Venice, thành phố của tình yêu và nỗi nhớ
Du lịch - Ngày đăng : 10:00, 04/12/2016
Vào thế kỷ thứ 5- 6 sau Công Nguyên, những khu dân cư của người Venice trong đất liền thường xuyên bị tấn công bởi những người Barbarian. Để đối phó với những mối hiểm nguy này, những người Venice đã chọn những hòn đảo nhỏ nằm cách phần đất liền Venice không xa để xây dựng khu dân cư mới. Từ một vùng đảo thiếu thốn về nước ngọt và địa hình chia cắt, những người Venice đã biến 118 hòn đảo nhỏ nằm trong vùng đầm lầy thành một thành phố xinh đẹp và thịnh vượng.
Đến với Venice ngày nay, du khách không chỉ cảm nhận được sự lãng mạn của một thành phố cổ kính được bao quanh bởi những dòng kênh mềm mại uốn lượng xung quanh, những toà nhà nguy nga, những dinh thự tráng lệ mà còn có cơ hội tìm về những sinh hoạt đã diễn ra ở nơi đây từ hàng bao thế kỷ trước.
Thành phố trên đầm lầy
Theo lời cô Nora, hướng dẫn viên (HDV) địa phương đã có 28 năm sinh sống tại Venice cho biết: toàn bộ thành phố có hơn 400 chiếc cầu bằng đá kết nối các hòn đảo lại với nhau. Từ kỹ thuật xây dựng cho đến hình dạng các công trình kiến trúc đã nói lên trình độ thẩm mỹ và tính khoa học vô cùng siêu việt của người Venice. Trên vùng đầm lầy, nền đất nơi đây khá lõng lẽo và yếu, nhưng với kỷ thuật dùng những cây cừ cong veo cắm sâu xuống nền đất kết hợp với đá để làm móng, họ đã xây dựng được những công trình kiến trúc đồ sộ và vững chắc.
Là vùng đất ngập mặn. Ngày xưa, người Venice phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ngọt. Vì vậy họ phải xây những cái giếng để chứa nước. Ngày nay, khi đi dạo trong thành phố, thỉnh thoảng du khách vẫn có thể bắt gặp vài chiếc giếng cổ còn sót lại nằm giửa một cái sân rộng lót đá. Nguồn nước ngọt trong giếng được tích luỹ từ nước mưa. Việc sử dụng nước ngọt được kiểm soát khá chặt chẽ. Bình thường giếng nước được sử dụng một cái nấp bằng đồng đủ to để đậy và khoá lại, nắp giếng chỉ được mở 2 lần trong ngày. Trước khi mở nắp, một hồi chuông sẽ rung lên báo hiệu để những người dân tụ tập lại lấy nước. Sau đó nắp giếng sẽ được đóng lại…
Mặc dù điều kiện tự nhiên nơi đây không thuận lợi, nhưng trong thời trung cổ, Venice đã là một trong những nơi có nền thương mại vô cùng phát triển. Họ đã mang các sản phẩm của mình đi đến nhiều vùng đất xa xôi không chỉ trong khu vực châu Âu mà còn sang tận vùng trung Đông hay thậm chí là châu Á để buôn bán và trao đổi hàng hóa. Một trong những sản phẩm đặc trưng của họ thời đó lừng danh khắp thế giới đó là thủy tinh. Thậm chí các vua chúa của nước Pháp còn phải đặt mua nhiều sản phẩm từ Venice. Đặc biệt, triều đình vua Louis của Pháp khi xây dựng cung điện Versaille đã chi một khoảng tiền khá lớn để mua rất nhiều tấm gương thật to mà ngày nay vẫn còn trưng bày ở dọc theo hành lang phòng khiêu vũ trong cung điện.
Ngày nay mặc dù nghề này đã không còn là đặc quyền của Venice mà nó đã lan truyền khắp nơi. Tuy nhiên có thể nói trình độ và nghệ thuật làm đồ thủy tinh của người Venice đã đạt đến trình độ tinh xảo và mang tính nghệ thuật cao vào loại bậc nhất thế giới. Ghé vào tiệm sản xuất đồ thủy tinh Lugano, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy một người thợ thủ công biểu diễn. Trong vòng chưa đầy 5 phút, người nghệ nhân đã biến khối thủy tinh trở thành một chiếc bình cắm hoa hay một con ngựa vô cùng xinh đẹp và sống động. Những bộ ly tách với kiểu dáng vô cùng sang trọng và tao nhã. Nguyên liệu tạo màu sắc cho các sản phẩm thủy tinh được dùng hoàn toàn từ thiên nhiên. Chẳng hạn như những chiếc ly màu xanh cô ban là sản phẩm được tạo ra từ sự kết hợp giữa thủy tinh và kim loại đồng, hay những chiếc bình màu đỏ là sản phẩm của hợp kim từ thủy tinh và vàng...
Những công trình kiến trúc đẹp nguy nga
Có thể nói, Venice tựa như một thành phố nổi trên biển khơi. Những công trình kiến trúc của thành phố toát lên một nét kiêu sa nhưng vững chãi.
