GS Võ Tòng Xuân: ‘Nên bỏ một số điều kiện kinh doanh trong xuất khẩu gạo’
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 05:22, 25/11/2016
Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, trong đó siết chặt hơn đối với xuất khẩu gạo. Điều này được dự đoán sẽ khiến việc xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp nhỏ trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn hơn.
Theo lập luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xuất khẩu gạo là một ngành đặc thù, liên quan đến an ninh lương thực quốc gia, việc xuất khẩu gạo ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu gạo của Việt Nam trên thị trường gạo quốc tế nên phải áp dụng điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề này. Hơn nữa, cơ quan này cho rằng, để đẩy mạnh liên kết giữa người sản xuất lúa với doanh nghiệp xuất khẩu thì xuất khẩu gạo cần phải được quản lý chặt chẽ.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, việc đưa xuất khẩu gạo vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là điều nên làm để giữ uy tín của hạt gạo trong tình trạng mạnh ai nấy bán như hiện nay. Tuy nhiên, trong đó chỉ nên giữ những điều kiện về chất lượng, về vùng nguyên liệu, về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… còn một số điều kiện như kho chứa 5.000 tấn, năng suất xay xát 10 tấn/giờ thì nên bỏ để thuận lợi hơn cho việc kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong một cuộc hội thảo cách đây không lâu, ông Đinh Minh Tâm, phụ trách mảng sản xuất và chế biến gạo của doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp) cho hay, theo Nghị định 109, để được cấp phép xuất khẩu gạo công ty phải có kho chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và một cơ sở xay xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ. Với điều kiện quá cao này không có mấy công ty đáp ứng được.
Do đó, công ty phải ủy thác xuất khẩu qua một công ty lớn tại Cần Thơ với chi phí 40 đồng/kg gạo. Ngoài ra, phải lập một công ty nhập khẩu Cỏ May ở Singapore để nhập chính gạo của Cỏ May qua đơn vị được ủy thác. Rồi từ công ty “con” tại Singapore, các sản phẩm gạo của Cỏ May được chuyển vào các kênh bán lẻ tại nước này.
Đồng tình với ý kiến này, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, đối với gạo chất lượng cao, việc xuất khẩuđi cũngchỉ vài trăm tấn nên khó có thểđápứngđược những yêu cầu Nghị định 109 đưa ra. Nếu doanh nghiệp sản xuất gạo ngon, có giá trị cao, cạnh tranh thì không nên áp dụng các điều kiện trên.
Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị bỏ “kinh doanh xuất khẩu gạo” ra khỏi Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Lý do, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nên nguy cơ mất an ninh lương thực là không lớn. Hơn nữa, pháp luật hiện hành đã có nhiều quy định để đảm bảo an ninh quốc gia, quốc phòng và các lợi ích công cộng liên quan đến sản phẩm gạo.
Do đó, yêu cầu về điều kiện đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để đảm bảo cho lợi ích công cộng là chưa phù hợp, nhất là những quy định về quy mô của doanh nghiệp như như có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, 1 cơ sở xay, xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ…
Theo GS Võ Tòng Xuân, để có thể xuất khẩu được, gạo Việt cần phải có chất lượng cao, muốn thế cần phải đảm bảo được vùng nguyên liệu để chứng minh xuất xứ. Trong khi hiện nay, phần lớn các công ty xuất khẩu gạo, kể cả Vinafood đều không có vùng nguyên liệu. Điều này dẫn đến gạohay lẫn tạp chất, dư thừa hóa chất bởi doanh nghiệp mua của thương lái, thương lái mua lại của người nông dân trong khi không biết nông dân đã phun những loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Do đó, gần đây gạo Việt Nam hay bị trả về.
Theo số liệu của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), tính từ năm 2012 đến tháng 8.2016, có tổng số 16 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam bán sang thị trường này bị trả về với tổng số 412 container, tương ứng gần 10.000 tấn gạo bị trả về. Điều này là tiếng chuông báo động đối với gạo Việt Nam, nếu không cẩn trọng rất có thể sẽ mất đường vào thị trường Mỹ.
Do đó, cần phải liên kết “4 nhà”, phải làm theo chuỗi giá trị để cùng sản xuất theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, tuân thủ quy trình VietGAP, có doanh nghiệp đầu ra…
Theo chuyên gia này, gạo Việt Nam sẽ dần nâng cao được chất lượng. Ví dụ như Campuchia, họ có liên đoàn nhà máy gạo và liên đoàn phân phối. Nhà máy nào không đạt yêu cầu thì đề nghị nhà nước cho được vay vốn ưu đãi để nâng cấp lên. Do đó, họ tiến bộ rất nhanh chóng mà hiện nay Campuchia còn thắng cả Thái Lan trong việc sản xuất gạo ngon ra nước ngoài.
Hoàng Long