‘Kích hoạt não’ gây rối loạn tâm thần

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 05:58, 29/11/2016

Kích hoạt não để trẻ trở thành thiên tài là không có cơ sở khoa học, hiện chưa được cơ quan nào cấp phép, thẩm định và có nhiều nguy cơ.

Theo giới thiệu của người quản lý của chi nhánh Trung tâm Trí Tuệ Việt có địa chỉ trên đường Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội), trung tâm này được thành lập tại TP.HCM cách đây vài năm. Đến năm 2015, trung tâm mở tiếp ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Chương trình giảng dạy mà trung tâm đang áp dụng dựa trên cơ sở khoa học nào, có an toàn cho trẻ không và đã được cơ quan nào cấp phép? Với câu hỏi này, quản lý ở đây cho biết: “Công trình nghiên cứu này của chúng em được nhận giải Nobel năm 1981. Nói về độ an toàn thì các phụ huynh cứ yên tâm (?)”.

PV yêu cầu được xem thông tin về chương trình thì cô đưa cho một tờ rơi. Trên tờ rơi ghi rằng chương trình kích hoạt não do một tiến sĩ người nước ngoài phát triển và nhận giải Nobel năm 1981. Dựa trên nghiên cứu này, Trung tâm Trí Tuệ Việt đã áp dụng cho chương trình huấn luyện của mình.

Chương trình chưa được cấp phép, thẩm định

Ngày 28.11, trao đổi vớiphóng viênvề thông tin các trung tâm kích hoạt não “dạy trẻ thành thiên tài” rộ lên gần đây, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT, cho biết hiện chưa có bất kỳ một công bố khoa học nào trên thế giới khẳng định tính an toàn cũng như tác dụng của phương pháp này. Bộ GD&ĐT không cấp phép cho các trung tâm với những hoạt động lạ kiểu đó. Cũng theo ông Minh, Bộ GD&ĐT hiện không quản lý các trung tâm tổ chức lớp học “kích não”. Bộ chỉ quản lý các trung tâm do Bộ cấp phép, còn những trung tâm kiểu này nằm ngoài phạm vi quản lý.

PV đem thắc mắc tương tự hỏi Sở GD&ĐT TP.HCM. Ông Nguyễn Minh, Trưởng Phòng Công tác học sinh sinh viên của Sở, cho biết việc cấp phép các trung tâm đào tạo kỹ năng hiện nay thuộc thẩm quyền của phòng Tổ chức thuộc Sở. Còn việc thẩm định chuyên môn liên quan đối tượng học sinh/tuổi nào thì do cấp quản lý đó (như phòng Giáo dục tiểu học, THCS, THPT và phòng Công tác học sinh sinh viên…) thẩm định. Sau khi rà soát thông tin, chuyên viên của phòng này khẳng định Sở chưa cấp giấy phép, cũng như chưa hề thẩm định cho những chương trình huấn luyện kiểu như vậy.

Cũng trong sáng 28.11, PV đã có buổi làm việc với bà Lê Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Liệt (quận Đống Đa, Hà Nội), nơi Trung tâm Trí Tuệ Việt có trụ sở hoạt động. Nghe nói đó là trung tâm chuyên mở lớp “kích hoạt não” cho trẻ, dạy trẻ trở thành “thiên tài” sau một khóa học như lời quảng cáo trên trang web của họ, bà Bích đã khẳng định: Đây là lần đầu tiên bà nghe đến trung tâm này. Khi được chúng tôi cung cấp thông tin, hình ảnh và lịch hoạt động của trung tâm, bà Bích cho biết sẽ lập tức đi kiểm tra nắm tình hình.

14 giờ cùng ngày, bà Lê Ngọc Bích cho biết sau khi nắm thông tin, tổ công tác UBND phường Trung Liệt đã xuống ngay địa bàn. Tại thời điểm kiểm tra, trung tâm này không xuất trình được giấy phép kinh doanh và không có bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến hoạt động.

Nguy cơ trẻ bị rối loạn tâm thần

BS Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc BV Tâm thần Hà Nội, cho biết những việc như cảm xạ, kích não… đều dựa vào tâm lý và cho đến nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định là có cơ sở khoa học.

“Việc phụ huynh cho con mình theo học những lớp như vậy thật đáng lo ngại. Cá nhân tôi cho rằng lớp học đó chỉ nên dành cho những ông bố bà mẹ thiếu hiểu biết. Chứ nếu đã là những người có học, có hiểu biết thì chẳng ai đưa con mình đến đó” - BS Tình bức xúc nói.

Cũng theo BS Tình, về lâu dài nếu tiếp tục “kích hoạt não” kiểu này, trẻ sẽ bị ám thị, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý trẻ. Việc phát triển về nhân cách của trẻ sẽ không tốt, chúng sẽ thu mình lại, có hành vi xung động, rối loạn về cảm xúc… Cụ thể, nếu theo học những lớp kiểu này một thời gian dài, trẻ sẽ luôn ám ảnh là chúng có thể làm được việc này, việc kia (bịt mắt phân biệt màu, khả năng đọc siêu nhanh…), nhưng nếu một lúc nào đó trẻ không làm được, nó sẽ phản ứng lại bằng hành vi xung động. “Khi bị ám thị làm được việc đó rồi nhưng sau không làm được, trẻ sẽ khó chịu, dồn nén, bị rối loạn tâm thần” - BS Tình lý giải.

Nên khuyến khích các hoạt động trải nghiệm

Bà Nguyễn Hoàng Trúc Mai, giảng viên khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng việc tiếp cận với phương pháp kích thích não dễ khiến trẻ bị ảo tưởng, tự tin thái quá về bản thân. Việc trẻ tự cho mình là giỏi hơn người khác dễ làm trẻ tách rời bạn bè, sống cô lập. Đây là một trong những căn bệnh về tâm lý rất đáng lo ngại ở các bé dưới 13 tuổi. Cách thúc đẩy sự phát triển não bộ tốt nhất là tăng cường những kích thích phù hợp vào những giai đoạn phát triển, khuyến khích trẻ trải nghiệm tự nhiên. Tùy vào năng lực và thiên hướng của trẻ, cha mẹ nên tạo điều kiện cho con được tiếp cận với càng nhiều hoạt động trải nghiệm, các hệ mã hóa như các môn nghệ thuật, ngoại ngữ, âm nhạc... Phụ huynh tránh đưa con rơi vào những khẳng định kích hoạt não để thông minh, gây ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của bé.

Đoàn kiểm tra UBND phường Trung Liệt đã lập biên bản vi phạm và yêu cầu trung tâm dỡ toàn bộ biển, bảng quảng cáo xuống. Đồng thời, tổ công tác hẹn thứ tư tuần tới (7-12), đại diện Trung tâm Trí Tuệ Việt đến trụ sở UBND quận để trình toàn bộ giấy tờ liên quan.

LÊ NGỌC BÍCH,Phó chủ tịch UBND phường Trung Liệt,
quận Đống Đa, Hà Nội

HƯƠNG GIANG - HÀ PHƯỢNG/Pháp Luật

Pháp Luật