Xếp hạng môi trường kinh doanh: Việt Nam cần nỗ lực để vào tốp đầu ASEAN

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:40, 27/10/2016

Một tin khá vui đối với kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam là việc chúng ta đã tăng 9 bậc trong bản báo cáo xếp hạng về môi trường kinh doanh 2017 so với năm 2016 của Ngân hàng Thế giới.

Theo ghi nhận của Ngân hàng Thế giới, dù Chính phủ mới của Việt Nam mới lên nhậm chức được vài tháng nhưng cũng đã kịp thực hiện 3 cải cách trong năm, so với 5 cải cách của năm trước đó (theo The Saigon Times).

Với kết quả này, Việt Nam hiện nằm trong số 4 quốc gia có xếp hạng môi trường kinh doanh cao nhất trong khu vực Đông Nam Á bên cạnh Singapore, Malaysia và Thái Lan. Nhưng, để hoàn thành được mục tiêu có môi trường kinh doanh đạt mức trung bình của ASEAN 4 vào năm 2017 như Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra trong bản báo cáo trước Quốc hội hôm 20.10 vừa qua, thì lại là cả một quãng đường rất dài.

Trong bản báo cáo “Môi trường kinh doanh 2017: Cơ hội bình đẳng cho mọi người” vừa được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 26.10 vừa qua, thì Việt Nam đã vươn lên vị trí hạng 82 trong tổng số 190 nền kinh tế được khảo sát, tăng 9 bậc so với hạng 91 của năm 2016.

Cụ thể, trong thang điểm từ 0-100 của cuộc khảo sát, thì điểm số của Việt Nam trong năm 2017 đạt 63,83 điểm, cao hơn so với mức 61,11 điểm của năm 2016. Với kết quả này, hiện Việt Nam đang xếp sau Singapore, Malaysia và Thái Lan về xếp hạng môi trường kinh doanh trong khu vực Đông Nam Á, cao hơn so với hai nền kinh tế lớn khác trong khu vực là Indonesia (hạng 91) và Philippines (hạng 99).

Đây là điều khá đáng mừng khi Việt Nam đã không còn bị chững lại trên bảng xếp hạng như vài năm trước mà tiếp tục cải thiện vị trí trong 2-3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những thách thức và nhất là mục tiêu chúng ta đề ra thì có nhiều điều đáng suy nghĩphía sau kết quả xếp hạng này.

Trước hết, khoảng cách của chúng ta với mức trung bình của nhóm ASEAN 4 còn quá xa. Trong bản báo cáo trước Quốc hội hôm 20.10, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu cam kết phấn đấu đến năm 2017 sẽ đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tối thiểu bằng mức trung bình của ASEAN 4 (gồm 4 nước phát triển nhất khu vực là Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines) (theo CafeF).

Với kết quả trong bản báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới vừa qua, chúng ta đã đạt được vị trí cao hơn một nước nằm trong ASEAN 4 là Philippines (hạng 99), nhưng so với 3 nước còn lại thì Việt Nam kém xa. Cụ thể, Singapore đang xếp hạng 2, Malaysia hạng 23 và Thái Lan hạng 46. Mức trung bình về môi trường kinh doanh của ASEAN 4 nằm trong khoảng vị trí 40-50, cách quá xa so với vị trí 82 hiện tại của Việt Nam, nhất là khi trong vòng 1 năm qua chúng ta mới chỉ tăng được có 9 bậc mà thôi. Để đạt được vị trí 40-50 trong vòng 1 năm tới như mục tiêu đã đề ra, chúng ta phải tăng được hơn 30 bậc – một mục tiêu không hề dễ dàng.

Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở tốc độ cải cách của Việt Nam. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra, trong khi Việt Nam cải cách thì các nền kinh tế trong khu vực cũng liên tục cải thiện môi trường kinh doanh.Để thu hẹp khoảng cách với nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực, Việt Nam phải có tốc độ và số lượng cải cách nhanh hơn và nhiều hơn, nhưng thực tế là số cải cách của chúng ta cũng chỉ ngang bằng với Singapore và Thái Lan mà thôi.

Thậm chí, nếu cứ với đà tăng khiêm tốn này, không những chúng ta không thể đạt được mức trung bình của ASEAN 4 vào năm tới, mà còn có thể bị những nước xếp sau như Indonesia đuổi kịp và vượt qua. Dĩ nhiên là những nỗ lực cải cách của Chính phủ mới được bắt đầu và tốc độ có phần chậm chạp. Do vậy,quá trình cải cách cần phải được vào guồng và diễn ra nhanh hơn trong năm tới để Việt Nam ổn định vững chắc trongcác nền kinh tế hàng đầukhu vực.

Nhàn Đàm

Nhàn Đàm