Cha mẹ cần thay đổi trước hết

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:09, 02/12/2016

Có rất ít cha mẹ quan tâm lo cho con những thứ đời thường nhưng có giá trị lâu dài hơn, là hướng dẫn con cách đối diện với cuộc sống, cách tồn tại, khắc phục khó khăn.

Cha mẹ có khuynh hướng cho con đi học đủ các khóa học để chúng có kiến thức và kỹ năng đối phó với cuộc sống. Nhưng cách hiệu quả và lâu dài nhất là: chính cha mẹ phải tự học, phải thay đổi chính mình, làm cho mình khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, rồi sau đó mới hướng dẫn cho con.

Là phụ huynh, hẳn chúng ta biết tại sao chúng ta chăm chăm lo cho con cái. Với tôi, đó là từ sự lo lắng cho an toàn và sự phát triển của con. Những năm trước tôi sống trong khu chung cư, quanh nhà có chừng năm bảy đứa trẻ lớn hơn hoặc nhỏ hơn con gái tôi vài tuổi. Lúc đầu, các em thường chạy chơi qua lại trên hành lang chung cư, nhưng rồi, một ông hàng xóm la mắng, yêu cầu các bé về nhà chơi, đừng chạy nhảy bên ngoài. Con gái tôi sau này rất e ngại khi chơi ngoài hành lang vì sợ ảnh hưởng đến ông già có… “khuôn mặt khó khăn”.

Hẳn nhiên, việc trẻ chạy xuống chơi bên dưới đường là không thể. Hàng loạt nguy cơ thiếu an toàn có thể xảy ra: thứ nhất là xe cộ qua lại liên tục, không thể là chỗ tốt cho trẻ chơi đùa, thứ hai là bên dưới chung cư có nhiều nơi được tận dụng mở quán cà phê cóc, rồi tiệm tạp hóa...

Việc chạy chơi của trẻ sẽ ảnh hưởng đến người khác hoặc chính các bé gái sẽ bị những người đàn ông ngồi quán cà phê nhìn ngó và có những hành vi không hay ho. Vì vậy, con gái tôi chỉ xuống dưới khi đi dạo với người lớn trong gia đình, và không phải là chạy nhảy, chỉ là đi dạo, trong khi trẻ luôn cần khoảng không gian để chạy nhảy.

Có lần con gái kể: “Có anh kia giở váy con lên và con không chơi với ảnh nữa”. Tôi đã dò hỏi kỹ càng xem anh ấy giở váy con lên rồi có hành động gì khác không, bé trả lời là không và bé đã bỏ về luôn. Cậu này lớn hơn con tôi tầm ba tuổi, hàng xóm cách nhau chừng năm-sáu căn hộ.

Tôi đã qua nhà đó và nói với cậu bé và cả cha mẹ của cậu. Rồi tôi được chứng kiến một cú bạt tai như trời giáng từ người cha dành cho cậu bé. Tôi không thấy một chút thoải mái nào cả, tôi nói với cha mẹ cậu bé rằng điều tôi mong không phải là một bạt tai mà là làm sao để anh chị trò chuyện với cháu, cho cháu hiểu không được tiếp diễn chuyện như vậy, vì đó là hành vi sai trái và xấu.

Tôi luôn tin mỗi phụ huynh đều có hàng tá câu chuyện như tôi vừa kể, và có thể đó là lý do (dù không rõ ràng) cho việc chăm bẵm đứa con và không muốn con ra ngoài chơi. Trẻ muốn đi chơi phải có cha mẹ kè bên cạnh và mắt luôn dõi theo chúng vì những hệ quả xấu có vẻ luôn sẵn sàng “tợp” lấy đứa con mình.

Vậy ai là người có trách nhiệm trong chuyện này? Ai là người cung cấp cho các trẻ nhỏ chỗ để chơi đùa thỏa thích theo nhu cầu của con trẻ? Câu trả lời tìm không có, dù tôi biết thực tế nhiều cha mẹ vẫn ngày đêm kiếm tiền để chọn cho mình một chỗ ở đảm bảo an toàn. Chưa kể, với những gia đình, những phụ huynh không có điều kiện lựa chọn chỗ ở, rõ ràng không có câu trả lời.

Tại chung cư tôi ở trước đây có một sân chơi chung, là nơi trẻ con có thể chạy nhảy. Buổi sáng có khá nhiều người lớn chơi đá cầu và đánh cầu lông. Nhưng sau đó, sân chơi nhanh chóng biến thành nơi mua bán hoa tươi, rồi quanh đó là quán cà phê, quán nhậu, quán bi da và các xe hàng rong.

