Vui buồn nghề nuôi bệnh thuê ở Sài Gòn

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:27, 30/10/2016

Yêu thương, tận tụy chăm sóc những người không phải ruột thịt với mình là điều không phải ai cũng làm được. Nuôi bệnh thuê, một công việc vốn vất vả và không phải là lựa chọn của nhiều người; nhưng với những “hộ lý bất đắc dĩ” ấy, công việc này vừa là kế mưu sinh vừa mang lại sức khỏe, niềm vui cho người bệnh và thân nhân của họ.

Những năm gần đây, dịch vụ chăm sóc bệnh nhân thuê ở các bệnh viện ngày càng phổ biến và công khai. Nếu như trước kia, những gia đình có người thân nằm viện phải chạy đôn chạy đáo nhờ người thân thay nhau chăm sóc thì nay họ đã dễ dàng hơn nhiều bởi giúp việc, chăm sóc bệnh nhân đã trở thành một dịch vụ vô cùng phổ biến và được xem như một nghề đích thực.

Không phải ai cũng làm được

Tôi gặp chị ở Khoa nội của Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp (Quận 8, TP.HCM). Chị là người phụ nữ có nước da trắng, người gọn gàng, sạch sẽ, gương mặt toát lên nét thân thiện hiền lành. Chị luôn tay xoa bóp, lau rửa cho một bệnh nhân lớn tuổi.

Gần như chị túc trực bên giường bệnh 24/24 giờ. Nhìn chị chịu khó từng li từng tí, ăn nói nhỏ nhẹ, hết mực ân cần với người bệnh, thì không ai có thể nhận biết chị là người chăm sóc thuê. Chỉ khi qua trò chuyện và được giới thiệu, tôi mới biết chị không phải là thân nhân của người bệnh.

Chị Dương luôn túc trực bên giường bệnh

Chị là Trần Thùy Dương (32 tuổi, quê Kiên Giang). Chị chia sẻ: "Bà cụ 80 tuổi rồi, bà bị tai biến nằm liệt giường. Bà chỉ có người con trai nhưng bận bịu công việc không túc trực bên bà được nên thuê tôi chăm sóc".

Tôi hỏi: "Cơ duyên nào đưa đẩy chị làm công việc này?", chị cười hiền lành, nói: "Hồi đó, đi nuôi ông nội bị tai biến trong bệnh viện này, hơn một năm trời ròng rã, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Mọi người xung quanh thấy tôi có mặt ở bệnh viện 24/24 giờ nên nhiều người nhờ trông chừng người nhà của họ mỗi khi có việc bận.

Rồi thấy bệnh viện có mở lớp đào tạo cách chăm sóc bệnh nhân, tôi đi học để có thêm kiến thức chăm sóc cho người thân. Rồi khi ông nội qua đời, tôi làm luôn công việc này đến giờ, cũng hơn một năm rồi".

Tôi hỏi: "Chị làm công việc này có dễ không, có đủ sống không?", chị bảo: "Mới đầu thì cũng lọng cọng lắm, nhưng chăm sóc ông nội nhiều, rồi cũng được đi học nên giờ thấy không khó. Chỉ là phải túc trực bên giường bệnh, mọi chuyện từ vệ sinh, ăn uống,... mình phải chịu khó và gần như là ở bệnh viện 24/24 và rất ít khi về quê thăm nhà, vì mình đi thì ai chăm người bệnh. Nghề nào cũng là nghề, miễn mình chịu khó là làm được, thu nhập cũng đủ sống".

Chị Dương chia sẻ, vợ chồng chị cũng không khá giả gì, chồng chị làm công nhân, chị thì đi chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện. Đồng lương ít ỏi của cả 2 vợ chồng cũng lo được cho đứa con gái 12 tuổi đang vào lớp 6.

Có thâm niên trong nghề chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện là chị Võ Thị Oanh (51 tuổi, quê Kiên Giang). Chị cho biết đã làm công việc này hơn 5 năm rồi.

Chị kể: "Hồi đó, có người thím làm thuê trên Sài Gòn, bà chủ chẳng may bị tai biến mà không có người chăm sóc. Bà nhờ tìm người chăm sóc giúp. Thấy vậy người thím mới giới thiệu và tôi làm thử rồi làm luôn đến giờ".

Chị bảo, nuôi bệnh cần nhất là sự kiên trì và nhẫn nại. Có người bệnh phải điều trị lâu dài, chị từng phải nuôi một người bệnh ở bệnh viện gần 2 năm.

Cái tâm của người làm dâu trăm họ

Với mức lương 250 – 300 ngàn/ ngày thì đây được xem là một công việc đem lại thu nhập mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, "phận làm dâu trăm họ" cũng luôn phải chịu cảnh "nước mắt chan cơm", chứ không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ.

Công việc cực nhọc đã là một lẽ; họ lại còn chẳng có được một giấc ngủ ngon. Quanh năm họ phải trải chiếu ngả lưng dưới chân giường bệnh và phải “tỉnh” để canh bệnh nhân xem có trở bệnh hay có nhu cầu gì không.