Đứng giữa quảng trường Saint Mark, tôi ngước nhìn lên ngọn tháp canh vươn cao vút giữa bầu trời xanh thăm thẳm. Ngọn tháp thật kêu sa và đầy sức hấp dẫn. Mua tấm vé lên tháp với giá 8 Euro, chiếc thang máy đưa tôi lên đỉnh tháp, phóng tầm mắt ra bốn phía, một quang cảnh vô cùng choáng ngợp và hoa lệ. Thành phố Venice thật lộng lẫy. Những mái ngói đỏ vươn cao vút giữa bầu trời xanh lộng gió. Xa xa là biển Adriantic xanh màu ngọc bích. Những ngôi thánh đường cổ kính, những toà lâu đài mọc san sát nhau tạo cho Venice một cái hồn rất riêng, một nét đẹp yêu kiều nhưng không hề giống với bất kỳ thành phố nào trên thế giới. Ngày xưa, ngọn tháp này được xây bằng gỗ với mục đích làm chức năng của một tháp canh để quan sát và bảo vệ thành phố nhằm sớm phát hiện đám cháy hay có thể nhìn thấy kẻ thù từ xa.
Nằm cạnh tháp canh là nhà thờ thánh Saint Mark, một trong những nhà thờ lớn và đẹp nhất Venice. Bên trong nhà thờ có vô số những bức tranh tôn giáo được làm bằng nghệ thuật Mosaic vô cùng sống động.
Mặt tiền nhà thờ được trang trí bằng những hàng cột cẩm thạch có màu sắc tự nhiên rất đẹp, những cột màu xanh xen lẫn màu tím than hay màu vàng nhạt trông rất sinh động. Mua chiếc vé với giá 5 Eu, tôi bước lên một hành lang dài hơi dốc dẫn lên tầng thượng phía trước nhà thờ. Từ đây, ta có thể nhìn toàn bộ sảnh nhà thờ từ trên cao. Trên trần nhà thờ được khảm vô số các bức tranh về chủ đề tôn giáo, một màu vàng ánh kim nhẹ toả sáng một cách sang trọng nhưng không kém phần tôn nghiêm. Ngôi giáo đường thật lung linh huyền ảo.
Một trong những công trình mà tôi ấn tượng nhất đó là lâu đài các pháp quan, hay còn gọi là vương cung thánh đường Doge. Công trình được xây dựng vào thế kỷ thứ 14 vốn là nơi ở của viên tổng trấn, người đứng đầu của nền cộng hoà Venice. Mua chiếc vé khá đắt đỏ, 19 EU tôi bắt đầu hành trình khám phá toà lâu đài. Đập vào mắt tôi là những hành lang dài hun hút nhưng có rất nhiều hoa văn cùng họa tiết trang trí. Những hình vẽ bằng màu nước trên trần nhà, những bức tượng làm bằng đá cẩm thạch được chạm trổ vô cùng khéo léo, tôi như ngẫn ngơ trước vẽ đẹp của các bức tượng tạc hình những em bé bụ bẩm trong tư thế khỏa thân khoe những bàn tay bàn chân mũm mĩm, những khuôn mặt bầu bĩnh múp míp với những lọn tóc xoăn bồng bềnh bay loà xoà che một phần khuôn mặt ngây thơ đẹp tựa thiên thần.
Từ khung cửa sổ bằng đá của lâu đài các pháp quan tôi đưa mắt nhìn xuống dòng kênh. Phía dưới có vài chiếc thuyền Godola đang chậm rãi rẻ nước đi sâu vào các con rạch nhỏ. Hình dáng chiếc thuyền Godola ở Venice khá đẹp và đặc trưng, nhìn nó tựa một nữa vầng trăng. Tương truyền, ngày xưa có một đôi tình nhân vô cùng yêu thương nhau, nhưng bi kịch là họ thuộc hai dòng họ quý tộc giàu có nhưng có một mối thù truyền kiếp. Cả hai gia đình kiên quyết không chấp nhận tình yêu của đôi trẻ. Họ bị ép buộc phải xa rời nhau. Cô gái phải lấy một chàng trai mà nàng không yêu. Trước ngày cưới, hai người quyết định nắm tay nhau chạy trốn. Nhưng Venice là vùng đất đầm lầy nằm giữa biển khơi, khi họ chạy đến cuối con đường thì họ phải dừng lại vì trước mặt họ là biển cả. Tiếng người huỳnh huỵch đuổi theo sau lưng ngày một gần... Trong cơn tuyệt vọng hai người ôm nhau khóc và chuẩn bị trầm mình xuống biển. Từ trên cao, thượng đế rất cảm động trước tiếng khóc thảm thiết của đôi trẻ, và một nửa vầng trăng đã được thả xuống dòng kênh hóa thành chiếc thuyền cho hai người đi đến bến bờ của hạnh phúc...
Buổi chiều ở Venice ngày tôi đến có nhiều nắng vàng trãi đều lên từng con phố nhỏ. Những dòng người qua lại nắm tay nhau đi trên những chiếc cầu đá cẩm thạch trắng, họ trông vô cùng hạnh phúc. Gió ngoài khơi thổi vào lồng lộng. Tôi mơ màng nhìn về nơi xa cuối tít chân trời, một ngày mùa Thu thật nhẹ nhàng không chút vấn vương.
Trần Văn Trường – VYC Travel