40 mặt hàng Việt Nam đã có mặt tại thị trường Trung Quốc

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:00, 07/11/2016

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đang trên đà tăng mạnh với sự hiện diện của 40 loại mặt hàng.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấyxuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong tháng 9 năm 2016 đạt trị giá 2,19 tỉ USD, tăng 5,8% so với tháng 8.2016. Con số này đã nâng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2016 lên tới 15,09 tỉ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan nhận định rằng với vị trí địa lý thuận lợi giữa hai nước,nên chủng loại hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc lên tới 40 chủng loại. Cụ thể, những nhóm hàng chủ yếu của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng rau quả; xơ, sợi dệt các loại; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; gỗ và sản phẩm gỗ; điện thoại các loại và linh kiện…

Trong 3 quý đầu năm 2016, đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 2,42 tỉ USD, chiếm 16,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đứng thứ hai trong bảng xuất khẩu là nhóm hàng rau quả, kim ngạch đạt 1,28 tỉ USD, tăng trưởng 43,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,5% tổng trị giá xuất khẩu.

Trong khi đó, xơ sợi dệt các loại là nhóm hàng đứng thứ ba về kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng qua với 1,17 tỉ USD, chiếm 7,8% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Nhìn chung, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2016 phần lớn đều tăng trưởng dương. Đáng chú ý là mặt hàng kim loại thường khác và sản phẩm, tuy kim ngạch đạt 48,47 triệu USD nhưng có mức tăng trưởng mạnh nhất, tăng 197,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, một số mặt hàng có mức tăng trưởng cao góp phần vào tăng trưởng kim ngạch chung trong 3 quý đầu năm là sản phẩm gốm, sứ tăng 100,4%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 80,8%; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 60,0%; chè tăng 80,8%.

Tuy nhiên, một số nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lại có kim ngạch sụt giảm so với cùng kỳ như: chất dẻo nguyên liệu giảm 51,4%; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh giảm 38,4%; sản phẩm từ chất dẻo giảm 21,6%.

So với nhiều thị trường xuất khẩu lớn mạnh khác của Việt Nam, Trung Quốc đang được đánh giá là thị trường xuất khẩu tiềm năng với nhiều loại hàng hóa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này vẫn đưa rađánh giá rằng việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốccòn gặp nhiều trở ngại như thiếu thông tin về hàng hóa, đối tác, cơ chế, chính sách xuất khẩu Trung Quốc; hệ thống đường giao thông từ Hà Nội đến các cửa khẩu sang Trung Quốc, nhất là cửa khẩu Lào Cai, không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý của 2 nước còn thiếu đồng bộ, quy trình giao dịch, thanh toán tiền hàng quá phức tạp.

Tuyết Nhung

tuyetnhung