Khi bệnh nhân vào cấp cứu thì việc họ thức mấy đêm liền là chuyện bình thường. Họ phải gạt bỏ những ngại ngùng để tắm rửa, lau người cho bệnh nhân. Không những vậy, họ còn phải chịu đựng mùi hôi xú uế thải ra của người bệnh, rồi căng mắt ra lau chùi những vết thương…

Nhìn cảnh cô Lý nói cười trong khi chị Võ Thị Oanh xoa bóp tay chân cho mình, không ai nghĩ họ là người dưng nước lã

Vất vả nhất là với những người già bị bệnh tai biến, người bị bệnh “tiểu đường”, tim mạch. Phải túc trực và phải có kinh nghiệm khi nào cần cho ăn, ăn những gì, uống thuốc và nâng đỡ người bệnh ngồi dậy, nằm xuống thế nào cho đỡ đau… Nhờ có những người làm nghề này mà thân nhân của những người bệnh yên tâm công tác, làm ăn, nhưng vẫn đảm bảo chăm sóc tốt người nhà bị bệnh.

Người làm nghề này, đa phần không chỉ vì đồng tiền mà họ còn phải có tâm mới làm được, có tình yêu thương người bệnh, quan tâm chăm sóc, vỗ về bệnh nhân khi không có gia đình bên cạnh.

Nằm trên giường bệnh tại BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, cô Nguyễn Thị Bạch Lý (58 tuổi, nhà quận 1 TP.HCM) chia sẻ: "Tôi không có gia đình, anh chị em thì ở nước ngoài hết. Ở Sài Gòn chỉ còn tôi và 2 ông bà già; nay tôi đổ bệnh tai biến, ba mẹ già ở nhà đã không ai chăm thì ai chăm sóc cho tôi nên tôi phải thuê người lo cho mình".

Nhìn cảnh cô Lý nói cười trong khi chị Oanh xoa bóp tay chân cho mình, không ai nghĩ họ là người dưng nước lã. Mối quan hệ giữa người chăm sóc thuê với người bệnh không chỉ là trách nhiệm mà còn có cả tình yêu thương giữa con người với nhau.

Chị Oanh kể, trước khi nhận chăm sóc cho cô Lý, chị cũng chăm sóc cho một người mà người thân ở nước ngoài hết. Nhìn người bệnh khỏe lên cũng vui lây, nhưng khi họ trở nặng thì lòng cũng nặng trĩu theo. Chăm người bệnh nặng vừa thương vừa sợ vì không biết người ta mất lúc nào. Làm cái nghề này phải có lòng với người bệnh và chịu khó mới trụ lại được.

Dù gặp nhiều khó khăn và bất trắc nhưng một khi đã nhận nuôi thì họ chăm sóc chu đáo, làm việc đến nơi đến chốn. Nhiều người làm nghề nuôi bệnh phải rơi nước mắt trước đau đớn của những cụ ông, cụ bà quằn quại trước bệnh tật. Hay đôi khi ấm ức thay cho người bệnh bị con cái xa lánh, không quan tâm…

Dịch vụ chăm sóc nở rộ

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở nhiều bệnh viện lớn, nhiều gia đình không có thời gian để chăm người thân nên phải chọn cách kiếm người thay mình. Thế nhưng, không phải lúc nào cũng tìm được người, đặc biệt là người được thuê bóp bóng thở cho các bệnh nhân.

Xuất phát từ tình trạng thiếu điều dưỡng viên, sự khan hiếm người chăm sóc bệnh nhân, hiện nay nhiều nơi cũng mở dịch vụ cung cấp người chăm sóc bệnh nhân. Tuy nhiên, được đào tạo bài bản và được cấp chứng chỉ nghề hiện chỉ mới có ở BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hồng, Điều dưỡng trưởng BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp cho biết, nhằm đảm bảo an toàn cho người nuôi bệnh và người bệnh, từ năm 2005 bệnh viện đã chủ động xin phép Sở Y tế và Sở Lao động thương binh Xã hội mở khóa đào tạo chăm sóc bệnh nhân cho người có nhu cầu học.Người nuôi bệnh phải trải qua vài khóa học cách chăm sóc từng loại bệnh. Đến nay đã đào tạo được 13 khóa với hàng trăm người được cấp chứng chỉ. Dự kiến, cuối năm sẽ mở thêm một khóa đào tạo nữa cho những người có nhu cầu.

Điều dưỡng Thúy Hồng chia sẻ, trước đây, dịch vụ chăm sóc bệnh nhân chỉ là tự phát, khiến bệnh viện gặp không ít khó khăn trong vấn đề quản lý về con người, về an ninh bệnh viện và đặc biệt là an toàn bệnh nhân và cả người chăm sóc vì người chăm sóc không có chuyên môn. Việc mở lớp đào tạo đã giải quyết được các vấn đề trên.

Đầu tiên, họ được đào tạo về cách tiếp xúc với bệnh nhân, thực hành những việc đơn giản như bắt mạch, đo huyết áp, massage đầu và các chi để cho người bệnh cócảm giác. Họ cũng được học công việc khó nhất là chăm sóc các vết thương bị lở loét, thay tã, lau chùi toàn thân, sửa tư thế nằm cho đúng với bệnh.

Điều quan trọng nhất là kỹ năng chiếm được tình cảm và nắm bắt tâm lý người bệnh, làm cho hai bên đều vui vẻ và quan trọng hơn là giúp cho bệnh nhân mau chóng phục hồi.

Không chỉ đáp ứng được nhu cầu của xã hội, dịch vụ chăm sóc bệnh nhân còn tạo việc làm ổn định cho nhiều người. Trong xã hội, nghề nào cũng đáng được trân trọng, miễn đó là một nghề lương thiện, kiếm tiền bằng chính lao động và trí tuệ của mình.

Theo Ngô Đồng/báo CA TP.HCM

Theo Công an