin nhưng rồi chính các cầu thủ ông tin nhất lại là những cầu thủ làm ông đau. Đau vì những sai lầm khó lấy lại được và đau vì một HLV trưởng thành từ một trung vệ giỏi lại để xảy ra quá nhiều sai lầm từ một hàng thủ nhiều lỗi.
Sau thời Miura, đội tuyển đã đi đúng hướng, có lối chơi phù hợp hơn nhưng để có những thu hoạch lớn và để đạt được những giấc mơ những kỳ vọng còn phải kèm theo những bước đi bài bản.
Các CLB phải cùng hướng đến chất lượng của đội tuyển Việt Nam trong việc đào tạo và xây dựng lối chơi theo kiểu Việt Nam. Thậm chí ngay cả công tác điều hành giải V-League cũng phải vì chất lượng lẫn vì đội tuyển Việt Nam.
Ở V-League không thiếu những cú đạp kiểu Nguyên Mạnh thực hiện và nhận thẻ đỏ rồi được trọng tài, được ban tổ chức dễ dàng cho qua. Ở V-League không thiếu nhưng pha “tắc” sai luật xong tranh cãi hùng hổ với trọng tài để rồi thành thói quen khi lên đội tuyển.
Ở V-League không thiếu những CLB hoàn toàn dựa dẫm vào cầu thủ ngoại và đạt thành tích từ chất lượng cầu thủ ngoại, đặc biệt trong khâu ghi bàn...
Để được đẳng cấp như Thái Lan, để có lối chơi rất khoan thai mà vẫn hiệu quả trong việc làm chủ tình huống, làm chủ thế trận và làm chủ chính mình thì còn phải rất nhiều việc từ phần nền tảng của một nền bóng đá và ở các CLB thì phần đỉnh mới tinh và mới không đổ nhiều nước mắt...
Nguyễn Nguyên/PLO