Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương xử lý ô nhiễm các dự án nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 20:56, 14/11/2016

Tại cuộc làm việc với Bộ Công Thương ngày 14.11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã truyền đạt nhiều ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về một số vấn đề liên quan đến Bộ Công Thương. Trong đó, nổi bật là vấn đề môi trường liên quan tới các dự án nhiệt điện, thủy điện.

Nhiệt điện than là mối đe dọa về môi trường

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, vừa qua Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã họp với tất cả các đơn vị sản xuất điện quán triệt vấn đề môi trường nhưng Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương cần hết sức quan tâm xử lý sớm những băn khoăn của người dân địa phương khi phát triển thủy điện. Tương tự là vấn đề ô nhiễm tại các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải, việc cấp phép xả thải tại các dự án như Formosa.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng các nhà máy điện than là mối đe dọa đối với Việt Nam hiện nay bởi không chỉ ô nhiễm môi trường không khí mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước, nhiều nước trên thế giới phải tránh. Dùng điện than tiêu hao nguồn nước rất lớn trong khi nhiều vùng của Việt Nam thiếu nước. Do đó, cần phải tính toán kĩ lưỡng trong bài toán phát triển năng lượng.

Chuyên gia này cho rằng, ngành điện chưa chú ý nhiều đến điện tái tạo. Nhiều người nói điện tái tạo có chi phí cao, khó thực hiện nhưng hiện nay, chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng đã giảm nhiều, khoảng cách giữa điện tái tạo và các nguồn điện khác ngày càng thu hẹp lại. Nếu muốn làm điện than một cách sạch sẽ, đảm bảo môi trường thì chi phí cũng rất đắt đỏ chứ không hề rẻ.

Liên quan tới môi trường của các nhà máy nhiệt điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, mới đây nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân đã mở cửa cho người dân có thể vào kiểm tra, kể cả việc xả thải. Đây cũng là chủ trương thống nhất của bộ với tất cả các doanh nghiệp trong các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm như hóa chất, khai khoáng…

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất đặt máy 13.110 MW, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15.700 triệu tấn/năm. Dự kiến tới năm 2020 có thêm 12 dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động và tổng công suất lắp đặt là 24.370 MW.

Kiên quyết từ chối dự án ô nhiễm

Bộ Công Thương cho biết, tính đến tháng 11.2016, các nhà máy đã thực hiện đầy đủ việc lập và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Một số nhà máy đã đi vào vận hành nhưng chưa có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường mà báo chí phản ánh như Vũng Áng, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Formosa Hà Tĩnh cũng đã gấp rút hoàn thành và đã đáp ứng các quy định.

Hiện tại, nước thải công nghiệp, sinh hoạt của các nhà máy được xử lý đạt quy chuẩn về môi trường và hầu hết được tuần hoàn tái sử dụng cho các mục đích khác nhau trong nhà máy.

Các nhà máy đều lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP), hệ thống xử lý khí NOx và xử lý khí SO2 (có 2 nhà máy với công nghệ cũ nên không lắp hệ thống xử lý SO2 là Nhiệt điện Phả Lại I và Ninh Bình). Do vậy, khí thải của các nhà máy được xử lý đáp ứng QCVN 22:2009/BTNMT - về khí thải công nghiệp nhiệt điện.

Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Công Thương - ảnh VGP

Riêng khói bụi, dù việc kiểm soát bụi, khí thải rất được quan tâm, tuy nhiên với công nghệ hiện nay, khi khởi động lò hơi hoặc khi công suất lò thấp phải đốt kèm dầu FO, HFO. Lúc này, hệ thống lọc bụi tĩnh điện chưa đưa vào hoạt động do nguy cơ cháy nổ nên có hiện tượng khói đen tại miệng ống khói. Bộ Công Thương đang chỉ đạo các nhà máy nhanh chóng có giải pháp khắc phục hiện tượng này.

Tuy nhiên, một số nhà máy vẫn mắc một số lỗi, như thu gom và phân loại chất thải nguy hại chưa triệt để, xây kho lưu giữ chất thải nguy hại không đúng quy định, quản lý chứng từ chất thải nguy hại chưa chặt chẽ… Bộ Công Thương đã chỉ đạo các chủ đầu tư, doanh nghiệp nhanh chóng xử lý và đã khắc phục gần như triệt để.

Riêng đối với lĩnh vực nhiệt điện, định hướng của Bộ Công Thương trong thời gian tới để bảo đảm công tác bảo vệ môi trường sẽ tập trung vào việc làm rõ trách nhiệm, việc phân công, phân cấp và công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương trong công tác quản lý môi trường của ngành, lĩnh vực.

Đối với các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường, Bộ Công Thương sẽ thẩm định chặt chẽ các hạng mục bảo vệ môi trường ngay từ giai đoạn thiết kế cơ sở; đánh giá các nguy cơ, rủi ro về môi trường đối với các dự án đầu tư, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các dự án đầu tư trong giai đoạn xây dựng; kiên quyết từ chối đầu tư các dự án có công nghệ tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường…

Liên quan đến dự án của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1, được biết, công ty này đang xin Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép đổ trực tiếp vật liệu nạo vét và bùn thải trong sản xuất điện ra biển.

Khu vực đổ ở vị trí cách bờ 13km; cách đảo Hòn Cau 8,2km; cách vành đai bảo vệ khu bảo tồn Hòn Cau 2,6km. Để đi vào vận hành, công ty này cần xây dựng bến chuyên dùng vận chuyển than có độ sâu 12,7m; buộc phải nạo vét hơn 1,56 triệu m3 khối lượng trầm tích dưới đáy biển, gồm: cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, đá phong hóa, sét và bùn trầm tích.

Tuy nhiên, lên tiếng về vấn đề này mới đây, Phó Giám đốc Vĩnh Tân 1. Ông Phan Ngọc Cẩm Thành cho rằng, nếu không được Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý cấp phép và buộc phải lựa chọn vị trí khác thì Điện lực Vĩnh Tân 1 sẵn sàng tuân thủ theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước Việt Nam.

Hoàng Long

Trí Lâm