Đã đến lúc phải sửa đổi Luật Đất đai?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:11, 20/11/2016

Về mặt chủ trương, đã có không ít những lãnh đạo cấp cao đề cập đến sự cần thiết của việc cho phép tích tụ ruộng đất như chìa khóa để tái cơ cấu nền nông nghiệp.Tuy nhiên, về mặt pháp luật nó chỉ có thể diễn ra khi quy định về “trần hạn điền” trong Luật Đất đai được điều chỉnh, và để làm được điều đó thì chỉ có Quốc hội mà thôi.

Nếu như có một điều đáng tiếc nuối nhất trong kỳ họp Quốc hội lần này, nơi mà hầu hết các vấn đề vĩ mô chủ chốt nhất được đưa ra bàn bạc và thông qua - kể cả kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ, thì đó hẳn là câu chuyện của ngành nông nghiệp. Kỳ vọng lớn nhất của các chuyên gia kinh tế cũng như một bộ phận người dân là việc Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi chính sách hạn điền đồng nghĩa với cho phép tích tụ đất đai ở kỳ họp lần này đã không diễn ra.

Về mặt chủ trương, đã có không ít những quan chức cấp cao đề cập đến sự cần thiết của việc cho phép tích tụ ruộng đất như chìa khóa để tái cơ cấu nền nông nghiệp, Nghị quyết Hội nghị Trung ương mới đây cũng bật đèn xanh cho sự thay đổi này. Tuy nhiên, về mặt pháp luật nó chỉ có thể diễn ra khi các quy định về “trần hạn điền” trong Luật Đất đai được điều chỉnh, và để làm được điều đó thì chỉ có Quốc hội mà thôi.

Lý giải về nguyên nhân của sự trì trệ và kém hiệu quả của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện tại, mà điển hình nhất là trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, Vụ trưởng Vụ Địa phương (Ban Kinh tế Trung ương) Vũ Trọng Bình cho biết: Chính sách của Việt Nam hiện nay đang có sự mâu thuẫn với mục tiêu sản xuất: đòi hỏi ngành sản xuất lúa gạo cạnh tranh được với các nước trên thế giới nhưng các chính sách lại theo hướng đảm bảo an ninh lương thực trong nước (theo The Saigon Times). Sự mâu thuẫn về mặt chính sách này là nguyên nhân cốt lõi của vấn đề đang trở thành tâm điểm của ngành nông nghiệp hiện nay, đó là câu chuyện “trần hạn điền” – vấn đề đang được xem là nguyên nhân khiến nền nông nghiệp Việt Nam rơi vào tình trạng nhỏ lẻ và manh mún, kém hiệu quả như hiện nay.

Theo điều 129 Luật Đất đai năm 2013, hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 3 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác (theo The Saigon Times).

Quy định này được biết đến với cái tên “trần hạn điền”. Trong quá khứ, việc đưa ra quy định về trần hạn điền cho phép phân bổ đất đai sản xuất nông nghiệp một cách hợp lý cho người nông dân, nhất là khi nông nghiệp là lĩnh vực chiếm một tỷ lệ áp đảo về số lao động, trung bình chiếm từ 70-80% chỉ mới cách đây ít năm. Nó vừa tạo ra công ăn việc làm và thu nhập tương đối ổn định cho đại bộ phận lao động trong xã hội, lại vừa cho phép Việt Nam không những tự túc được vấn đề lương thực thậm chí đủ để xuất khẩu trong bối cảnh xuất phát điểm tương đối thấp về mặt khoa học kỹthuật của ngành nông nghiệp.

Nhưng, kể cả khi trần hạn điền đã không còn phù hợp với ngành nông nghiệp Việt Nam ở thời điểm hiện tại, thậm chí đang trở thành vật cản đối với quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, thì quy định này có vẻ như vẫn đang là một lô cốt bất khả xâm phạm, khi mà Luật Đất đai vẫn chưa được động đến, bất chấp những điều chỉnh về mặt chủ trương. Đã có không ít lãnh đạo cấp cao đề cập đến sự cần thiết của việc cho phép tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp thời gian vừa qua, như Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 mới đây cũng đề cập đến vấn đề này: “Chủ trương ban hành và triển khai thực hiện chính sách đối với nông nghiệp và nông thôn, nhất là chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất…”. Nói cách khác, chủ trương cho phép gỡ bỏ hạn điền và tích tụ ruộng đất đã có, vấn đề là thực hiện như thế nào và bao giờ thực hiện mà thôi.

Về mặt pháp lý, để chính thức gỡ bỏ trần hạn điền và cho phép tích tụ ruộng đất, thì Việt Nam cần phải chỉnh sửa lại Luật Đất đai, cụ thể là quy định về giới hạn diện tích canh tác giao cho cá nhân và hộ gia đình sản xuất nông nghiệp. Và chỉ có Quốc hội mới có đủ thẩm quyền để thực hiện điều này chứ không phải Chính phủ. Đó là lý do vì sao có không ít chuyên gia kinh tế và người dân đã kỳ vọng vấn đề này sẽ nằm trong chương trình nghị sự tại kỳ họp Quốc hội lần này. Kể cả khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương đã chấp thuận về mặt chủ trương đi nữa, mà lại không nằm trong chương trình của Quốc hội để xem xét điều chỉnh, thì cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ tiếp tục phải chờ đợi thêm nữa để những kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp được phép triển khai.

Sẽ vô cùng đáng tiếc nếu như những kế hoạch tái cơ cấu nền nông nghiệp của Việt Nam tiếp tục bị trì hoãn, nhất là khi đây là lĩnh vực chủ chốt có giá trị xuất khẩu hàng năm lên tới 30-35 tỉ USD của nền kinh tế. Nếu được cởi trói, mà nền tảng mấu chốt là gỡ bỏ trần hạn điền và cho phép tích tụ ruộng đất vốn là điều kiện cơ bản để tiến hành sản xuất quy mô lớn, thì nền nông nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ còn đem lại giá trị lớn hơn con số 30-35 tỉ USD hiện tại rất nhiều. Sẽ thật thiếu sót nếu như kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ được Quốc hội thông qua, mà lại bỏ sót một ngành kinh tế có tiềm năng và giá trị lớn như ngành nông nghiệp.

Nhàn Đàm

Nhàn Đàm