Quan trọng hơn, nhiều trẻ có mặt tại sận chơi, nhưng từng trẻ chỉ chơi một mình hoặc với anh chị em mình hoặc với cha mẹ mà không có sự tương tác với các trẻ khác. Không ai tổ chức gì cho trẻ chơi chung cả. Phương án tự cải tạo điểm đó thành điểm chơi an toàn cũng không thể xảy ra.

Sống trong một xã hội bao quanh với nhiều bất lợi và có thể gây căng thẳng bất kỳ lúc nào như vậy, tâm tính của chúng ta bắt đầu chiều theo hướng sợ hãi và khống chế nỗi sợ hãi. Chính sự bất an của người lớn có vẻ như đã thúc đẩy hành vi cấm đoán và la mắng trẻ trong nhà, dù nhiều người cũng thấy mệt mỏi và biết “có gì đó sai sai”. Nhưng làm cách nào được khi những lo lắng cho sự bất an đó có thật và hoàn toàn có thể xảy ra trong hôm nay hoặc ngày mai.

Khi không có không gian chạy nhảy chơi đùa thì không gian an toàn được xem là những lớp học. Tôi đã làm việc với rất nhiều phụ huynh và nghe tâm sự: “Không cho nó đi học thêm thì ở nhà không có ai chơi với nó. Biết vậy đi học nhiều là tội nghiệp con, nhưng biết làm sao được”. Theo kinh nghiệm của tôi thì ép con đi học thêm là không nên, vì sẽ tước mất của con không gian và thời gian để chơi đùa bên bạn bè hoặc tự chơi trong nhà.

Con tôi ngoài giờ đi học có tham gia vài khóa học và có thể thay đổi thường xuyên tùy vào hứng thú của bé. Đầu tiên là con gái rất thích vẽ và cuối tuần cháu tham gia lớp vẽ rồi mang sản phẩm là một bức tranh về nhà. Sau đó, cháu không thích vẽ nữa mà thích đàn và tham gia lớp đàn của một cô hàng xóm, rồi có thời điểm bé thích nhảy và tham gia lớp nhảy của nhà văn hóa quận. Sau đó nữa, bé thích học tiếng Nhật và hiện tham gia lớp tiếng Nhật. Thời gian còn lại, con ở nhà tự chơi đùa với những người trong nhà và tự do vẽ vời hoặc làm bất kỳ thứ gì con thích.

Sự thật là chúng ta đang sống trong một xã hội đầy bất an, nhưng việc chọn lựa cho con một không gian tạm gọi là có thể được cũng không đến độ căng thẳng và bế tắc, nhưng cái cần là thời gian và tinh thần của phụ huynh. Chính phụ huynh phải có thời gian chơi với con thì mới giải quyết được vấn đề, nếu không, cho dù có không gian cũng không mang lại nhiều niềm vui và sự phát triển cho đứa trẻ.

Cha mẹ ngày nay trang bị cho con đủ thứ qua việc cho con học càng nhiều môn hỗ trợ càng tốt. Học võ, dự báo tương lai, kích hoạt não… có lẽ cũng vì mục tiêu đó. Nhưng rất tiếc có rất ít cha mẹ quan tâm lo cho con những thứ đời thường nhưng có giá trị lâu dài hơn, là hướng dẫn con cách đối diện với cuộc sống, cách tồn tại, khắc phục khó khăn. Sự thu mình lại hoặc bảo vệ con quá đáng là hệ quả của việc lo sợ bất an trước cuộc sống, nhưng chính cha mẹ phải bước ra khỏi sự bất an đó mới tìm được hướng dạy dỗ con mình.

Có khá nhiều chương trình đào tạo có hiệu quả mà cha mẹ có thể tham gia để thoát khỏi nỗi sợ hãi và lòng bất an từ các trung tâm hoặc các chuyên gia tâm lý. Đứa trẻ không cần được chuẩn bị để trở thành siêu nhân, mà cần được dạy dỗ để trở thành người khỏe mạnh và vui tươi trong cuộc sống.

Đừng bao giờ phá ước mơ của trẻ dù viển vông, vì đó là những khao khát mang lại nhiều ích lợi cho sự phát triển của con trẻ. Chính cha mẹ khi quan tâm và trò chuyện với con sẽ biết con cần gì, thay vì mang con đến cho một ông bà chuyên gia nào đó và trả tiền để nghe họ nói về con của bạn.

Ngô Minh Uy/ Theo Phụ nữ

Theo Phụ nữ