Nghe lại những bài hát đi cùng năm tháng trong Giai điệu tự hào tháng 10

Văn hóa - Ngày đăng : 13:06, 29/10/2016

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (Genève), đất nước chia cắt làm 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải làm giới tuyến quân sự tạm thời và đã có rất nhiều ca khúc ra đời trong hoàn cảnh này, chứa đựng nỗi lòng kẻ ở người đi.

Trong bối cảnh đó, bài hát Tình trong lá thiếp của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được NSND Huyền Thương và em trai bà là NSƯT Văn Hanh thể hiện thành công, gây xúc động lòng người, chứa chan tình cảm của cả dân tộc ta trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt sau Giơ-ne-vơ.

Ca khúc Tình trong lá thiếptrong Giai điệu tự hào tháng 10 được Giám đốc âm nhạc Thanh Phương tin tưởng gửi gắm cho 2 giọng ca Quang Hào và Huyền Trang. Chất liệu âm nhạc world music mới mẻ sẽ mang đến một hơi thở hiện đại cho một bài hát vốn đã quá quen thuộc. Nhưng chất dân tộc của Tình trong lá thiếp không hề mất đi nhờ lối hát nhẹ nhàng đầy cảm xúc của Quang Hào - Huyền Trang và tiếng đàn tranh đậm đà cảm xúc quê hương.

Quang Hào vàHuyền Trang được chọn hát ca khúc chủ đề của chương trình Tình trong lá thiếp

Cũng trong một cuộc hành trình dài đằng đẵng chưa biết ngày về, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã gặp một người đàn ông tên là Phan Đồng, nhân viên trạm đèn Cửa Tùng. Năm 1954, ông Đồng từ biệt vợ con tập kết ra Bắc. Mỗi ngày, ông đều nhìn về phía bờ Nam, nơi có người vợ trẻ và những đứa con thơ trong nỗi nhớ cồn cào gan ruột. Câu chuyện ấy khiến nhạc sĩ Hoàng Hiệp xúc động, viết nên những lời ca từ nhớ nhung của Câu hò bên bờ Hiền Lương. Bài hát này được biểu diễn lần đầu tiên vào năm 1955. PGS. Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái kể, nghệ sĩ Văn Hanh về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và được bầu làm Đội trưởng Đội ca trong Ban ca nhạc của Đài. Cùng năm ấy, ông hát ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi ông hát xong, một tạ thư được gửi về trong đó, có rất nhiều lá thư chứa đầy nước mắt. Thính giả chia sẻ rằng bài hát này đụng đến tình tự của sự chia cắt, giai điệu thăm thẳm ở trong lòng người nghe. Sự chia cắt đấy, nó được nói bằng giọng hò bên bờ sông giới tuyến.

Ca sĩ Hồng Nhung hát Có phải em mùa thu Hà Nội

Tiến sĩ Minh Thái chia sẻ, cha của bà là người đầu tiên hát ca khúc này, thế nhưng mới đây ông mới được nhận danh hiệu NSƯT. Bà kể thêm: “Có nhiều khán giả rất muốn biết mặt người hát quá, nên ông phải ra Nhà Kèn tượng đài Lý Thái Tổ hát. Khi ông hát thì ông có khóc, ở dưới chị em cũng khóc như mưa. Khi ông nín chị em cũng nín, rất nhiều tràng vỗ tay rầm rầm. Nhiều chị em muốn làm quen và hỏi: anh có vợ chưa?, khi ấy bố tôi trả lời: đã có vợ và những bốn đứa con gái”.

Tấn Minh hát Gửi người em gái miền Nam

Trong chương trình Giai điệu tự hào tháng 10, Câu hò bên bờ Hiền Lươngđược giám đốc âm nhạc Thanh Phương phối lại bằng một tiết tấu nhẹ nhàng, điểm xuyết thêm những nhạc cụ dân tộc như: đàn bầu, đàn tranh như vẽ nên bức tranh về một bến bờ miền quê xa khuất chân trời luôn trong tim của nhạc sĩ và những người phải xa quê trong thời chiến.

Cũng trong chương trình, còn có câu chuyện về bài hát: Áo lụa Hà Đông của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt, Bài ca hy vọng của nhạc sĩ Văn Ký,Có phải em mùa thu Hà Nội của nhạc sĩ Trần Quang Lộc vàGửi người em gái miền Nam của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.

Khánh Linh hát Bài ca hy vọng, tác phẩm được cho rất hợp với chất giọng của cô

Chương trình Giai điệu tự hào tháng 10,Tình trong lá thiếp sẽ đượcphát sóng tối 29.10 trên VTV1 lúc 20 giờ.

Dạ Thảo

Haiyen